(GT) – Các chuyên gia cho rằng, việc đề nghị ngân hàng trả cổ tức cho ngân sách khác nào dồn doanh nghiệp vào ”chỗ chết”?
Yêu cầu trả cổ tức bằng tiền mặt của Bộ Tài chính khiến các ngân hàng cổ phần gặp khó trong việc tăng vốn – Ảnh: Lã Anh |
Không phải vì ngân sách khó khăn
Bộ Tài chính vừa có văn bản đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng chỉ đạo người đại diện phần vốn Nhà nước tại BIDV và Vietinbank biểu quyết chia cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt và trả cho ngân sách. Bộ Tài chính còn dẫn thêm nhiều văn bản luật liên quan làm cơ sở “đòi nợ”.
Ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, việc ngân hàng cổ phần như BIDV, Vietinbank thực hiện chia cổ tức bằng tiền hay cổ phiếu thì do cổ đông quyết định. Chủ sở hữu Nhà nước không can thiệp trực tiếp mà thông qua người đại diện phần vốn Nhà nước tại ngân hàng để thông qua việc bỏ phiếu quyết định theo đúng luật.
Vietinbank cho biết, về dài hạn, Vietinbank đề xuất Chính phủ xem xét hạ tỷ lệ sở hữu nhà nước xuống mức không thấp hơn 50% để ngân hàng thu hút vốn từ nhà đầu tư nước ngoài. Ông Đặng Quyết Tiến cho biết, hiện các ngân hàng trong nước còn yếu so với khu vực, có nhu cầu tăng vốn nhưng giữ lại cổ tức để tăng vốn thì không phải là giải pháp bền vững vì số cổ tức này không đáng là bao. Các ngân hàng có nhu cầu tăng vốn đảm bảo an toàn thì phải có biện pháp mạnh hơn như phát hành, kêu gọi thêm vốn… mới là căn cơ. |
Ông Tiến cũng cho biết, theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, cổ tức được chia tại các ngân hàng cổ phần có vốn Nhà nước phải thu về ngân sách Nhà nước. Nếu ngân hàng giữ lại thì phải có lý do. Với vai trò cơ quan đại diện chủ sở hữu, ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo và người đại diện vốn Nhà nước tại các ngân hàng này phải có giải trình.
“Theo đúng quy định của luật, trường hợp các ngân hàng cổ phần sử dụng cổ tức để tăng vốn điều lệ phải được chủ sở hữu Nhà nước là Ngân hàng Nhà nước phê duyệt sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính và chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp không có kế hoạch tăng vốn được phê duyệt thì người đại diện vốn Nhà nước phải biểu quyết để ĐHCĐ ngân hàng cổ phần chia cổ tức nộp ngân sách Nhà nước vì đây là vốn đầu tư của Nhà nước, của dân”, ông Tiến nói.
Trong trường hợp người đại diện phần vốn Nhà nước bỏ phiếu phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu khi chưa có ý kiến của cơ quan đại diện chủ sở hữu thì phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình (nếu không giải trình được thì có thể bị miễn nhiệm theo luật). Trường hợp cần thiết, chủ sở hữu sẽ phải chỉ đạo người đại diện mới triệu tập ĐHCĐ bất thường theo Luật Doanh nghiệp năm 2014 để xem xét lại vấn đề này.
Theo Bộ Tài chính, với phần vốn Nhà nước tại Vietinbank là 64,46% và tại BIDV là hơn 95% thì tổng số tiền mà hai ngân hàng này phải trả cho ngân sách là gần 5.000 tỷ đồng. Ông Tiến khẳng định, việc Bộ Tài chính thu cổ tức vào ngân sách là thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, theo quy định của Quốc hội chứ không phải vì ngân sách khó khăn. Bởi khi ngân sách không khó khăn thì cũng phải thu. Còn khi ngân sách khó khăn thì càng phải trân trọng những đồng vốn này.
Làm khó cho doanh nghiệp?
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 diễn ra cuối tháng 4 vừa qua, lãnh đạo Ngân hàng Vietinbank đã đề nghị cổ đông chấp thuận việc không chia cổ tức năm 2015 với số tiền hơn 3.660 tỷ đồng.
Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Vietinbank cho biết, ngân hàng này đề xuất giữ lại lợi nhuận 2015 nhằm bổ sung nguồn vốn tự có, nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phù hợp với chiến lược phát triển của ngân hàng, đặc biệt khi ngân hàng này đang tiến tới thực hiện tính toán vốn nâng cao năng lực quản trị rủi ro, chuyển dịch cơ cấu tài sản theo hướng an toàn bền vững. Tuy nhiên, hiện tại dư địa tăng vốn của VietinBank tương đối hạn chế do hiện tại tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại Vietinbank đã chạm ngưỡng tối thiểu (64,46%) theo quy định của Chính phủ.
“Do đó, để đáp ứng nhu cầu tăng vốn, việc Vietinbank đã đề xuất phương án giữ lại lợi nhuận để tăng vốn là hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh hiện tại. Phương án này cũng đã được các cổ đông thống nhất rất cao, đặc biệt trong đó có các cổ đông chiến lược, cổ đông lớn của nước ngoài”, đại diện Vietinbank cho hay.
Theo TS. Nguyễn Thị Kim Thanh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, trong bối cảnh hiện nay, nếu phải trả cổ tức bằng tiền mặt như yêu cầu của Bộ Tài chính, hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) của cả hai ngân hàng BIDV và Vietinbank có thể hụt sâu dưới mức tối thiểu quy định. Đồng thời, khiến hai ngân hàng khó có thể thúc đẩy kinh doanh, đặc biệt là trong việc yêu cầu thực hiện chuẩn mực về tăng cường sức mạnh và an toàn hệ thống ngân hàng.
Còn theo luật sư Trương Thanh Đức, đề nghị trên của Bộ Tài chính không hợp lý, không đảm bảo quy trình thủ tục pháp lý và không đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp cũng như chủ sở hữu tài sản vốn Nhà nước.
“Về quy trình, Bộ Tài chính phải thông qua người đại diện phần vốn Nhà nước để tham gia biểu quyết. Cổ đông đã biểu quyết rồi nay Bộ Tài chính muốn đòi cổ tức thì phải tổ chức đại hội cổ đông bất thường”, chuyên gia này phân tích. Bên cạnh đó, ông Đức cho rằng, đề nghị này là vì lợi ích của phía cơ quan quản lý, không phù hợp với lợi ích của doanh nghiệp.
“Lợi tức của Nhà nước tại ngân hàng không mất đi. Nếu Bộ Tài chính “đòi” cổ tức này thì khi doanh nghiệp tăng vốn anh có nộp lại không? Nếu nộp lại thì việc đòi cổ tức này là vô nghĩa và tài chính doanh nghiệp là bút toán, không phải lúc nào cũng muốn là có thể cầm tiền mặt mang đi mang lại. Còn nếu không nộp lại thì có nghĩa là không cho doanh nghiệp tăng vốn, cũng đồng nghĩa với việc dồn doanh nghiệp vào “chỗ chết”, luật sư Trương Thanh Đức nhận định.
——————
Giao thông (Kinh tế) 09-6-2016:
http://www.baogiaothong.vn/tranh-cai-ngan-sach-doi-ngan-hang-chia-co-tuc-bang-tien-mat-d153598.html
(222/1.288)