(DĐDN) – Việc Cơ sở kinh doanh và chế biến thực phẩm Việt (Cty Viet Foods) bị xử lý hành chính oan đã rõ ràng. Cty Viet Foods hoàn toàn có thể khởi kiện một vụ án hành chính đối với việc ông Hoàng Đại Nghĩa – đội trưởng Đội QLTT số 14 Hà Nội, khi vội vã tuyên bố với truyền thông rằng Vietfoods sử dụng chất sodium nitrade gây ung thư để sản xuất xúc xích.
Tuy nhiên, sai sót từ phía cơ quan quản lý nhà nước ở vụ án này rất khó xác định thuộc về cá nhân hay tổ chức. Vụ án này chưa có tiền lệ trong quá trình xét xử của tòa án.
Nếu xét ở góc độ trách nhiệm cá nhân người công chức khi xử lý vụ việc thì phải căn cứ vào quy trình làm việc. Quy trình xử lý hành chính của các đội QLTT đã được xây dựng một cách chặt chẽ chưa? Nếu chưa có thì trách nhiệm lại thuộc cơ quan cấp cao hơn đó là Bộ Công thương. Và người xin lỗi doanh nghiệp có thể phải là Bộ trưởng chứ không đơn thuần là cấp chi cục hay cục trưởng.
Thông qua vụ việc này, Bộ Công thương cũng cần rút kinh nghiệm để xây dựng một quy trình xử lý hành chính đối với cán bộ công chức QLTT nói riêng, những lĩnh vực về hành chính nói chung. Qua đó, quyền lợi của người dân và doanh nghiệp chịu sự quản lý được đảm bảo. Cán bộ công chức cũng có căn cứ mà xử lý theo đúng trình tự.
Quy trình xử lý hành chính cũng là một phần tạo nên văn hóa ứng xử của cán bộ công chức và cơ quan có trách nhiệm. Khi một bên trong các quan hệ dân sự, kinh tế có lỗi thì việc đầu tiên là phải xin lỗi bên kia. Trong trường hợp này, chỉ riêng việc trả lại sản phẩm mà không xin lỗi người bị xử lý oan là điều rất đáng trách của QLTT.
Riêng đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại về mặt kinh tế từ một quyết định hành chính sai thì đã có Luật bồi thường nhà nước. Công chức QLTT sai sót trong xử lý thì cơ quan QLTT phải bồi thường cho DN bị thiệt hại. Tuy nhiên, mức bồi thường thiệt hại được tính ra sao cũng là vấn đề cần phải hoàn thiện.
Với giá trị sản phẩm bị thiệt hại là 2,2 tấn xúc xích thì có thể tính toán được. Còn đối với những thiệt hại do ảnh hưởng đến thương hiệu hay giảm lượng sản phẩm tiêu thụ trên thị trường cũng rất khó tính toán. Khi xét xử, tòa án khó có thể căn cứ vào mức bồi thường từ tính toán của DN hay của cơ quan QLTT. Căn cứ khả thi nhất là từ một cơ quan định giá độc lập xong chúng ta cũng chưa có tiền lệ cho việc này.
Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 sẽ có hiệu lực pháp luật từ ngày 01/7/2016. Theo Bộ luật này cho phép tòa án áp dụng án lệ hoặc lẽ công bằng. Đây có thể sẽ là một vụ án mẫu trở thành án lệ cho các vụ án tương tự khi Bộ luật Tố tụng Dân sự có hiệu lực.
LS Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC
——————
Diễn đàn Doanh nghiệp (Doanh nghiệp) 10-6-2016:
http://enternews.vn/viet-foods-can-tro-thanh-mot-an-le.html
(606/606)