(NN) – Đề nghị cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietstar từng bị Chính phủ “bác” do đơn vị này hoạt động liên tiếp thua lỗ, không đáp ứng đủ điều kiện về vốn. Thế nhưng, mới đây, Bộ GTVT lại đề xuất cấp giấy phép cho Vietstar.
“Bình mới, rượu cũ”?
Điểm đáng chú ý, Công ty cổ phần Hàng không Lưỡng dụng Ngôi sao Việt (Vietstar Airlines) – đơn vị từng bị từ chối cấp phép kinh doanh hàng không, trong mô hình này trở thành công ty thành viên của Công ty TNHH Một thành viên Hàng không Vietstar (Công ty Vietstar).
Tuy “bình mới” nhưng dường như “rượu vẫn cũ”, vốn điều lệ vẫn là bài toán khó với doanh nghiệp này.
Theo báo cáo thẩm định hồ sơ xin cấp phép của Bộ GTVT, công ty Vietstar có vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Theo quy định về vốn tối thiểu tại điều 8, Nghị định 92, Công ty Vietstar chỉ được khai thác vận chuyển hàng không nội địa với mức vốn tối thiểu là 300 tỷ dồng. Tại thời điểm thẩm định hồ sơ xin cấp phép, Cục Hàng không Việt Nam vẫn yêu cầu Công ty Vietstar giải trình cụ thể nội dung về vốn tối thiểu. Bên cạnh đó, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu Công ty Vietstar bổ sung hợp đồng thuê tàu bay nhằm bảo đảm việc Công ty có tàu bay đưa vào khai thác.
Tuy nhiên, đại diện Công ty Vietstar đã giải trình: trong giai đoạn đầu, Công ty Vietstar sẽ khai thác vận chuyển nội địa, trong giai đoạn tiếp theo (từ 2017), Công ty Vietstar sẽ tiếp tục bổ sung vốn tối thiểu tới 700 tỷ đồng để khai thác vận chuyển hàng không quốc tế theo quy định tại Điều 8, Nghị định 92.
Đại diện công ty này cũng giải trình do chưa được cấp phép Kinh doanh vận chuyển hàng không nên việc ký kết Hợp đồng thuê tàu bay trong giai đoạn này chưa thực hiện được mà mới chỉ có thoả thuận thuê tàu bay.
Bộ Quốc phòng việc đầu tư góp vốn của các cổ đông vào Cty CP Hàng không lưỡng dụng Ngôi sao Việt đang có sự đầu tư chéo |
Bộ Quốc phòng: đầu tư chéo vào nhau, thiếu minh bạch
Trong khi đó, ở một diễn biến khác, Bộ Quốc Phòng có báo cáo cho thấy, công ty CP Hàng không lưỡng dụng Ngôi sao Việt tình hình tài chính khó khăn, khả năng thanh toán không được đảm bảo. Việc đầu tư góp vốn vào Cty CP Hàng không lưỡng dụng Ngôi sao Việt đang có sự đầu tư chéo vào nhau, thiếu minh bạch. Bộ Quốc phòng đã giao Quân chủng Phòng không, không quân, Nhà máy A41 kiểm tra tính minh bạch, pháp lý và nguồn gốc vốn đầu tư của các cổ đông vào công ty CP Hàng không lưỡng dụng Ngôi sao Việt, khả năng cân đối nguồn vốn để thực hiện dự án.
Đáng chú ý, báo cáo của Bộ Quốc phòng còn cho biết, việc điều chỉnh tăng vốn điều lệ của công ty CP Hàng không lưỡng dụng Ngôi sao Việt từ 400 tỷ đồng lên 800 tỷ đồng, trong đó có phần vốn góp của nhà máy A41 song nhà máy này lại không được biết và cũng không báo cáo Bộ Quốc phòng.
Những lùng bùng về vốn tại Vietstar Airlines và sự thiếu minh bạch trong quản trị, điều hành và đặc biệt phần liên kết với nhà máy A41 của Bộ Quốc phòng- đơn vị đang được giao quản lý, sử dụng hàng trăm ha đất quốc phòng ở các sân bay trọng yếu của đất nước đã từng làm “nóng” dư luận khi đơn vị này xin cấp phép hàng không hồi đầu năm 2016.
Nguyên Phó tư lệnh Binh chủng Ra-đa – Đại tá Trần Liên cũng từng lên tiếng mạnh mẽ và quyết liệt cho rằng “không thể cấp phép kinh doanh hàng không bằng mọi giá”.
Ở góc độ pháp lý, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI thẳng thắn chỉ ra rằng lĩnh vực đặc thù như Hàng không phải tuân thủ đúng pháp luật, kiểm soát chặt chẽ hơn vì liên quan tới an toàn của hành khách, không khuyến khích phát triển ồ ạt dẫn tới buông lỏng quản lý.
Thực tế, thị trường hàng không nội địa những năm qua đã chứng kiến quá nhiều “cái chết” của những hãng hàng không mới như Indochina Airlines (đã phá sản), Trãi Thiên (phá sản), Air Mekong (cũng đã ngừng bay), Blue Sky Air (ngừng hoạt động)…
Chính vì vậy, Chính phủ trước đề xuất xin cấp phép cho Vietstar Airlines cũng từng kiên quyết không chấp nhận có ngoại lệ với tinh thần kiểm soát chặt chẽ nhằm bảo đảm an ninh, an toàn, tránh nhượng quyền vận chuyển Hàng không nội địa.
Được biết, trước đề xuất mới của Bộ GTVT xin cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietstar Airlines, Văn phòng Chính phủ ngày 26/10/2016 có văn bản yêu cầu 4 bộ: Tư pháp, Tài chính, Ngoại giao, Quốc phòng và Kế hoạch & Đầu tư cho ý kiến đối với những lĩnh vực mình được giao quản lý.
Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin.
Nghi vấn văn bản xác nhận vốn điều lệ của Vietstar
Theo báo cáo thẩm định hồ sơ xin cấp phép của Bộ GTVT, công ty Vietstar có vốn điều lệ 300 tỷ đồng (có văn bản xác nhận vốn của Ngân hàng VPBank). Tuy nhiên, văn bản này người ký không có chức danh và mẫu văn bản không phải là văn bản phong toả tài khoản để phục vụ cho hồ sơ xin cấp phép hàng không theo đúng quy định của pháp luật. Trao đổi với PV, một đại diện từ ngân hàng Vpbank cho biết sẽ tiến hành kiểm tra tính pháp lý của văn bản này và sớm có câu trả lời trước công luận.
Cần nói thêm rằng, trong lần xin cấp phép trước đây, hồ sơ của Vietstar cũng từng bị “bác” do văn bản xác nhận vốn không hợp lệ và đúng quy định của pháp luật.
HÀ LINH
————
Ngày nay (Kinh tế) 07-11-2016:
(62/1.093)