(DNSG) – Khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) cho rằng, các chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước nên tập trung vào dài hạn để giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng hoạt động và năng lực cạnh tranh.
Khối SME đóng góp khoảng 40% GDP và thu hút 51% lực lượng lao động trên cả nước, tạo ra hơn nửa triệu việc làm mỗi năm. Song, đến thời điểm này, những khó khăn mà khối SME phải đối mặt vẫn luôn là vấn đề đáng bàn, dù thời gian qua Chính phủ đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ vay vốn cũng như bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ tín dụng.
Theo khảo sát của Tổng công ty Tài chính Quốc tế (IFC), hiện nay chỉ có khoảng 21% trong khối SME của Việt Nam liên kết được với chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi ở Thái Lan là 30%, Malaysia là 46%.
Đánh giá về tỷ lệ này, ông Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, tỷ lệ 21% SME liên kết được vào chuỗi là quá thấp. Hiện tại, in vải, dệt nhuộm, phân phối có giá trị cao trong chuỗi dệt may, da giày, doanh nghiệp (DN) Việt Nam tham gia rất ít. Chính vì vậy, giá trị gia tăng đối với ngành sản xuất mà các DN đạt được là rất thấp.
Hiện tại, khối SME tại Việt Nam đang được phân thành các nhóm, gồm DN siêu nhỏ (chiếm chủ yếu), DN nhỏ và vừa. DN siêu nhỏ là mô hình DN có lao động từ 5 – 10 người, doanh thu mỗi năm dưới 10 tỷ đồng, còn DN nhỏ là khoảng 100 lao động. Với quy mô như vậy, vấn đề cần làm là có thể hỗ trợ DN nhỏ và DN siêu nhỏ lớn mạnh hơn.
Theo đó, chỉ khi nào DN đủ sức thì mới mong có cơ hội tham gia vào các chuỗi sản xuất. Đã có không ít ý kiến cho rằng cần giảm lãi suất ngân hàng, tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn vay. Những kiến nghị trên, trên thực tế đã nằm trong nội dung Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Cụ thể, các nội dung hỗ trợ dự kiến bao gồm hỗ trợ gia nhập và rút khỏi thị trường, hỗ trợ tiếp cận tín dụng ngân hàng, quỹ, hỗ trợ thuế thu nhập DN, hỗ trợ mặt bằng sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ…
Song, phân tích tại Hội thảo Tham vấn ý kiến cộng đồng khối SME về Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ do Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam thực hiện tuần qua, ông Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, việc hỗ trợ DN thông qua giảm lãi suất cho vay, hay giảm thuế chỉ là giải pháp trước mắt, không phù hợp với cơ chế thị trường, tạo tâm lý ỷ lại.
Thay vào đó, ông Đức đề xuất cần tập trung vào các biện pháp hỗ trợ dài hạn nhằm nâng cao năng lực hoạt động và năng lực cạnh tranh cho DN. Tích cực tạo mọi điều kiện thuận lợi để DN tạo ra sản phẩm chất lượng cao với mức giá cạnh tranh được với hàng ngoại nhập.
Đồng quan điểm, ông Lương Văn Thắng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Khóa Việt Tiệp chia sẻ, việc giảm lãi suất cho vay hay giảm thuế sẽ góp phần làm giảm chi phí cho DN. Song, cần có những hỗ trợ khác nhau đối với từng DN. Chẳng hạn, đối với DN mới đi vào sản xuất, kinh doanh, khó khăn đầu tiên của họ thường là vấn đề quản trị, lao động, nhà xưởng chứ không hẳn là vốn.
Trước đó, tại Hội thảo Tài trợ chuỗi cung ứng do IFC và Hiệp hội Ngân hàng tổ chức tại TP.HCM, nhiều ý kiến cũng cho rằng, để hỗ trợ DN siêu nhỏ cần có chính sách nhất quán giữa các cơ quan nhà nước. Hiện 40 – 45% DN siêu nhỏ kinh doanh chưa có lãi. Vì vậy, cần có kế sách để trong khoảng 5 năm thì DN siêu nhỏ có thể mở rộng phạm vi hoạt động, trở thành DN nhỏ.
Không chỉ vậy, qua việc hàng Thái Lan tràn vào thị trường Việt Nam để thấy rằng tính kết nối giữa các DN Việt Nam so với các nước trong khu vực còn kém, có thể thấy sự chuẩn bị của DN Việt Nam chưa tốt. Đây cũng là bài học trong điều hành kinh doanh.
KIẾN QUỐC
————
Doanh nhân Sài Gòn (Thời sự) 08-11-2016:
http://www.doanhnhansaigon.vn/hoi-clb/ho-tro-sme-can-co-chinh-sach-dai-han/1101029/
(145/821)