(PL) – Cạnh tranh là quyền hợp pháp của doanh nghiệp, thúc đẩy kinh doanh, lợi cho người tiêu dùng. Để có một mội trường kinh doanh minh bạch, bảo đảm quyền lợi của các doanh nghiệp chân chính và quyền lợi của người tiêu dùng, quốc gia nào cũng có những qui định chặt chẽ nhằm ngăn chặn thủ đoạn cạnh tranh không lành mạnh. Ở Việt Nam, vấn đề này đã được qui định khá đầy đủ, tuy nhiên vẫn có nhiều vụ cạnh tranh không lành mạnh diễn ra.
Vụ án 10 năm trước
Pháp luật đã quy định khá chi tiết những hành vi bị coi là cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh, nhưng thực tế nhiều DN vẫn vi phạm
Cách đây hơn chục năm, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã phải xử giám đốc thẩm sửa bản án giám đốc của Tòa Dân sự TANDTC về vụ kiện khá phức tạp giữa nguyên đơn là hai doanh nghiệp đều ở TP Hồ Chí Minh là Công ty TNHH sản xuất và thương mại Vạn Thành và Công ty TNHH sản xuất Mousse Ưu Việt với bị đơn là Công ty cổ phần cao su Sài Gòn Kymdan – nhà sản xuất nệm cao su tự nhiên lớn nhất tại TP. Hồ Chí Minh. Lý do khởi kiện là Kymdan đã đăng quảng cáo trên 5 tờ báo lớn đã sử dụng phương pháp so sánh hàng hoá của mình (nệm Kymdan được làm từ 100% cao su thiên nhiên), với hàng hoá cùng loại của doanh nghiệp khác, trong đó có Công ty TNHH Vạn Thành và Công ty TNHH Ưu Việt đang sản xuất nệm lò xo, nệm nhựa poly-urethane (nệm mút xốp nhẹ).
Trong quảng cáo, Công ty Kymdan đã phân tích các nhược điểm của hai loại nệm trên như sau: ”Đối với nệm lò xo: ngoài việc lực phân bố để nâng đỡ cơ thể người nằm không đều khắp bề mặt, do tính chất không ưu việt của nguyên liệu sản xuất nên chất lượng nệm sẽ giảm dần theo thời gian. Nếu độ đàn hồi của lò xo thấp: nệm sẽ bị xẹp sau một thời gian sử dụng. Nếu độ đàn hồi của lò xo cao: lò xo có thể bị gãy, gây nguy hiểm cho người sử dụng”. “Đối với nệm nhựa tổng hợp poly- urethane (nệm mút xốp nhẹ): tính dẻo ưu việt nên không có độ đàn hồi, mau bị xẹp” và Công ty Kymdan đã khẳng định “Chính vì những lý do đó mà Kymdan hoàn toàn không sản xuất nệm lò xo cũng như nệm nhựa poly- urethane. Tất cả các sản phẩm của Kymdan được làm từ 100% cao su thiên nhiên, có độ bền cao và không xẹp lún theo thời gian”.
Hội đồng Thẩm phán TANDTC kết luận Công ty Kymdan không sản xuất hai loại nệm trên nhưng đã quảng cáo so sánh chất lượng nệm của Kymdan sản xuất với chất lượng nệm lò xo và nệm mút xốp nhẹ của các thương nhân khác sản xuất là vi phạm các quy định của pháp luật về quảng cáo thương mại nên đã buộc Công ty cổ phần cao su Sài Gòn Kymdan xin lỗi Công ty TNHH sản xuất và thương mại Vạn Thành và Công ty TNHH sản xuất Mousse Ưu Việt về quảng cáo có nội dung gây hiểu lầm và phải cải chính nội dung quảng cáo đã đăng trước đó trên 5 tờ báo đã quảng cáo cho Công ty cổ phần cao su Sài Gòn Kymdan.
Nhận diện các hành vi vi phạm
Sau vụ Kymdan, năm 2004, Việt Nam đã ban hành Luật Cạnh tranh, trong đó Chương III về hành vi “cạnh tranh không lành mạnh” qui định khá chi tiết. Trong đó, Điều 39 về hành vi cạnh tranh không lành mạnh gồm 9 hành vi bao gồm: 1. Chỉ dẫn gây nhầm lẫn; 2. Xâm phạm bí mật kinh doanh; 3. ép buộc trong kinh doanh; 4. Gièm pha doanh nghiệp khác; 5. Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác; 6. Quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh; 7. Khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh; 8. Phân biệt đối xử của hiệp hội; 9. Bán hàng đa cấp bất chính; 10. Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác theo tiêu chí xác định tại khoản 4 Điều 3 của Luật này do Chính phủ quy định. Trong đó, các điều luật tiếp theo qui định cụ thể về 9 hành vi nêu trên.
Nhiều hành vi bị coi là cạnh tranh không lành mạnh khi soi chiếu vào những điều luật trên.
Luật sư Trần Hồng Phong (Công ty Luật hợp doanh Ecolaw) phân tích và dẫn ra nhiều dẫn chứng về cạnh tranh không lành mạnh. Về chỉ dẫn gây nhầm lẫn là việc doanh nghiệp sử dụng những thông tin chỉ dẫn (chẳng hạn trên bao bì, nhãn hàng, các pano quảng cáo …) gây ra sự nhầm lẫn về tên thương mại, logo, chỉ dẫn địa lý … để làm sai lệch nhận thức của khách hàng về hàng hóa, dịch vụ của mình. Ví dụ, sản phẩm trà chanh Nestea hiện được ưa chuộng trên thị trường nhưng không ít khách hàng, nhất là khách hàng ở các tỉnh, bị nhầm lẫn với Freshtea của Công ty Thuý Hương. Theo tài liệu của Công ty sở hữu trí tuệ Banca được công bố công khai trong một cuộc hội thảo do Bộ Công thương tổ chức thì, Công ty Thuý Hương (Thanh Trì, Hà Nội) đã có hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Thuý Hương đã sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn giữa Freshtea và Nestea. Sự tương tự về phần chữ: Cấu tạo, cách phát âm và tương tự cả về cách trình bày, bố cục, mầu sắc. Trông bề ngoài, nếu không để ý sẽ khó phát hiện hai gói trà chanh này là do hai công ty khác nhau sản xuất. Một số người tiêu dùng được hỏi thì cho rằng, cả Freshtea và Nestea cùng là sản phẩm của công ty Nestle, vì trông chúng rất… giống nhau.
Công ty Trung Nguyên đã từng tổ chức một cuộc khảo sát. Kết quả nghiêng về G7 với 89% người uống chọn G7 và chỉ 11% chọn Nescafé của Nestlé.
Cùng nằm trong dòng sản phẩm của công ty Nestlé, sản phẩm sữa Milo bị tới hai hãng khác cạnh tranh không lành mạnh thông qua các chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn. Sản phẩm sữa Good Cacao của Cty Mina được sản xuất với những điểm tương tự sữa Milo như: Tương tự về bao gói sản phẩm, cách thức trình bày, bố cục, mầu sắc.
Về bắt chước một sản phẩm quảng cáo khác để gây nhầm lẫn cho khách hàng. Công ty cà phê Trung Nguyên với thương hiệu G7 nổi tiếng đã sử dụng nhãn hiệu ba chiều hình cốc đỏ của Nestlé để so sánh trực tiếp sản phẩm G7 của họ với sản phẩm Nescafé của Nestles. Đó thực chất là việc so sánh trực tiếp sản phẩm nhằm cạnh tranh không lành mạnh.
Về khuyến mại không lành mạnh, đó là việc tổ chức khuyến mại mà gian dối về giải thưởng, không trung thực hoặc gây nhầm lẫn về hàng hoá, dịch vụ để lừa dối khách hàng; tặng hàng hoá cho khách hàng dùng thử nhưng lại yêu cầu khách hàng đổi hàng hoá cùng loại do doanh nghiệp khác sản xuất mà khách hàng đó đang sử dụng để dùng hàng hóa của mình. Dẫn chứng cho hành vi này là Bột nêm Massan. Theo một công bố của Ban Điều tra và Xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, thì Công ty Massan đã đưa ra chương trình khuyến mại bột canh, người tiêu dùng có thể đem gói bột canh dùng dở đến đổi lấy sản phẩm Massan. Hành vi này được quy định là một trong các hành vi khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh: “Tặng hàng hoá cho khách hàng dùng thử, nhưng lại yêu cầu khách hàng đổi hàng hoá cùng loại đang sử dụng do doanh nghiệp khác sản xuất”. Công ty Unilever Bestfood đã khiếu nại về chương trình khuyến mại này tới Sở Thương mại TP.Hồ Chí Minh. Thanh tra Sở đã lập biên bản và yêu cầu đình chỉ chương trình khuyến mại.
Về bán hàng đa cấp bất chính thị trường đã biết đến vụ Công ty Nino Vina phân phối sản phẩm nước trái nhàu ở Việt Nam. Nino Vina là một công ty phân phối sản phẩm nước trái nhàu ở Việt Nam. Công ty này qui định: Để có thể trở thành thành viên cấp I của mạng lưới phân phối, các phân phối viên phải mua 1 thùng 4 chai nước Tahitian Noni Juice với giá gốc là 2,7 triệu đồng, giá phân phối là 3,2 triệu đồng. Nếu thành viên cấp I giới thiệu thêm được 3 người khác tham gia vào mạng lưới (mỗi người lại đóng 2,7 triệu đồng) thì sẽ được hoa hồng 20% tổng số tiền những người này mua sản phẩm. 3 người sau này được coi là thành viên cấp II. Nếu các thành viên cấp II này giới thiệu thêm được 3 người khác tham gia vào mạng lưới thì thành viên cấp I sẽ tự động được hưởng thêm 5% tổng số tiền mà 3 thành viên cấp III nộp để mua sản phẩm.
Theo tính toán, khi mạng lưới phát triển đến tầng thứ 8 thì số tiền hoa hồng được chuyển về tài khoản của “người lôi kéo” ban đầu là 56,2 triệu đồng mặc dù người này không phải làm gì ngoài việc rủ rê được 3 người mới tham gia vào mạng lưới phân phối. Như vậy theo mô hình trả hoa hồng này, thu nhập thu được không phải xuất phát việc bán sản phẩm mà là do chiếm dụng tiền của các thành viên tiếp theo trong mạng lưới.
Doanh nghiệp cần thận trọng trong quảng cáo
Cách đây không lâu, vào tháng 5/2015, Bkav Security đã có buổi ra mắt sản phẩm điện thoại thông minh Bphone tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Trước hàng ngàn quan khách, Bkav khẳng định Bphone là điện “thoại thông minh nhất thế giới”. Cùng với đó, Bkav đã đưa ra những hình ảnh giới thiệu sản phẩm của mình. Trong đó có việc trình chiếu các hình ảnh so sánh với điện thoại iPhone 6, iPhone 6 Plus của hãng Apple và Galaxy S6 Edge của hãng Samsung. Việc so sánh này được lặp đi lặp lại nhiều lần và đều nhằm chứng minh sự vượt trội về mặt con số của Bphone. Luật sư Trương Thanh Đức (Giám đốc Công ty Luật ANVI) cho rằng Luật Quảng cáo có quy định: Quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ của mình với hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cùng loại của thương nhân khác là hành vi bị cấm. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng không được quảng cáo cho hoạt động kinh doanh của mình bằng cách sử dụng sản phẩm quảng cáo vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; sử dụng hình ảnh của tổ chức, cá nhân khác để quảng cáo khi chưa được tổ chức, cá nhân đó đồng ý. “Nói gì thì nói một chương trình ra mắt thì cũng không khác gì là quảng bá, quảng cáo sản phẩm. Nói vi phạm hay không trong tình huống này phải làm rõ”.
Thị trường bột ngọt cách đây nhiều năm xuất hiện quảng cáo hạt nêm không bột ngọt của Chinsu, nhưng thành phần lại có chất tạo ngọt
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) thì cho rằng việc Bkav trình chiếu các hình ảnh Bphone trong tương quan so sánh với iPhone 6, iPhone 6 Plus của hãng Apple và Galaxy S6 Edge của hãng Samsung để chứng minh sự vượt trội về mặt con số của Bphone đã vô hình trung biến sản phẩm của Apple và Samsung trở thành vật “làm nền” cho Bphone. Theo điểm 6 và điểm 8 của Điều 9 Luật Thương mại thì đây là hành vi bị cấm.
Ở một góc nhìn khác TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, lại cho rằng Bkav hoàn toàn có thể so sánh hình ảnh như vậy trong một chương trình ra mắt sản phẩm bởi việc so sánh đó hoàn toàn không mang tính chất nói sai sự thật, nói xấu, bôi nhọ hình ảnh của đối thủ. “Trong trường hợp cố tình thì mới bị xử lý”, ông Long bày tỏ quan điểm.
Dù vụ việc đã qua nhưng nhiều luật sư biết vụ việc đều cho rằng việc sử dụng hình ảnh tùy tiện như vậy rất dễ nảy sinh rủi ro và bị khiếu kiện.
Hòa Bình (tổng hợp)
————
Pháp lý (Kinh doanh – Pháp luật) 10-11-2016:
(151/2.243)