1.132. Dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ: Hỗ trợ như thế nào?

(NB&CL) – Chiều 8-11, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), trong đó có nhiều nội dung nhằm hỗ trợ đối tượng doanh nghiệp này phát triển. Từ trước tới nay, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa nhận được sự hỗ trợ đúng mực của các bộ, ngành để phát triển tối ưu. Chính vì vậy, sự ra đời của dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đặt ra câu hỏi liệu đây có phải bước đột phá giúp thay đổi tư duy?

Luật sẽ hỗ trợ DNNVV những gì?

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày tờ trình dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tại hội trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: “Dự thảo luật thu hẹp các đối tượng hỗ trợ nhằm có trọng tâm, tập trung nguồn lực ưu tiên cho các doanh nghiệp như doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp chuyển từ hộ kinh doanh, DNNVV trong lĩnh vực sản xuất chế biến, DNNVV tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành, phù hợp với mục tiêu và định hướng phát triển của đất nước, lợi thế của từng ngành, lĩnh vực, địa bàn và khả năng nguồn lực của quốc gia trong từng thời kỳ”.

Về các nội dung hỗ trợ DNNVV, ông Dũng cho biết, Chương II của dự thảo luật quy định cụ thể gồm hỗ trợ gia nhập và rút khỏi thị trường, tín dụng, tài chính, công nghệ, mặt bằng sản xuất, xúc tiến và mở rộng thị trường, mua sắm công, thông tin và tư vấn, phát triển nguồn nhân lực, ươm tạo và cung cấp dịch vụ hỗ trợ.

Cần thiết phải ban hành Luật Hỗ trợ DNVN.

Ông Dũng nói: “Đây là những hỗ trợ cơ bản, thiết yếu đối với tất cả các DNNVV. Trừ nội dung giảm thuế thu nhập, các nội dung hỗ trợ còn lại tại chương này không hỗ trợ tài chính trực tiếp, không bao cấp cho DNNVV. Những hỗ trợ cơ bản này được thực hiện thông qua cơ chế chính sách để hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp trung gian cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho DNNVV. Những hỗ trợ này không vi phạm những cam kết quốc tế vì đối tượng là DNNVV được loại trừ trong các cam kết mà Việt Nam là thành viên”.

Theo dự thảo luật, chương trình hỗ trợ trọng tâm DNNVV mang tính chọn lọc, chuyên biệt nhằm góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và tự chủ của nền kinh tế, bao gồm: chương trình hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh; chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; chương trình hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành.

Dự thảo luật cũng dành một chương làm rõ nội dung về quản lý nhà nước và nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm hỗ trợ DNNVV của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Ông Dũng cho hay, dự thảo luật quy định về ngân sách hỗ trợ và dự toán ngân sách nhà nước hỗ trợ DNNVV và huy động nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước cho hỗ trợ DNNVV. Ngoài ra, dự thảo luật cũng quy định cơ chế điều phối công tác hỗ trợ DNNVV, cơ chế công khai, giám sát và đánh giá hỗ trợ DNNVV.

Những “điểm sáng”

Bàn về hiệu quả của Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết, dự luật này sẽ là khung khổ pháp lý cao nhất và mang tính liên tục, nhất quán, toàn diện cho Doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Dự Luật mới này sẽ giúp phát triển doanh nghiệp gia tăng số lượng và nâng cao chất lượng hoạt động của khu vực doanh nghiệp này, thông qua việc thiết lập đồng bộ các chính sách, chương trình hỗ trợ trên cơ sở hỗ trợ có chọn lọc, phù hợp với mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế của đất nước, lợi thế của từng địa phương và nguồn lực của quốc gia.

Đặc biệt, dự Luật này sẽ xác định rõ trách nhiệm và vai trò của Chính phủ, cơ quan Trung ương và địa phương, các tổ chức xã hội và khu vực tư nhân trong hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, củng cố hệ thống triển khai chính sách hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa từ Trung ương đến địa phương và tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho hay, những sự hỗ trợ của luật này không tạo ra sự phân biệt đối xử, bất bình đẳng giữa các Doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bởi trong dự thảo có phân chia các nhóm doanh nghiệp ở các mức hỗ trợ khác nhau, không tạo ra sự bao cấp cho các doanh nghiệp thiếu năng lực, không có khả năng phát triển và có nguy cơ giải thể, phá sản.

Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp có tiềm năng được nhận sự hỗ trợ tốt nhất để phát triển, tránh đầu tư hỗ trợ cho doanh nghiệp nguy cơ “chết”.

Còn ông Lê Duy Bình, Giám đốc Công ty Tư vấn và Quản lý Kinh tế chỉ ra rằng, Luật này sẽ cải thiện tỷ suất lợi nhuận của Doanh nghiệp nhỏ và vừa qua chính sách thuế khi giảm tới 4.000 – 5.000 tỷ đồng mỗi năm từ giảm chi phí thuế; nâng số doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu trực tiếp từ 52.000 doanh nghiệp hiện nay lên hơn 100.000 doanh nghiệp trong 10 năm tới.

Luật còn giúp mở rộng thị trường và nâng cao cơ hội cho Doanh nghiệp nhỏ và vừa về khả năng cung ứng hàng hóa dịch vụ cho các cơ quan Nhà nước trị giá gần 21 tỷ USD; sẽ có khoảng 40.000 Doanh nghiệp nhỏ và vừa có cơ hội được cung cấp dịch vụ, sản phẩm qua các hợp đồng mua sắm công trị giá 4,2 tỷ USD.

Ngoài ra, Doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ có cơ hội tiếp cận thêm ít nhất 397.000 tỷ đồng từ các ngân hàng thương mại và 7.560 tỷ đồng thông qua các quỹ bảo lãnh tín dụng…

Cũng theo ông Bình, Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ tạo ra những lợi ích xã hội. Cụ thể, sẽ có khoảng 8,5 triệu việc làm mới, trong đó có khoảng 7,5 triệu việc làm mới từ các doanh nghiệp mới thành lập.

Từ đó sẽ tăng độ che phủ bảo hiểm y tế từ 70 triệu người lên 78,2 triệu người, đạt độ bao phủ 85,5% (so với mức 76,5% hiện nay), tăng độ che phủ bảo hiểm xã hội lên 50% lực lượng lao động và tăng độ che phủ bảo hiểm thất nghiệp lên 35%… Tổng thu nhập tăng thêm của người dân sẽ là 32.600 tỷ đồng…

Liệu có phải là “cứu cánh” thực sự?

Bên cạnh những mong muốn mang lại hiệu quả, dự Luật này cũng mang đến nhiều băn khoăn, lo ngại về quá trình hiện thực hóa, cũng như quan ngại việc ban hành Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ vi phạm các cam kết quốc tế tại các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.

Như đã nói ở trên, Việt Nam đã triển khai những chính sách hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa từ năm 2001, nhưng chỉ có 20% được thực hiện có hiệu quả nhất định. Vậy dự Luật mới này liệu có đi vào “vết xe đổ” đó?

Theo ông Châu Minh Nguyện, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Đồng Nai, hiện đang có một thực trạng là lãnh đạo và quan chức “xa lánh” những doanh nghiệp ít tiền. Chính điều này gây khó khăn cho thực hiện hóa dự Luật.

Còn theo ông Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh, thì các nội dung hỗ trợ đã được biên soạn khá kỹ nhưng không nên dàn trải mà cần tập trung vào 4 nhóm chính là: Tín dụng, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và tiếp cận thị trường.

Về hỗ trợ tín dụng không phải chỉ liên quan đến ngân hàng mà là quỹ tín dụng Doanh nghiệp nhỏ và vừa và quỹ bảo lãnh tín dụng. Trong đó, quỹ bảo lãnh phải vận hành với tính chất bảo lãnh chứ không buộc các doanh nghiệp phải thế chấp như chính sách TP. Hồ Chí Minh đang vận hành, khiến quỹ hoạt động không hiệu quả.

Kinh nghiệm ở nhiều nước hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành công thì tín dụng địa phương đóng vai trò chính trong hỗ trợ tín dụng, vì vậy nên quy định và chế định rõ hơn trách nhiệm của chính quyền địa phương. Do đó, đề nghị đưa thêm vị trí vai trò của Quỹ phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa để quỹ thành chỗ dựa của doanh nghiệp.

Xoay quanh vấn đề quan ngại việc ban hành Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ vi phạm các cam kết quốc tế tại các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, ông Lịch khẳng định, việc hỗ trợ hoàn toàn hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam, ở đây là hỗ trợ chứ không phải trợ cấp nên không lo bị kiện bán phá giá…

Liệu những cản trở này có được khắc phục, để những đổi mới trong dự Luật hỗ trợ thực sự hỗ trợ hiệu quả cho Doanh nghiệp nhỏ và vừa?

Các nội dung hỗ trợ, gồm: Cải thiện môi trường kinh doanh; tiếp cận tín dụng; hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp; hỗ trợ năng lực công nghệ; đào tạo, tư vấn và thông tin; mua sắm công; xúc tiến mở rộng thị trường… Ngoài ra, dự thảo cũng xác định các biện pháp hỗ trợ mang tính chuyên biệt hướng tới những doanh nghiệp nhỏ và vừa có tiềm năng phát triển trong một số ngành, lĩnh vực là lợi thế của Việt Nam…Có 5 chương trình hỗ trợ, gồm: Hỗ trợ khởi nghiệp; tư vấn nâng cao hiệu quả sản xuất; phát triển liên kết ngành và chuỗi giá trị; đổi mới sáng tạo và hỗ trợ hội nhập.

Khánh An

 

Diễn đàn

Bước đệm cho doanh nghiệp vươn lên

Tính đến tháng 10/2016, Việt Nam có 590.000 DN đang hoạt động và đang thực hiện các nghĩa vụ thuế (trong tổng số 959.000 DN đã đăng ký kinh doanh). Nếu đạt mục tiêu Việt Nam sẽ có 1 triệu DN thực sự đi vào sản xuất kinh doanh và có thực hiện các nghĩa vụ về thuế vào năm 2020, như vậy, trong vòng 4 năm tới Việt Nam sẽ có thêm 410.000 DN mới được thành lập và thực sự đi vào hoạt động. Các DN này sẽ tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất kinh tế qua chuyển dịch kinh tế ngành.

Theo Chương trình làm việc Kỳ họp thứ II, Quốc hội khóa XIV, trong tuần này, các đại biểu Quốc hội sẽ cho ý kiến về Dự án Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) – một luật đang được cộng đồng doanh nghiệp (DN), nhất là các DNNVV kỳ vọng sẽ giúp khối DN này của Việt Nam lớn lên, nâng cao sức cạnh tranh để vươn xa.

Đánh giá cao những nội dung quan trọng của Dự án Luật, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Đầu tư nước ngoài nhìn nhận: Sau Luật DN, Luật Đầu tư mới được ban hành, ý tưởng xây dựng Luật Hỗ trợ DNNVV là một ý tưởng rất phù hợp với giai đoạn phát triển kinh tế hiện nay. “Giá mà Luật này được ban hành sớm hơn thì các DNNVV được hỗ trợ sớm hơn, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình được thúc đẩy nhanh hơn”, ông Toàn chia sẻ.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, Việt Nam có những đặc điểm kinh tế riêng, là quốc gia có thu nhập trung bình thấp nên nguồn lực cho hoạt động hỗ trợ phát triển DNNVV không nhiều và đa dạng như tại các quốc gia đang phát triển khác. Luật Hỗ trợ DNNVV hướng đến mục tiêu hỗ trợ DNNVV sử dụng nguồn lực nhà nước thông qua việc tạo cơ chế, chính sách, điều kiện thuận lợi để các tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ hỗ trợ các DNNVV. Đồng thời, khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, cá nhân ngoài nhà nước trong hỗ trợ DNNVV, giúp khối DN này tăng trưởng về chất lượng và quy mô.

Đề cập về sự cần thiết phải ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV, ông Toàn nhận xét, đây là Dự án Luật cực kỳ quan trọng. Ông Toàn cho rằng, hầu hết các DN Việt Nam hiện nay là các DN nhỏ và siêu nhỏ, năng lực hạn chế. Do vậy, Luật này ra đời có thể sẽ có được những hỗ trợ giúp DN lớn lên, từ đó cải thiện quy mô DN Việt Nam. Cũng theo ông Toàn, nhiều đề xuất từ cộng đồng DN đã được chấp thuận và đưa vào Dự thảo Luật. Hơn nữa, Dự án Luật có điểm khá mới, có ý nghĩa đối với các DNNVV nói riêng cũng như các DN nói chung là đề cập đến vai trò của các hội và hiệp hội DN. “Đây là lần đầu tiên vai trò của các hiệp hội DN được đưa vào Luật nhằm phản biện chính sách tập trung hơn”.

Thứ trưởng Đặng Huy Đông cũng cho hay, thống kê thời gian qua của các tổ chức tín dụng cho thấy, nợ xấu của các ngân hàng không phải nằm ở nhóm DNNVV mà nằm ở các “ông lớn”, “các đại gia”. Các chủ DNNVV rất trách nhiệm. Vì thế, ông Đông tin tưởng, với cách tiếp cận hỗ trợ toàn diện cho DNNVV như Dự án Luật đề xuất cùng với các chính sách, chương trình hỗ trợ chọn lọc, phù hợp với mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế của đất nước, lợi thế của từng địa phương thì các DNNVV Việt Nam sẽ nâng cao sức cạnh tranh, hội nhập thành công”.

Việt Anh

 

Bình luận

Khó gói trọn trong một bộ luật

Hỗ trợ DNVVN là một trong những mục tiêu cơ bản của xã hội – không thể gói trọn trong một bộ luật mà cần gắn chặt với việc tạo điều kiện cho người dân tự do phát triển sản xuất, kinh doanh. LS Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, trọng tài viên VIAC chia sẻ quan điểm về việc xây dựng Luật hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo tôi, Bộ KH-ĐT cần cân nhắc khi xây dựng Luật Hỗ trợ DNVVN. Không phải cái gì cũng có thể xây dựng thành một luật được. Hỗ trợ DNVVN là một chủ trương, một quyết tâm chính trị của cả bộ máy nhà nước nếu đưa vào một luật sẽ khó khả thi. Hỗ trợ DNVVN được thể hiện ở rất nhiều vấn đề như ngân hàng, tín dụng, thuế, lao động… Mỗi nội dung này cần được thể hiện rõ trong các văn bản pháp luật chuyên ngành.

LS Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, trọng tài viên VIAC.

Có một điều đáng lưu ý là các chính sách hỗ trợ DNVVN cần hướng đến những vấn đề thiết thực của từng ngành nghề, trong từng giai đoạn cụ thể. Với những chính sách hỗ trợ rất mạnh mẽ nhưng cũng uyển chuyển và nhanh nhạy, DNVVN của từng ngành, từng lĩnh vực sẽ có những chính sách hỗ trợ phù hợp, trong từng giai đoạn. Điều này tùy thuộc vào lợi ích và mục tiêu phát triển chung của cả nền kinh tế. Việc đưa tất cả các chính sách hỗ trợ vào một luật có thể tạo ra sự cứng nhắc.

Ngoài ra, khi các chính sách hỗ trợ DNVVN mạnh tay thì cũng cần tính đến việc DN cứ muốn mình nhỏ mãi để hưởng chính sách ưu đãi. Điều này thực tế đã xảy ra với nhiều DN, không chỉ ở VN. Những quy định thế nào được gọi là DNVVN, từ số lao động, vốn, doanh thu… DN sẽ được hưởng những chính sách ưu đãi hỗ trợ theo từng quy mô. Người ta chẳng dại gì mà công bố rằng mình đã đủ lớn để không cần ưu đãi, hỗ trợ.

Trái ngược lại với một số ngành, lĩnh vực lại cứ ép DN phải lớn ví dụ như ngân hàng. Đã có thời kỳ, nhiều ngân hàng buộc phải sáp nhập lại với nhau để trở thành một ngân hàng đủ số vốn theo quy định. Những quyết định hành chính có thể là ưu đãi, có thể là ép buộc, gây khó khăn đều dễ khiến thị trường méo mó. Phát triển không đúng quy luật sẽ gây hại cho thị trường.

Theo tôi, hỗ trợ DNVVN là một trong những mục tiêu cơ bản của xã hội – không thể gói trọn trong một bộ luật mà cần gắn chặt với việc tạo điều kiện cho người dân tự do phát triển sản xuất, kinh doanh.

 

Dư luận

Ông Nguyễn Xuân Thành, Người sáng lập Tập đoàn Xuân Thành Ninh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Ninh Bình: 

Nên ưu tiên cho cụm liên kết!

Hiện nay các chính sách hỗ trợ chưa khuyến khích hỗ trợ DNNVV đầu tư vào những lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh, chẳng hạn trong nhiều năm qua tỉnh Ninh Bình đã khai thác tốt lợi thế cạnh tranh về du lịch, nhưng chủ yếu bằng nguồn vốn ngân sách địa phương và của một số doanh nghiệp lớn. Chúng tôi kỳ vọng Điều 18 của Dự thảo Luật khi đề cập đến chương trình hỗ trợ thì đề cập đến cụm liên kết, trong đó có du lịch. Đây là lĩnh vực cần ưu tiên phát triển, giúp chuyển đổi cơ cấu kinh tế của địa phương và đất nước.

Ông Lê Duy Bình, TGĐ Công ty Tư vấn Economica:

Doanh nghiệp là đối tượng cần được bảo vệ!

Luật này nếu được ban hành sẽ có tác động vô cùng lớn đến nền kinh tế, lợi ích mang lại cho nền kinh tế sẽ lớn hơn rất nhiều so với chi phí bỏ ra để thực hiện các biện pháp hỗ trợ. Nhưng cần xác định rõ hơn mục tiêu để tạo sự đồng thuận trong xã hội. Tư duy của chúng ta trong việc hỗ trợ DNNVV cần thay đổi, trước đây chúng ta coi họ là đối tượng cần được bảo vệ, nhưng giờ đây chúng ta cần phải kiến tạo để họ phát triển.

Từ năm 2005 đến 2013, sau 8 năm có khoảng hơn 600 nghìn doanh nghiệp được đăng ký thành lập, như vậy mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp đến năm 2020 là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, số liệu của Tổng cục Thống kê trong giai đoạn từ 2005-2013 cho thấy, trong tổng số các doanh nghiệp đăng ký thành lập, số doanh nghiệp thực sự hoạt động chỉ có khoảng 273 nghìn doanh nghiệp. Như vậy, đang có một khoảng trống quá lớn giữa những doanh nghiệp đăng ký kinh doanh và doanh nghiệp hoạt động thực sự khi chỉ 45% doanh nghiệp thực sự hoạt động so với con số đăng ký. Khoảng trống này thực sự trở nên mênh mông hơn trong giai đoạn từ 2008 – 2013.

Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng:

Cần giảm chi phí không chính thức!

Vấn đề quan trọng số một chính là tiêu chí xác định DNNVV, thay vì dựa vào tiêu chí doanh thu, Dự thảo xác định tiêu chí dựa vào nguồn vốn, điều này không phù hợp với thông lệ quốc tế bởi có những doanh nghiệp có nguồn vốn rất nhỏ nhưng doanh thu rất lớn.

Chúng ta nói rất nhiều đến hỗ trợ DNNVV, chúng ta yêu cầu được ưu đãi tín dụng và đất đai, tuy nhiên có một chi phí không chính thức rất lớn mà doanh nghiệp phải gánh chịu. Theo khảo sát của VCCI và USAID, 62%-70% DNNVV trả lời chi phí không chính thức lên đến 10% doanh thu. Nếu như giảm được chỗ này thì có lẽ DNNVV không cần nhiều đến hỗ trợ khác nữa.

Ông Đào Trọng Lý, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ CTCP Chăn nuôi Chế biến XNK APROCIMEX:

Nên ưu tiên cho doanh nghiệp khởi nghiệp!

Cần làm rõ mục tiêu của việc hỗ trợ như thế nào, không nên cụ thể hóa mức hỗ trợ là bao nhiêu. Tôi hoàn toàn đồng ý với ban soạn thảo là Nhà nước không hỗ trợ tiền cho doanh nghiệp, nhưng cần thể hiện rõ hỗ trợ doanh nghiệp bằng hình thức nào. Những lúc doanh nghiệp gặp khó khăn, thiên tai địch họa, cần có điều khoản chi tiết để hỗ trợ vì đó là lúc doanh nghiệp cần hỗ trợ nhất. Ngoài ra, doanh nghiệp cần đổi mới công nghệ, máy móc để cạnh tranh trong nước và xuất khẩu, từ đó cần đến hỗ trợ vốn vay để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay một cách thông thoáng hơn./.

————

Nhà báo & Công luận (Diễn đàn Công luận) 11-11-2016:

http://congluan.vn/du-thao-luat-ho-tro-doanh-nghiep-vua-va-nho-ho-tro-nhu-the-nao/

 (506/3.768)

 

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,755