(DĐDN) – Cho phá sản có phải là liệu pháp mạnh giúp quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu hiệu quả hơn? Ngân hàng Nhà nước hiện chưa lên tiếng về vấn đề này. Nhưng thực tiễn đòi hỏi, sớm muộn gì cũng phải có giải pháp mạnh tay hơn cho vấn đề nợ xấu, tái cơ cấu ngân hàng.
Nợ xấu đang có xu hướng tăng, tiếp tục gây trở ngại cho hoạt động của ngân hàng, doanh nghiệp và tăng trưởng của cả nền kinh tế
Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, tính đến tháng 9/2016, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam vào khoảng 2,62% tổng dư nợ. Nếu tính các khoản nợ xấu đã chuyển sang Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và các khoản nợ đã cơ cấu lại thì tỷ lệ nợ xấu sẽ lớn hơn nhiều. Về con số cụ thể, hồi cuối tháng 10/2016, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, đưa ra con số nợ xấu cần xử lý là khoảng 220.000 tỷ đồng. Thế nhưng, hoạt động của các tổ chức tín dụng là thường xuyên, liên tục khiến các con số thay đổi từng ngày, từng giờ. Do đó, việc xác định con số cụ thể về nợ xấu là không thể. Song có thể thấy, nợ xấu đang có xu hướng tăng, tiếp tục gây trở ngại cho hoạt động của ngân hàng, doanh nghiệp và tăng trưởng của cả nền kinh tế. Đây là lý do tại sao vấn đề xử lý nợ xấu lại được quan tâm nhiều đến như vậy trong suốt thời gian qua.
VAMC đã mua nợ xấu được 3 năm. Điều đó có nghĩa là sau 2 năm nữa các khoản nợ xấu đầu tiên mà họ mua sẽ tự được xử lý, vì chính các ngân hàng đã trích đủ dự phòng cho khoản nợ xấu (mỗi năm trích 20% theo quy định của NHNN). Theo thông tin mà DOANH NHÂN nắm được, một ngân hàng thương mại lớn đã quyết định mua lại toàn bộ số nợ xấu đã bán cho VAMC. Xin không bình luận về cách xử lý của ngân hàng này, vì cũng có thể họ đã đủ mạnh nên tự xử lý được; cũng có thể họ đã tìm được đối tác khác để bán nợ và thu về tiền tươi thóc thật, thay vì chỉ nhận “giấy” (trái phiếu đặc biệt) từ VAMC.
Hãy thử nhìn vào kết quả xử lý nợ xấu trong 3 năm qua của VAMC. Tổ chức này đã mua được 25.062 khoản nợ tại 42 tổ chức tín dụng, với tổng dư nợ gốc là 262.054 tỷ đồng; giá mua nợ là 227.848 tỷ đồng. VAMC đã phối hợp với các tổ chức tín dụng tổ chức thu hồi nợ đạt 37.983 tỷ đồng dưới nhiều hình thức như bán nợ, bán tài sản bảo đảm… đạt tỷ lệ 15% dư nợ gốc nội bảng. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC thừa nhận: tốc độ thu hồi nợ so với tổng dư nợ đã mua còn hạn chế, song tỷ lệ khách hàng tự trả nợ chiếm tới 70%, còn lại 30% là bán nợ, bán tài sản đảm bảo. Việc bán tài sản bảo đảm bao gồm phát mại tài sản, thi hành án để thu hồi nợ chỉ đạt 10.990 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 28,9%.
Cần liệu pháp sốc?
VAMC đã có thời gian, đã có thêm nhiều quyền năng và đã có một chút kinh nghiệm. Nhưng thực tế cho thấy, hoạt động xử lý nợ xấu của công ty không hiệu quả như mong đợi. Vậy đâu là giải pháp? Dù có tìm được câu trả lời thì cũng chỉ để xử lý những khoản nợ xấu hiện hữu. Vấn đề quan trọng hơn là ngăn ngừa, hạn chế nợ xấu mới phát sinh. Liệu việc cho phá sản ngân hàng có thể được xem như giải pháp ngăn chặn phát sinh từ gốc nợ xấu?
Cho phá sản ngân hàng đã từng được nhắc đến khi Luật Phá sản ra đời năm 2014. Vấn đề trở nên thời sự hơn khi được Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đề cập hôm 22/10/2016 vừa qua. Ông Huệ cho rằng, đó là biện pháp cảnh tỉnh các ngân hàng trong bối nợ xấu cao mà xử lý chưa hiệu quả. Sắp tới hệ thống tổ chức tín dụng phải tiếp tục tái cơ cấu giai đoạn II (đề án này vẫn đang ở giai đoạn dự thảo). Nhìn lại quá khứ, ba ngân hàng thương mại cổ phần là VNCB, Ocean Bank và GPBank rõ ràng đã phá sản. Việc NHNN dùng giải pháp mua lại các ngân hàng này với giá 0 đồng là để tránh gây tác động xấu đến hệ thống, duy trì niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng mà khó khăn lắm họ mới có thể xây dựng được. Phá sản một doanh nghiệp, đặc biệt là một doanh nghiệp thuộc loại hình đặc biệt như ngân hàng, vốn chưa phải là khái niệm quen thuộc tại Việt Nam. Điều cơ quan quản lý lo ngại nhất là sự đổ vỡ hệ thống theo hiệu ứng domino nếu có một ngân hàng nào đó tuyên bố phá sản. Thực tế tại Việt Nam nhiều năm trước đã từng xảy ra việc vì có tin đồn một lãnh đạo của ngân hàng A bỏ trốn (chưa phải là việc một ngân hàng tuyên bố phá sản) mà người dân đã ùn ùn kéo đến ngân hàng này rút tiền, khiến NHNN phải đến giải cứu với sự hỗ trợ tiền mặt của nhiều ngân hàng lớn khác.
Cho phá sản và xử lý hậu quả của một ngân hàng phá sản tất nhiên không đơn giản. Vấn đề được nhiều người quan tâm nhất vẫn là tiền gửi của người dân và quyền lợi của cổ đông nhỏ – những người không quyết định được quá trình sử dụng vốn góp khi đầu tư vào ngân hàng. Theo quy định hiện hành, khi một ngân hàng mất khả năng thanh toán, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam (DIV) sẽ đứng ra chi trả cho người gửi tiền. Nhưng hiện mức đền bù tối đa vẫn đang là 50 triệu đồng cho một trường hợp. Mức đền bù này trên thực tế là quá thấp nên sẽ cần sửa đổi một số quy định trong hoạt động của DIV.
Nợ xấu cũ xử lý chưa xong, nợ xấu mới đang tăng thêm. Vậy tại sao vẫn có ngân hàng cho vay sân sau, cho vay vượt hạn mức sai đối tượng, buông lỏng kiểm soát rủi ro? Phải chăng vì họ biết nếu lâm nguy sẽ được cứu? Nếu có thể bị áp dụng Luật Phá sản liệu họ sẽ bớt làm liều? Hiện NHNN chưa lên tiếng về vấn đề này. Nhưng với một cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng – đơn vị tương đương tổng cục – với 7 vụ chức năng, văn phòng và ba cục hoạt động theo cơ chế ngành dọc, NHNN hẳn biết khá rõ ngân hàng nào đang bên bờ vực phá sản.
Ý kiến chuyên gia
* Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội: Chứng khoán hóa nợ xấu thành trái phiếu chính phủ để đưa vào giao dịch trên thị trường chứng khoán và sử dụng phiếu nợ chuyển đổi của các doanh nghiệp nợ xấu làm tài sản đối ứng cho lượng trái phiếu chính phủ đã phát hành. Phương thức này là sự hợp tác của cả ba chủ thể: nhà nước, doanh nghiệp nợ xấu và các ngân hàng thương mại, đồng thời chính là sự kết hợp xử lý nợ xấu trực tiếp và gián tiếp qua thị trường.
* Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI: Nếu không có một đạo luật hay một số điều luật đặc biệt để xử lý thì sẽ có nguy cơ kéo dài số năm giải quyết nợ xấu lên trên 1 con số. Do đó, “bảo bối” để sớm thoát hiểm nợ xấu đang nằm trong tay tòa án, cơ quan thi hành án, Chính phủ và Quốc hội. Đừng quên rằng, nợ xấu chính là của doanh nghiệp. Đừng mong muốn ngân hàng phải chịu trách nhiệm về tăng trưởng kinh tế. Cũng đừng hy vọng doanh nghiệp và nền kinh tế phát triển nhanh chóng, hiệu quả khi nợ xấu vẫn còn cao.
Thái Thanh
————
Diễn đàn Doanh nghiệp (Tài chính – Ngân hàng) 11-11-2016:
http://enternews.vn/thuc-ep-tai-co-cau-xu-ly-no-xau.html
(119/1.496)