1.135. Ngăn biến tướng vay tiêu dùng

(ĐĐK) – Tránh những biến tướng trong hoạt động cho vay tiêu dùng, cũng như nhằm lập lại trật tự trong lĩnh vực này, Ngân hàng Nhà nước ban hành dự thảo thông tư cho vay tiêu dùng với các quy định về hợp đồng cho vay, lãi suất, định mức được cho vay tương đối đầy đủ. Nếu được thông qua, dự kiến thông tư sẽ được áp dụng từ ngày 1/1/2017.

Cho vay tiêu dùng tăng trưởng rất nhanh trong những năm gần đây.

Lãi suất tự thỏa thuận

Điểm đáng quan tâm nhất và thu hút nhiều tranh luận là mức lãi suất trong hợp đồng tín dụng tiêu dùng.  Theo dự thảo, mức lãi suất cho vay tiêu dùng do công ty tài chính và khách hàng được thỏa thuận phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước về lãi suất cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng và được tính theo tỷ lệ %/năm.

Công ty tài chính và khách hàng thỏa thuận cụ thể việc tính, thu lãi tiền vay phù hợp với quy định của pháp luật và bảo đảm lãi tiền vay phải trả chỉ được tính trên cơ sở dư nợ cho vay thực tế tại thời điểm tính lãi.

Trong trường hợp khi đến hạn thanh toán mà khách hàng không trả hoặc trả không đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận của công ty tài chính và khách hàng trong hợp đồng cho vay tiêu dùng, thì khách hàng phải trả lãi tiền vay như sau:

Thứ nhất, lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc quá hạn do công ty tài chính thỏa thuận với khách hàng trong hợp đồng cho vay tiêu dùng nhưng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn.

Thứ hai, trường hợp khách hàng không trả lãi tiền vay đúng hạn, khách hàng còn phải trả cho công ty tài chính tiền lãi đối với số lãi tiền vay chậm trả theo mức lãi suất do công ty tài chính và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số lãi tiền và gốc.

Điểm nữa đáng chú ý dự thảo cũng quy định giới hạn cho vay tiêu dùng không vượt quá 10 triệu đồng. Cụ thể Công ty tài chính được xem xét quyết định việc giải ngân vốn cho vay tiêu dùng cho khách hàng để khách hàng thanh toán cho bên cung ứng hàng hóa, dịch vụ… tổng số tiền không vượt quá 10 triệu đồng, hoặc một mức khác theo quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong từng thời  kỳ.

Phù hợp với kinh tế thị trường

Cho vay tiêu dùng tăng trưởng rất nhanh trong những năm gần đây và là lĩnh vực tiềm năng, mang lại nhiều lợi nhuận cho các ngân hàng, công ty tài chính. Bởi lĩnh vực này mới chiếm 6% tổng dư nợ tín dụng nước ta, trong khi ở các nước khác là 15 – 20%.

Cũng theo khảo sát của phóng viên, rất nhiều công ty tài chính đang cho vay tiêu dùng với lãi suất 20 – 90%/năm. Tuy nhiên, cách tính lãi suất được quy định trong hợp đồng tài chính nhiều khi không rõ ràng, dẫn đến nhiều vụ khiếu kiện.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng cho rằng, việc cho phép khách hàng và các tổ chức vay tự thỏa thuận lãi suất đây là quyết định hoàn toàn đúng đắn của Ngân hàng Nhà nước thể hiện quan điểm tôn trọng nguyên tắc thỏa thuận trong nền kinh tế thị trường. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với định hướng điều hành của Ngân hàng Nhà nước bấy lâu nay, cũng như phù hợp với tinh thần tại Luật Các tổ chức tín dụng, cho phép bên cho vay và đi vay được thỏa thuận lãi suất. 

Tuy nhiên, có điều đáng lưu ý cũng theo Luật Dân sự 2015, có hiệu lực từ ngày 1/1/2017, lãi suất của các hợp đồng vay tài sản do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì cũng không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay.

Như vậy với dự thảo thông tư mới về vay tiêu dùng của các tổ chức tài chính này, với việc cởi trói trần lãi suất này, liệu có trái với Luật Dân sự? Một chuyên gia trong ngành trả lời, công ty tài chính và NH thương mại hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng 2010. Mà theo Luật này tổ chức tài chính và khách hàng sẽ được tự thỏa thuận lãi suất.

Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực cho rằng, có một hiện tượng khá phổ biến là, khi ra tòa, nhiều khách vay cho biết, họ không rõ hợp đồng như thế nào. Rõ ràng, đây là lỗi của người vay do không đọc kỹ hợp đồng trước khi ký. Bởi vậy, cần phải giáo dục để người dân hiểu biết hơn về dịch vụ tài chính – ngân hàng, ít nhất là hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ của mình và của ngân hàng. Ông Lực cho rằng,  giải pháp tốt nhất hiện nay là phải giáo dục, nâng cao kiến thức về tài chính cho người dân, để người dân có thể bảo vệ chính mình.

H.Hương

————

Đại đoàn kết (Xã hội) 17-11-2016:

http://daidoanket.vn/xa-hoi/ngan-bien-tuong-vay-tieu-dung/135011

(162/935)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,755