1.136. Vốn vay cho doanh nghiệp nhỏ: Ngân hàng ở thế thủ

(TBKD) – Việc khó tiếp cận vốn vay và có mức độ hấp thụ vốn rất thấp từ tổng vốn cho vay của ngân hàng là chuyện lâu nay của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ. Trong thời điểm này lại càng khó hơn khi các ngân hàng luôn ở vào thế thủ vì tỷ lệ nợ xấu cao. Luật hỗ trợ DNNVV có giải tỏa được chuyện này?

Số liệu mới công bố từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy mức độ tiếp cận vốn ngân hàng của các DNNVV vẫn rất hạn chế khi chỉ dừng ở mức 30% trong tổng số lượng DNNVV. Điều đáng nói là độ hấp thụ vốn cũng rất thấp, chỉ có 3% trong tổng vốn các ngân hàng cho vay trong nền kinh tế là dành cho DNNVV.

Khó bắt bẻ ngân hàng

Thực ra, các DNNVV lâu nay vẫn thường khó tiếp cận vốn vay từ ngân hàng mà nguyên nhân chủ yếu là vì năng lực quản trị hạn chế phương án, dự án kinh doanh, vay vốn xây dựng không bài bản.

Chưa kể, hệ thống sổ sách tài chính kế toán thiếu minh bạch, tiềm lực tài chính yếu, tài sản bảo đảm ít, dễ bị rủi ro, tổn thương… cũng làm các ngân hàng đắn đo khi cho các DNNVV vay vốn.

Do đó, nếu DNNVV được vay vốn thì thường phải chịu lãi suất cao và các điều kiện khác một cách khó khăn, chặt chẽ. Nhiều doanh nghiệp (DN) phải vay vốn ngân hàng với lãi suất cao hoặc không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng thì phải vay vốn của các cá nhân, tổ chức khác thì lại bị luật cản trở. Chẳng hạn, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành không cho phép DN hạch toán phần lãi vay thực tế vượt quá 13,5%/năm.

Mới đây, khi thảo luận về dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV tại diễn đàn của Quốc hội, vấn đề tiếp cận vốn vay cũng được nhiều đại biểu Quốc hội đưa ra mổ xẻ, nhất là chuyện các ngân hàng thương mại phải có nghĩa vụ cho DNNVV vay vốn hay không.

Đại biểu Nguyễn Văn Thắng (Hà Nội) cho rằng thực tế các ngân hàng thương mại là các DN hoạt động theo Luật DN, không thể nói ngân hàng huy động thì phải cho vay, không thể có mệnh lệnh nào để ép các ngân hàng phải cho các DNNVV vay, hỗ trợ.

Xoay quanh vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC, cho biết ở Khoản 1, Điều 9 của Dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV có quy định về việc các ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho DNNVV tiếp cận vốn thông qua việc cung cấp thể loại, số lượng và lãi suất tín dụng phù hợp nhu cầu, đặc điểm và khả năng trả nợ của DN.

Điều này, theo Luật sư Đức là không sai, nhưng hiển nhiên là các ngân hàng đã, đang và sẽ làm để thu hút và phục vụ khách hàng một cách tốt nhất, chứ không phải chờ Luật quy định. Ngược lại, nếu ngân hàng chỉ đặt ra quy định để đối phó thì cũng không thể bắt bẻ, xử lý được.

Có cần hỗ trợ lãi suất?

Riêng về lãi suất cho vay, nhiều năm qua đã có quy định ưu đãi cho các DNNVV. Quy định hiện hành là Thông tư số 08/2014/TT-NHNN ngày 17/5/2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước “Quy định lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế”, trong đó quy định, các tổ chức tín dụng cho vay với mức lãi suất ưu đãi thấp hơn đối với một trong năm đối tượng là “Phục vụ sản xuất – kinh doanh của DNNVV”.

Tuy nhiên, điều kiện đối với khách hàng vay vốn, ngoài việc có đủ điều kiện vay vốn theo quy định, còn phải được tổ chức tín dụng đánh giá là “có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh”. Mà đã có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh, thì DN nào cũng sẽ được hưởng mức lãi suất thấp, lãi suất ưu đãi, chứ không riêng gì đối với DNNVV.

Nói như ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI, ở các nước, các DNNVV tiếp cận nguồn vốn bằng tín chấp khá dễ dàng khi có phương án kinh doanh khả thi. Còn ở Việt Nam thì khác, các ngân hàng ở vào thế thủ vì đang có tỷ lệ nợ xấu cao và luôn đòi hỏi tài sản thế chấp.

Quan sát những nút thắt trong chuyện hỗ trợ vốn vay, lãi suất của DNNVV hiện nay, không ít ý kiến phản biện cho rằng việc hỗ trợ lãi suất trực tiếp từ ngân sách hay yêu cầu ngân hàng giảm lãi suất đối với DNNVV là cơ chế mang tính hành chính và bao cấp sẽ gây khó khăn cho hoạt động của ngân hàng.

Nó có thể làm méo mó cung cầu và quan hệ tín dụng, không phù hợp với kinh tế thị trường, dễ nảy sinh tiêu cực, ỷ lại, cào bằng, xin cho và không có tác dụng hỗ trợ DNNVV về chiều sâu và lâu dài.

Vì vậy, cần giảm thiểu việc hỗ trợ DNNVV bằng lãi suất, mà nên tập trung các biện pháp hỗ trợ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động và năng lực cạnh tranh, từ đó sẽ giúp DN dễ dàng tiếp cận vốn vay với lãi suất thấp.

Khi đó, ngân sách tăng thu thay vì phải chi lại hỗ trợ lãi suất cho DNNVV, ngân hàng sẽ tự nguyện, tích cực tạo mọi điều kiện thuận lợi, tạo ra sản phẩm, quy trình phục vụ tốt nhất, cho vay ưu đãi lãi suất cho nhiều DNNVV.

Thế Vinh

————

Thời báo Kinh doanh (Lăng kính) 24-11-2016:

http://thoibaokinhdoanh.vn/Lang-kinh-8/Von-vay-cho-doanh-nghiep-nho-Ngan-hang-o-the-thu-28055.html

(139/1.050)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,755