(PL) – Đồng tình với việc cần hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) thông qua sự điều chỉnh của Luật, song khi Dự án Luật Hỗ trợ DNNVV đưa ra lấy ý kiến đại biểu Quốc hội, không ít ý kiến tỏ ra băn khoăn bởi trong các quy định của pháp luật đã có rất nhiều nội dung liên quan tới hỗ trợ phát triển DNNVV nhưng không được triển khai hoặc, không quy định chi tiết dẫn đến thực hiện khó khăn.
DNNVV cần được hỗ trợ một cách thiết thực
Làm thế nào để các quy định của Luật có tính khả thi? PLVN đã ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, luật sư, DN xung quanh vấn đề này…
Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI – Trọng tài viên VIAC:
“DNNVV rất cần được hỗ trợ nhưng không nhất thiết phải bằng tiền…”
Liên quan đến nội dung hỗ trợ tiếp cận tín dụng, Dự thảo có nội dung ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất và các hình thức khác để hỗ trợ các ngân hàng cho vay DNNVV và tổ chức hỗ trợ DNNVV. Như vậy phải phụ thuộc vào khả năng cân đối ngân sách, nên cần cân nhắc ý kiến hợp lý của Bộ Tài chính. Hỗ trợ lãi suất trực tiếp từ ngân sách hay yêu cầu ngân hàng giảm lãi suất là cơ chế mang tính hành chính và bao cấp không phù hợp với kinh tế thị trường, dễ dàng sinh tiêu cực, lại là xin – cho. Làm cách này không có tác dụng hỗ trợ DN về chiều sâu và lâu dài nhưng lại gây khó khăn cho hoạt động của ngân hàng, làm “méo mó” cung, cầu, làm “méo mó” thị trường tín dụng và gây ra nhiều hệ quả tiêu cực khác.
Theo Tờ trình số 385/TTr-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ về Dự án Luật Hỗ trợ DNNVV, Dự án Luật có 6 chương với 45 điều, trong đó các nội dung hỗ trợ cơ bản DNNVV gồm: gia nhập và rút khỏi thị trường, tín dụng, tài chính, công nghệ, mặt bằng sản xuất, xúc tiến và mở rộng thị trường, mua sắm công, thông tin và tư vấn, phát triển nguồn nhân lực, ươm tạo và cung cấp dịch vụ hỗ trợ.
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận Dự án Luật Hỗ trợ DNNVV sáng 6/10, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ quan điểm hỗ trợ DNNVV phát triển, qua đó tạo đà cho sự phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, trong các quy định của pháp luật đã có rất nhiều nội dung liên quan tới hỗ trợ phát triển DNNVV nhưng chúng ta triển khai chậm, không quy định chi tiết dẫn đến thực hiện khó khăn.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cần hỗ trợ DNNVV thông qua sự điều chỉnh của Luật, đồng thời đề nghị ban soạn thảo hoàn thiện hồ sơ dự án Luật đúng văn bản quy phạm pháp luật; rà soát lại về phạm vi điều chỉnh, như dự thảo là quá rộng; đồng thời đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật; đảm bảo tính khả thi của Dự thảo Luật, tính đến các quy định cụ thể và đảm bảo nguyên tắc thị trường. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý Ban soạn thảo phải hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động của Dự án Luật…
Theo tôi, Luật cần tập trung vào các biện pháp hỗ trợ DN nâng cao chất lượng hoạt động và năng lực cạnh tranh, khi đó DN sẽ dễ dàng tiếp cận vốn vay với lãi suất thấp. Ngân sách tăng thu thay vì phải chi lại hỗ trợ lãi suất cho DN, khi đó ngân hàng sẽ tự nguyện, sẽ tích cực tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN, ngân hàng thương mại sẽ có các sản phẩm và quy trình phục vụ tốt nhất và cho vay ưu đãi lãi suất cho nhiều DNNVV.
Trong Dự thảo Luật có quy định về việc hỗ trợ nâng cao năng lực tiếp cận tín dụng thông qua việc xây dựng phương án sản xuất kinh doanh (SXKD) khả thi, nâng cao năng lực quản trị, minh bạch hoạt động của DN. Đây thật sự là sự hỗ trợ cần thiết và lâu dài. Đó là những vấn đề cần hỗ trợ chung cho DN, chứ không chỉ nhằm để DN tiếp cận tín dụng…
Ông Phí Văn Hoan – Giám đốc Cty TNHH Ngân Giang thiết bị điện G7:
“Luật nên đưa ra những hỗ trợ cụ thể, thiết thực…”
Là chủ DN một DN hoạt động gần 20 năm, tôi thấm thía những khó khăn DN phải trải qua. Tôi thấy rằng dù không hỗ trợ DN vẫn có thể phát triển mạnh nếu môi trường kinh doanh bình đẳng, không còn lợi ích nhóm, nếu cơ quan nhà nước làm tốt trách nhiệm của mình, không còn loại công chức lợi dụng chức vụ quyền hạn gây khó cho DN. Nếu có luật hỗ trợ mà cơ quan chức năng không thay đổi, công chức thực thi không làm tròn trách nhiệm, văn bản dưới luật vẫn có chỗ phục vụ lợi ích của một bộ phận nào đó thì hỗ trợ ghi trong luật cũng chỉ là lời nói suông. Tôi cho là DN hội nhập cơ quan nhà nước cũng phải hội nhập. DN cạnh tranh thì cơ quan nhà nước cũng phải cạnh tranh.
Tôi thấy DN có 19 thứ cần để tồn tại và phát triển, đó là: Thị trường; Vốn; Công nghệ; Đất đai; Đào tạo nhân lực; Khoa học quản trị; Xúc tiến thương mại; Trợ giúp pháp lý; Giải quyết tranh chấp tại Tòa; Thông tin; Thời gian; Giảm thuế; Bình đẳng; Giảm chi phí; Quyền đảm bảo về tài sản; Luật phải rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng; Truyền thông trên các phương tiện công cộng; Cần chính quyền xử lý nghiêm khắc với công chức có hành vi hại DN; Cần Nhà nước nâng cao nhận thức cho công chức theo kịp kinh tế thị trường.
Hiểu được những gì DNNVV cần, Luật nên đưa ra những hỗ trợ cụ thể, thiết thực để người chưa thành lập DN muốn thành lập, người đang có DN thấy được tương lai tươi sáng sau khi Luật Hỗ trợ DNNVV ra đời.
Chừng đó thứ DN cần nhưng cũng chừng đó thứ làm cho DN chết. Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV đi sâu vào từng thứ DN cần để tìm ra những gì Nhà nước có thể hỗ trợ.
Hai cái cần cuối của DN nêu trên (Cần chính quyền xử lý nghiêm khắc với công chức có hành vi hại DN; Cần Nhà nước nâng cao nhận thức cho công chức theo kịp kinh tế thị trường), đặt ở cuối cùng nhưng điều khoản chế tài của Luật thỏa mãn được nguyện vọng đó của DN lại có tính quyết định đến sự thành công của Luật Hỗ trợ DNNVV.
Ông Lê Xuân Hiền –Trưởng phòng ĐKKD – Sở KH&ĐT tỉnh Hải Dương – Thành viên Tổ Công tác thi hành Luật DN và Luật Đầu tư:
“Doanh nghiệp cần hỗ trợ đầu vào hơn là đầu ra…”
Dự thảo Luật dành riêng chương 4 về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm hỗ trợ DNNVV của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhưng còn chung chung, hình thức. Theo tôi, cần quy định rõ nhiệm vụ của từng cơ quan cụ thể đối với nhiệm vụ hỗ trợ, thay vì quy định chung chung là “nhà nước” như hiện nay.
Đặc biệt, Dự thảo cần chú trọng hỗ trợ đầu vào cho DN như mặt bằng sản xuất, đổi mới khoa học công nghệ, hỗ trợ đăng ký chuyển quyền về tài sản từ hộ kinh doanh thành tài sản của DN (đây là việc rất lớn, hiện có nhiều vướng mắc liên quan đến nhiều luật như Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Bộ Luật Dân sự, Luật Thuế…) hơn là việc hỗ trợ đầu ra như giảm thuế thu nhập DN hay hỗ trợ cho người lao động… Đầu vào có tốt, có thông thoáng, hiệu quả thì nhất định sẽ có đầu ra tốt. Như thế việc hỗ trợ sẽ mang tính khả thi hơn và không mất quá nhiều nguồn lực…
Ông Lê Xuân Hiền |
Luật sư Trần Văn Chương, Trung tâm hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực, Hiệp hội DNNVV Việt Nam:
“Cần thống nhất được quan điểm áp dụng Luật khi có sự khác nhau trong chính sách hỗ trợ DNNVV…”
Liên quan đến việc áp dụng Luật Hỗ trợ DNNVV và các luật liên quan, chúng tôi đề nghị phải thống nhất được quan điểm là khi có sự khác nhau về Luật trong chính sách hỗ trợ DNNVV thì áp dụng Luật Hỗ trợ DNNVV. Đây là vấn đề rất quan trọng để tạo sự thống nhất và đảm bảo tính khả thi.
Thực tế hiện nay, pháp luật, nhất là pháp luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh của chúng ta khi triển khai xuống địa phương thì không có sự thống nhất giữa các luật chuyên ngành, ví dụ giữa các luật: Luật Đầu tư, Luật DN, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Quản lý thuế, Luật Thanh tra, Luật Phòng cháy chữa cháy, Luật Cạnh tranh… có sự khác nhau, đan xen, chồng lấn, thậm chí xung đột nhau…
Vì vậy, khi DN đầu tư, kinh doanh có vấn đề liên quan đến nhiều luật, DN có văn bản hỏi một sở, ngành thì đúng, nhưng khi đối chiếu với luật, hướng dẫn khác thì có mâu thuẫn. Khi đó, các sở, ngành lại có văn bản hỏi ý kiến nhau, đây là khoảng thời gian không phải là ngắn mà người dân, DN phải chờ đợi, có khi không giải quyết được. Điều nay gây rất nhiều khó khăn cho DN. Đây cũng là một tồn tại thực tế, phổ biến trong quá trình thi hành luật mà DN, người dân gặp phải. Do vậy, trong Dự thảo Luật cần có một điều quy định để khi có sự khác nhau về các bộ luật trong chính sách hỗ trợ DNNVV thì thống nhất áp dụng Luật Hỗ trợ DNNVV…
Có Luật, sẽ có hơn 34 tỷ USD được đưa vào sản xuất kinh doanh
Theo Cục Phát triển DN, Bộ KH&ĐT, tính đến tháng 10/2016, Việt Nam có 590.000 DN đang hoạt động và thực hiện các nghĩa vụ thuế (trong tổng số 959.000 DN đã đăng ký kinh doanh). Nếu đạt mục tiêu Việt Nam sẽ có 1 triệu DN thực sự đi vào SXKD và có thực hiện các nghĩa vụ về thuế vào năm 2020, như vậy, trong vòng 4 năm tới Việt Nam sẽ có thêm 410.000 DN mới được thành lập và thực sự đi vào hoạt động. Các DN này sẽ tham gia vào quá trình SXKD, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất kinh tế qua chuyển dịch kinh tế ngành.
Theo tính toán của cơ quan này, hiện quy mô vốn đăng ký bình quân của một DN là 7,5 tỷ đồng/DN thì đến năm 2020 sẽ có ít nhất 3.075 nghìn tỷ đồng (khoảng 136,6 tỷ USD) được đưa vào đầu tư SXKD. Nếu con số này được hiện thực hóa trong 4 năm tới cùng với những chính sách hỗ trợ của Luật Hỗ trợ DNNVV, mỗi năm sẽ có khoảng 34,17 tỷ USD được các DN trong nước đăng ký đưa vào SXKD (chưa bao gồm con số tăng vốn của các DN hiện tại do các chính sách hỗ trợ DNNVV trở nên thuận lợi hơn). Con số này cao gấp 1,5 lần mức vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam năm 2015 và gấp hơn 2 lần vốn FDI thực hiện trong cùng năm và càng có ý nghĩa hơn khi các nguồn lực cho phát triển từ nguồn vốn ODA bị thu hẹp.
Cũng theo đại diện Bộ KH&ĐT nguồn nội lực quan trọng này nếu được giải phóng sẽ góp phần trực tiếp cho việc nâng cao năng lực sản xuất, khả năng cung ứng dịch vụ, đóng góp trực tiếp vào việc tạo ra sản phẩm và GDP.
Linh Linh (Thực hiện)
————
Pháp luật Việt Nam (Thị trường) 24-11-2016:
(192/2.171)