1.159. Nợ xấu vẫn là trở ngại lớn cho nền kinh tế

(TBKD) – Tình hình nợ xấu và chất lượng ngân hàng yếu kém vẫn là trở ngại lớn cho sự phát triển của nền kinh tế hiện nay, nhất là khi giá vốn tại Việt Nam cao hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực, dù đó là vốn công hay vốn tư.

Giới chuyên gia nhận định rằng nợ xấu sẽ có ảnh hưởng nhất định đến mặt bằng lãi suất trong năm 2017, cùng với nhiều yếu tố then chốt như tính thanh khoản, lạm phát, tỷ giá, mục tiêu tăng trưởng tín dụng và áp lực từ thị trường tài chính thế giới…

Ngân hàng: yếu + nợ xấu

Ts. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cho rằng thách thức lớn nhất trong hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay đang nằm ở vấn đề nợ xấu và khu vực các ngân hàng yếu kém.

Ông cho biết con số nợ xấu chính thức đến thời điểm hiện nay là dưới 2,5%. Đây là con số rất đẹp! Tuy nhiên, cộng ngược các khoản nợ chuyển sang công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC) mà chưa được giải quyết, thì cho đến thời điểm này, VAMC đã giải quyết được khoảng 14% trong tổng số nợ.

Nếu cộng ngược trở lại, con số nợ xấu trong hệ thống ngân hàng vào khoảng độ 7,6%. Còn những khoản giấu nợ nữa, chúng ta không biết, nhưng có thể là trên 7,6%.

Kết quả thống kê mới nhất cho thấy, tính đến thời điểm 31/8/2016, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng chỉ xử lý được 548.500 tỷ đồng nợ xấu, trong đó chủ yếu là do các tổ chức tín dụng tự xử lý (chiếm 57,2%).

Còn lại là bán nợ, bao gồm bán cho VAMC và tổ chức, cá nhân khác (chiếm 42,8%). Tổng số nợ mà VAMC đã gom về từ các ngân hàng lên tới trên 250.000 tỷ đồng, nhưng mới xử lý được khoảng 14%.

 

Giá vốn tại Việt Nam cao hơn nhiều so các quốc gia khác trong khu vực

Trên thực tế, nợ xấu của các ngân hàng dù đã chuyển sang VAMC, nhưng vẫn tồn đọng ở đó, do tốc độ thu hồi nợ so với tổng dư nợ đã mua còn hạn chế. Như nhận định của ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB), các món nợ xấu trước đây vẫn chưa được xử lý triệt để và đang tiếp tục ảnh hưởng đến tình hình tài chính của nhiều ngân hàng. Vấn đề là trong khi nợ xấu cũ mới chỉ giải quyết được phần nào, thì nợ xấu mới tiếp tục phát sinh.

Theo Ts. Vũ Thành Tự Anh, nhìn vào suất sinh lời trên tài sản (ROA) bình quân, Việt Nam thuộc loại thấp gần nhất so với các nước trong khu vực. Điều đó có nghĩa là con số nợ xấu và chất lượng ngân hàng yếu kém ở Việt Nam vẫn là hai vấn đề có mối quan hệ hữu cơ với nhau, còn đang kéo lùi nền kinh tế đi xuống. Theo vị Giám đốc Nghiên cứu của Fulbright, nếu nhìn vào lãi suất huy động thì ở Việt Nam sẽ thấy cao hơn rất nhiều so với khu vực (chẳng hạn so với Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Philippines).

Tức là hệ thống ngân hàng Việt Nam đang huy động tiền gửi với lãi suất cao hơn các ngân hàng trong khu vực rất nhiều. Và khi lãi suất huy động cao như thế thì doanh nghiệp (DN) Việt và những người đi vay tại Việt Nam sẽ phải trả lãi suất cao hơn.

Nỗi lo giá vốn

Trước bối cảnh nợ xấu như vậy, trong vấn đề vốn vay dưới góc nhìn từ phía DN, nhất là DN nhỏ và vừa, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho rằng sau một thời gian dài các ngân hàng tập trung nhiều vào DN lớn và siêu lớn, ít quan tâm đến các DN nhỏ và vừa thì nay đã thay đổi quan điểm, hầu hết ngân hàng đều coi DN nhỏ và vừa là lực lượng khách hàng quan trọng.

Tuy nhiên, theo luật sư Đức, trên thực tế, các DN nhỏ và vừa thường khó tiếp cận vốn vay từ ngân hàng vì năng lực quản trị hạn chế, phương án, dự án kinh doanh, vay vốn xây dựng không bài bản.

Chưa kể, hệ thống sổ sách tài chính kế toán thiếu minh bạch, tiềm lực tài chính yếu, tài sản bảo đảm ít, dễ bị rủi ro, tổn thương… Và cũng do đó, nếu DN nhỏ và vừa được vay vốn thì cũng thường phải chịu lãi suất cao và các điều kiện khác một cách khó khăn, chặt chẽ.

Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến cuối tháng 11/2016, huy động vốn tăng 15,28% so với cuối năm 2015, trong khi tín dụng tăng 14,57%. Tín dụng đang được xem là một trong những công cụ chủ yếu để đẩy tăng trưởng GDP nhằm đạt mục tiêu năm nay ở mức 6,3 – 6,5%.

Nhu cầu bắt buộc phải đẩy tiền ra, một mặt nợ xấu buộc các ngân hàng phải thận trọng, tính toán đầu ra sao cho có lợi nhất. Mặt khác, nếu không giảm thêm lãi suất, DN vẫn chưa muốn vay vì chi phí tài chính đang ảnh hưởng đến biên lợi nhuận.

Báo cáo đánh giá về triển vọng ngành ngân hàng Việt Nam năm 2017 của tổ chức đánh giá xếp hạng quốc tế Fitch Ratings công bố mới đây cũng lưu ý rằng nợ xấu thực tế lớn và lợi nhuận hạn chế là điểm yếu của các ngân hàng Việt Nam hiện nay.

Việc giải quyết nợ xấu sẽ là một quá trình kéo dài. Nợ xấu trên thực tế vẫn còn nghiêm trọng, mặc dù sự phục hồi của bất động sản được coi là một chìa khóa tích cực.

Ts. Vũ Thành Tự Anh nhận định không chỉ dừng lại ở khu vực DN, ngay cả Chính phủ khi đi vay cũng với lãi suất cao hơn. Nói tóm lại, giá vốn tại Việt Nam cao hơn các quốc gia khác trong khu vực dù vốn đấy là công hay là tư. Rõ ràng, xét về mặt trung hạn, có hai thách thức cực kỳ quan trọng hiện nay cho nền kinh tế chính là thâm hụt ngân sách và nợ công.

Thế Vinh

—————–

Thời báo Kinh doanh (Lăng kính) 19-12-2016:

http://thoibaokinhdoanh.vn/Lang-kinh-8/No-xau-van-la-tro-ngai-lon-cho-nen-kinh-te-28603.html

(191/1.131)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,756