1.159. Tài sản thế chấp xử lý thế nào để không hoang phí?

(GT) – Ngân hàng chậm trễ, thụ động trong phương án xử lý nợ; Ngụy tạo hồ sơ khiến nợ của DN bị “vống” trên 6 nghìn tỷ đồng…

Nhiều tài sản của Phương Trang bị “quản thủ” dẫn tới hoang phí, thậm chí giảm giá trị 

Thay vì ôm khư khư đống tài sản đảm bảo để hoang phí, ngân hàng cần chủ động, linh hoạt hỗ trợ doanh nghiệp (DN) xử lý nợ, thậm chí có thể tạo điều kiện cho DN rút tài sản để sản xuất, kinh doanh từ đó có điều kiện trả nợ.

Hoán đổi tài sản: không vi phạm

Những ngày vừa qua, vụ nợ nần giữa Ngân hàng Xây dựng (CB) và Công ty CP Đầu tư Phương Trang và các thành viên hợp tác kinh doanh (Phương Trang) thu hút sự quan tâm lớn của dư luận. Sau khi “tung tin” Phương Trang “nợ xấu” 3 nghìn tỷ đồng, CB hoàn toàn im lặng trước hàng loạt nội dung phản pháo của DN như: Ngân hàng chậm trễ, thụ động trong phương án xử lý nợ; Ngụy tạo hồ sơ khiến nợ của DN bị “vống” trên 6 nghìn tỷ đồng… Tất cả những điều này dẫn tới hậu quả là khối tài sản thế chấp của Phương Trang – được CB định giá hơn 14.500 tỷ đồng – đang bị để hoang phí, thậm chí nhiều tài sản trong số đó bị hư hại, hỏng hóc… Câu chuyện này đặt ra câu hỏi, tài sản thế chấp nên được xử lý như thế nào để phát huy tốt nhất khả năng sinh lời, từ đó góp phần giúp DN thúc đẩy nhanh tiến trình trả nợ, thay vì ngân hàng ôm khư khư để cả hai cùng “chết”?

Theo luật sư Trương Thanh Đức, trong những vụ việc như thế này, điều quan trọng là hai bên phải thống nhất được phương án. “Chứ ngân hàng đưa ra phương án A, DN không đồng ý, đòi đưa ra phương án B và ngược lại thì rất khó”, ông Đức nói. 

Cụ thể, trong vụ việc này, Phương Trang đã chủ động đề xuất các giải pháp xử lý khoản nợ, trong đó có việc trả nợ vay theo thỏa thuận hoán đổi tài sản. Theo đó, DN sẽ nộp tiền, tài sản có giá trị tương đương khoản vay nợ để giải chấp tài sản thế chấp, tái sử dụng vào mục đích kinh doanh, góp phần tăng doanh thu, lợi nhuận cho DN.

“Phương án xử lý nợ theo đề xuất của Phương Trang có vi phạm quy định của pháp luật?”. Đặt câu hỏi này với ông Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, ông Đức khẳng định: “Bên vay vốn hoàn toàn có thể rút tài sản thế chấp ra để sản xuất kinh doanh và thay vào đó tài sản thế chấp khác”. Cũng theo ông Đức, thậm chí trong nhiều trường hợp cụ thể, phía ngân hàng còn đồng ý cho DN rút tài sản thế chấp để sản xuất kinh doanh ngay cả khi chưa trả được nợ gốc.

Tuy nhiên, cũng theo ông Đức, vụ việc của Phương Trang và CB chưa có tiền lệ bởi những trường hợp trước đây thường chỉ tập trung vào hai vấn đề là tài sản thế chấp nhiều hay ít, có liên quan tới bên thứ ba hay không và tranh chấp chủ yếu về tiền vay quá hạn, nợ lãi ít hay nhiều. Trong khi đó, CB – Phương Trang còn liên quan tới vấn đề chênh lệch giá trị khoản vay giữa hai bên quá lớn và đây là nội dung cần phải được nhanh chóng làm rõ.

Ngân hàng vẫn nắm đằng “chuôi”

Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) Võ Tấn Hoàng Văn cũng chung quan điểm khi cho rằng, phương án hoán đổi tài sản thế chấp hoàn toàn có khả năng thực hiện sau khi hai bên giải quyết được mấu chốt của sự việc – là chênh lệch về số nợ vay lên tới trên 6 nghìn tỷ đồng.

“DN muốn thay thế tài sản đảm bảo nhưng ngân hàng lại muốn “nắm đằng chuôi” nên không chấp thuận khi chưa làm rõ trách nhiệm pháp lý khoản 6 nghìn tỷ này”, ông Văn nói và cho biết thêm, đối với các trường hợp khác, nếu DN chỉ vay có 3 nghìn tỷ mà tài sản đảm bảo lên tới 14 nghìn tỷ thì vấn đề trở nên đơn giản. Phía ngân hàng hoàn toàn có thể đưa ra phương án xử lý giúp DN để rút tài sản thế chấp.

Trao đổi với PV Báo Giao thông về kinh nghiệm xử lý nợ, tài sản đảm bảo, ông Phạm Mạnh Thắng, Phó tổng giám đốc Vietcombank cho rằng, trên cơ sở quy định của pháp luật, mỗi ngân hàng có quy chế riêng, đồng thời phải căn cứ vào hợp đồng cũng như hồ sơ nợ của DN. “Trường hợp DN muốn thay thế tài sản đảm bảo phải được sự chấp thuận từ phía ngân hàng, trong đó quan trọng nhất là tài sản có tương đương giá trị thị trường với tài sản hiện giữ hay không”, ông Thắng nhấn mạnh.

Vậy có cách nào xử lý để cả hai phía ngân hàng và DN cùng chấp nhận được, tránh việc tài sản để hoang phí, giảm giá trị? Luật sư Trương Thanh Đức đề xuất cách xử lý cũng giống như trường hợp Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức. Theo đó, phía ngân hàng phải có phương án cơ cấu lại nợ, gia hạn thời gian trả nợ, giảm lãi, giới thiệu khách hàng cho DN. Phía DN phải có khả năng khắc phục và phải có nguồn thu. “Nếu vay vốn đầu tư vào xe chở khách thì vẫn có thể chạy xe và tạo dòng tiền cho DN. Mặt khác, DN phải chủ động cơ cấu lại ngành, nghề sản xuất, có phương án cắt lỗ và có kế hoạch tài chính”, luật sư Trương Thanh Đức nói.

Cao Sơn

——————

Giao thông (Doanh nghiệp) 26-6-2016:

http://www.baogiaothong.vn/tai-san-the-chap-xu-ly-the-nao-de-khong-hoang-phi-d155146.html

(396/1.050)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,759