(KTSG) – Từ ngày 1-1-2017 khi Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực, nếu có tranh chấp và kiện tụng tại toà án, người đi vay có nguy cơ chịu lãi suất cao hơn quy định hiện nay và phải trả lãi liên tục cho đến khi trả nợ xong.
Toạ đàm hôm 28-6 do VIAC và VNBA tổ chức. Ảnh: Thu Nguyệt
Tại toạ đàm “Xử lý tranh chấp tín dụng tại trọng tài và toà án” do Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tổ chức hôm 28-6 tại TPHCM, PGS. TS Đỗ Văn Đại, trọng tài viên VIAC cho biết, theo quy định hiện nay (Bộ luật Dân sự 2005), khi có kiện tụng giữa người đi vay và ngân hàng, bất kể lãi suất thoả thuận giữa hai bên trước đó cao như thế nào, có toà án tuyên bố ngân hàng chỉ được phép tính lãi suất cho vay bằng 13,5%/năm (tức 150% x lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định, tức hiện nay là 9%/năm), và lãi suất quá hạn là 20,25%/năm.
Mặc dù trên thực tế lâu nay vẫn có toà án chấp nhận lãi suất thoả thuận giữa người vay và ngân hàng vì việc ký thoả thuận vay là hoàn toàn tự nguyện, không có sự cưỡng ép.
Tuy nhiên, theo quy định trong Bộ luật Dân sự 2015, trước và sau khi xét xử, mức lãi suất không thay đổi và theo mức lãi suất mà các bên thoả thuận trong hợp đồng. Theo ông Đại, nói cách khác, trước và sau khi xét xử thì mức lãi suất như nhau và chính là lãi suất mà các bên đã thoả thuận với điều kiện mức lãi suất thoả thuận này là hợp pháp (tức không vượt quá mức cho phép).
Theo Bộ luật Dân sự 2015, trong trường hợp các bên có thoả thuận về lãi suất thì lãi suất thoả thuận mà các ngân hàng (tổ chức tín dụng) được phép áp dụng không vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác thì mới có thể thay đổi mức lãi suất này (các văn bản như Nghị định, Quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước không có giá trị đối với quy định này). Ngoài ra, căn cứ vào tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất này và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Ngoài ra, theo luật sư Trương Thanh Đức, trọng tài viên VIAC, nếu áp dụng theo mức trần 20%/năm trong Bộ luật Dân sự 2005 thì lãi suất nợ quá hạn mà các tổ chức tài chính có thể áp dụng cho người vay là 30%/năm (tức 150% của 20%/năm). Đó là chưa kể đến việc, nếu trên thực tế áp dụng, toà án lại tiếp tục chấp nhận lãi suất thoả thuận cao giữa các công ty tài chính và người vay như hiện nay, tức có thể lên đến 70%/năm, thì lãi suất quá hạn có thể lên đến hơn 100%.
Bên cạnh đó, theo PGS. TS Đỗ Văn Đại, theo quy định mới, thời gian chịu lãi suất của bên vay có sự liên tục. Cụ thể, lãi được tính đến ngày xét xử và tiếp tục từ ngày kế tiếp của ngày xét xử cho đến khi trả nợ xong. Có nghĩa là, chừng nào bên vay chưa trả nợ xong thì chừng đó vẫn phải chịu lãi suất, không phụ thuộc vào đơn yêu cầu thi hành án. Trong khi hiện nay, toà án thường theo hướng tính lãi suất đến thời điểm xét xử và lãi chỉ bắt đầu được tính lại sau khi có đơn yêu cầu thi hành án. Theo đó, với quy định mới, người đi vay sẽ gặp bất lợi.
Luật sư Trương Thanh Đức, trọng tài viên VIAC cũng cho biết thêm, không chỉ người đi vay gặp rủi ro như trên, từ năm tới, tổ chức tín dụng vẫn có nguy cơ gặp một số rủi ro về pháp lý. Chẳng hạn như, quy định mới về hợp đồng cầm cố thế chấp hiện được hiểu theo những cách khác nhau, nên có nguy cơ quy định mới bị vô hiệu lực vì các bên sẽ không biết phải làm thế nào mới đúng. Ngoài ra, liệu trên thực tế áp dụng, các tổ chức tín dụng có được “cởi trói”, tức có thể tự thoả thuận lãi suất, hay phải theo trần 20%/năm vì Bộ luật Dân sự 2015 quy định lãi suất thoả thuận không vượt 20%/năm trừ trường hợp luật có liên quan quy định khác, nhưng nhìn chung hiện không có luật nào khác quy định về việc này,….
T.Thu
——————
TB Kinh tế Sài Gòn (Ngân hàng) 29-6-2016:
http://www.thesaigontimes.vn/148234/Nam-toi-nguoi-di-vay-de-chiu-rui-ro-ve-lai-suat.html
(258/851)