1.170. Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu làm rõ căn cứ pháp lý thành lập SkyViet

(BL) – Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có yêu cầu gửi Bộ Giao thông vận tải làm rõ căn cứ pháp lý để Vietnam Airlines (VNA) quyết định việc góp vốn thành lập Công ty Cổ phần hàng không SkyViet mà không thực hiện theo quy định tại Nghị định số 99/2012/NĐ-CP. 

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thành lập SkyViet: Nhiều bất thường?

Thương vụ VNA tách đơn vị phụ thuộc (Vasco) và góp 151 tỉ đồng vốn nhà nước để lập Công ty Cổ phần Hàng không SkyViet (SkyViet) ngày càng bộc lộ nhiều điểm bất thường.

Trước tiên, VNA đã chọn “con đường gây nhiều tranh cãi” khi thực hiện chuyển đổi Vasco thành công ty cổ phần SkyViet bằng “hình thức lạ”: góp vốn thành lập công ty cổ phần (thay vì thực hiện cổ phần hoá theo đúng trình tự của pháp luật). VNA không công bố rộng rãi, thuê tư vấn định giá, đặt ra các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược mà âm thầm tự ý lựa chọn đối tác là Ngân hàng Techcombank, định giá tài sản nhà nước tại Vasco thấp rồi đem đi góp vốn, nghi vấn lợi ích nhóm, thất thoát tài sản nhà nước.

Hoạt động của Công ty Cổ phần Hàng không SkyViet đặt mục tiêu lợi nhuận thấp hơn gửi tiền kiệm ngân hàng (thấp hơn 38 lần so với trước, chỉ bằng 0,22% vốn điều lệ).

Sau khi được Sở kế hoạch & đầu tư TP Hồ Chí Minh cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số 0313687528 ngày 10/3/2016, Bộ GTVT “nôn nóng” đề xuất cấp giấy phép giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không và kinh doanh hàng không chung cho công ty này, thậm chí còn định “vượt rào” khi chưa được Chính phủ chấp thuận đã ra thông cáo báo chí rộng rãi với nội dung: SkyViet dự kiến chính thức đi vào hoạt động ngày 1/4/2016 sau khi được cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không và kinh doanh hàng không chung.

Đề xuất cấp giấy phép kinh doanh cho SkyViet đã “vấp” phải phản ứng dữ dội từ dư luận, báo chí. Văn phòng Chính phủ đã có công văn xin ý kiến của các Bộ (Tư pháp, Tài chính, Quốc phòng, Kế hoạch & Đầu tư) liên quan đến đề xuất này của Bộ GTVT.

Tại văn bản số ngày 22/6/2016, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết, căn cứ quy định tại điều 24, 25, Nghị định số 99/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 của Chính phủ, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài chính, có trách nhiệm tham gia ý kiến với Bộ quản lý ngành về việc góp vốn, nắm giữ, tăng, giảm vốn đầu tư vào doanh nghiệp khác của tập đoàn kinh tế và tổng công ty sau cổ phần. Tuy nhiên, Bộ này đã không nhận được đề nghị tham gia ý kiến đối với vấn đề góp vốn thành lập SkyViet của VNA theo quy định nêu trên.

Trước những bất thường này, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề nghị Bộ GTVT làm rõ: phương pháp xác định giá trị tài sản góp vốn, đảm bảo phù hợp với những phương pháp đã sử dụng khi xác định tài sản tương tự khi cổ phần hoá VNA. Làm rõ căn cứ pháp lý để quyết định việc góp vốn thành lập công ty cổ phần của VNA mà không thực hiện theo quy định tại Nghị định số 99/2012/NĐ-CP. Làm rõ việc xác định giá trị góp vốn của VNA (bao gồm tài sản hiện hữu do Vasco đang quản lý và khai thác, kho phụ tùng vật tư ATR 72-500 và động cơ dự phòng máy bat ATR 72).

Cũng tại văn bản 4828, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đặt vấn đề, tại đề án thành lập Công ty Cổ phần Hàng không Vasco, công văn số 352 của Bộ GTVT phê duyệt chủ trương VNA tham gia vốn góp thành lập Công ty Cổ phần Hàng không Vasco và công văn số 3489 của Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả tái cơ cấu VNA trong việc thành lập Công ty cổ phần Hàng không Vasco theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tên gọi dự kiến của công ty thành lập mới là Công ty Cổ phần Hàng không Vasco. Tuy nhiên, theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số 0313687528 do Sở kế hoạch & đầu tư TP.HCM cấp ngày 10/3/2016 thì tên công ty lại là Công ty Cổ phần Hàng không SkyViet. “Đề nghị Bộ Giao thông Vận tải làm rõ nội dung liên quan đến việc thay đổi tên doanh nghiệp nêu trên”, văn bản của Bộ Kế hoạch & Đầu tư nêu rõ.

Phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật

“Việc thành lập, cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không và hàng không chung cho các hãng hàng không cần thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật”, đại diện Văn phòng Chính phủ đã khẳng định như vậy trong công văn gửi báo chí gần đây về thương vụ chuyển đổi Vasco thành SkyViet và đề xuất xin cấp giấy phép kinh doanh hàng không cho công ty này.

Trước câu hỏi đặt ra, với một doanh nghiệp cổ phần được thành lập không theo sự chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng chính phủ như SkyViet, có đủ điều kiện đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không và giấy phép kinh doanh hàng không chung hay không? Văn phòng Chính phủ cho biết đơn vị này “đang lấy ý kiến của các cơ quan để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ”. Song quan điểm chung là: “Văn phòng Chính phủ cho rằng, việc thành lập, cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không và hàng không chung cho các hãng hàng không cần thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật”.

Như vậy là đã rõ, việc SkyViet thành lập có đúng pháp luật hay không cần sớm được làm sáng tỏ. Việc cấp giấy phép kinh doanh hàng không cho các doanh nghiệp xin được nhắc lại một lần nữa tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đó là “phải tuân thủ các quy định của pháp luật” vì đây là lĩnh vực kinh doanh đặc thù, liên quan đến tính mạng con người, phương tiện, hiệu quả kinh tế và quốc phòng an ninh, vì vậy cần sự kiểm soát chặt chẽ, không có “ngoại lệ”, “ồ ạt cấp phép bằng mọi giá”. Chính phủ sẽ nêu cao sự liêm chính trong việc ký văn bản, người ký không để bị chi phối bởi lợi ích nhóm, được đặt trước.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, khoản 1, điểm a, điều 211, Luật Doanh nghiệp 2011 quy định, Doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nếu nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là giả mạo.

Trường hợp thành lập SkyViet, nếu như phát hiện quá trình chuyển đổi Vasco thành SkyViet trái pháp luật thì Sở Kế hoạch & Đầu tư TP Hồ Chí Minh sẽ phải xem xét việc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đã cấp cho doanh nghiệp này.

Được biết, trước phản ảnh của báo chí thời gian qua về việc thành lập SkyViet có dấu hiệu cố ý làm trái, gây hậu quả nghiêm trọng, Văn phòng Tổng Bí thư, Văn phòng Trung ương Đảng cũng đã có văn bản yêu cầu Văn phòng Chính phủ xem xét, chỉ đạo làm rõ, báo cáo Văn Phòng Tổng bí thư và trả lời để công luận được rõ.

NHÓM PV

——————

BizLive (Thời sự) 29-6-2016:

http://bizlive.vn/thoi-su/bo-ke-hoach-va-dau-tu-yeu-cau-lam-ro-can-cu-phap-ly-thanh-lap-skyviet-1758029.html

(101/1.349)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,766