1.175. Hiệp hội kinh doanh vàng: Kiến nghị “cởi trói” cho kinh doanh vàng là kinh doanh bình thường

(TBKD) – Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) vừa có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát các quy định điều kiện kinh doanh, loại bỏ giấy phép con nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Tại văn bản trình Thủ tướng, VGTA kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho sửa đổi lại Nghị định 24/NĐ-CP, bãi bỏ quy định tại Điều 2, Thông tư 33/2011/TT-NHNN. Bên cạnh đó, VGTA kiến nghị doanh nghiệp cần được nhập khẩu vàng nguyên liệu để có thể cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Không thuộc ngành nghề có điều kiện

VGTA cho biết, theo quy định tại Thông tư số 33/2011/TT-NHNN ngày 8/10/2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2010/TT-NHNN ngày 20/5/2010 quy định các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng và Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng ban hành kèm theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thì các doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ chỉ được vay vốn tín dụng khi có sự chấp thuận của Thống đốc NHNN._

Dù ban hành Nghị định, nhưng đến nay, NHNN vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về nguyên tắc, điều kiện và thủ tục trình Thống đốc NHNN xin vay vốn để sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ. Bởi vậy, trong hơn 4 năm qua, chưa có doanh nghiệp nào được vay vốn để sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ.

Theo luật Đầu tư 2014, hoạt động vay vốn tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh trang sức, mỹ nghệ không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Vì vậy, VGTA đề nghị Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tư pháp không nên coi hoạt động huy động vàng của các DN là “hoạt động kinh doanh vàng khác” để áp đặt DN phải xin phép cơ quan quản lý nhà nước.

“Các DN chỉ vay vàng để làm vàng nguyên liệu cho sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và trả lãi cho người gửi, chứ không cho vay lại, không thu phí giữ hộ. Hoạt động vay vàng của DN chỉ là một công đoạn của quá trình SXKD vàng trang sức, mỹ nghệ và nó không phát sinh lợi nhuận”, VGTA khẳng định.

Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cũng đề nghị bãi bỏ quy định doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ chỉ được vay vốn tín dụng khi có sự chấp thuận của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư số 33/2011/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.

Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam cũng kiến nghị không nên coi việc doanh nghiệp vay vàng của các tổ chức, cá nhân là hoạt động kinh doanh vàng khác…

Nhập vàng nguyên liệu, có đáng ngại?

Theo ước tính của Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam dựa trên số liệu thống kê từ các DN hội viên, nhu cầu nhập khẩu vàng nguyên liệu hàng năm cho sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ ở Việt Nam hiện khoảng hơn 20 tấn/năm, nhưng từ nhiều năm nay, các DN kinh doanh vàng không được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ, mặc dù Nghị định 24 cho phép.

Song, do nhu cầu cao khiến nhiều DN phải mua vàng nguyên liệu trôi nổi trên thị trường, không đảm bảo được nguồn nguyên liệu ổn định và có chất lượng, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của các DN cũng như tác động tiêu cực đến việc điều hành chính sách tiền tệ của Nhà nước.

Theo phân tích của VGTA, nếu NHNN cho phép các DN nhập khẩu vàng nguyên liệu thì cũng không đáng ngại. Với việc giá vàng trong nước đang biến động theo sát giá vàng quốc tế như hiện nay, thậm chí có nhiều thời điểm giá vàng trong nước còn thấp hơn giá vàng quốc tế, hoạt động xuất khẩu và xuất khẩu tại chỗ vàng trang sức, mỹ nghệ của các DN sẽ tái tạo ngoại tệ, góp phần cân đối cung cầu ngoại tệ cho đất nước.

Trước mắt, để tránh việc nhập khẩu vàng nguyên liệu tràn lan, ảnh hưởng tới việc điều hành chính sách tiền tệ của Nhà nước. Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam cũng kiến nghị là NHNN chỉ nên cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho những DN đã được NHNN cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

Với đề xuất doanh nghiệp được nhập vàng nêu trên, luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI – cho rằng theo quy định của Luật Đầu tư, đây không phải là hoạt động bị cấm, không phải ngành nghề có điều kiện, nhưng theo Nghị định 24/NĐ-CP của Chính phủ thì yêu cầu có điều kiện, thậm chí là điều kiện chặt chẽ nhất, cụ thể là phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

Tuy nhiên, theo vị luật sư này, trong trường hợp muốn quản lý nhập khẩu vàng, phải sửa Luật Đầu tư, còn không sẽ không có cơ sở pháp lý để nói rằng cấm hay hạn chế đối với DN, nhất là trong giai đoạn hiện nay, các quan điểm đều thống nhất thực hiện theo Luật Đầu tư nhằm gỡ bỏ các giấy phép con, những điều kiện không cần thiết, để hỗ trợ DN”, ông Trương Thanh Đức nói.

Luật sư Đức cũng cho rằng kể cả trường hợp các DN kinh doanh vàng vay vàng từ các tổ chức, cá nhân cũng sẽ không có tác động gì lớn tới thị trường. “Các ngân hàng huy động rất lớn mới ảnh hưởng tới thị trường tiền tệ, còn đối với DN thì không khác gì câu chuyện vay gạo, vay tiền giữa cá nhân với nhau. Tuy nhiên, cũng phải cảnh báo với người dân và DN là những hoạt động này dễ gặp rủi ro giống như các doanh nghiệp vay tiền của dân nhưng phá sản, không thanh toán được”, ông Đức nói.

Thanh Hoa

——————

Thời báo Kinh doanh (Tiền tệ) 30-6-2016:

http://thoibaokinhdoanh.vn/Tien-te-45/Hiep-hoi-kinh-doanh-vang-Kien-nghi–coi-troi–cho-kinh-doanh-vang-la-kinh-doanh–binh-thuong-24924.html

(270/1.099)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,766