Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư Thành phồ Hồ Chí Minh, nêu quan điểm như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên báo Thời Đại, xung quanh việc Formosa Hà Tĩnh vừa thừa nhận xả thải khiến cá chết hàng loạt ở miền Trung, đồng thời đề nghị bồi thường 500 triệu USD.
Luật sư Trần Minh Hùng
Phóng viên: Chính Phủ vừa tổ chức họp báo công bố nguyên nhân của việc cá chết ở miền Trung là do hệ thống xử lý nước thải của nhà máy Formosa Hà Tĩnh gây ra. Xin Luật sư cho biết quan điểm cuả mình về vấn đề này?
Luật sư Trần Minh Hùng: Tôi thấy Chính phủ đã kịp thời đáp ứng đúng nguyện vọng của người dân trong thời gian qua. Việc Chính phủ công bố kết đã phần nào xóa dịu nỗi giận dữ của người dân và dư luận đối với hành vi sai trái của tập đoàn Formosa. Kết quả này đã phản ánh qúa trình đã nghiên cứu và điều tra, xác minh vấn đề này một cách nghiêm túc và theo đúng quy định pháp luật.
Tôi và nhiều người dân Việt Nam rất vui mừng khi Chính Phủ đã công bố công khai kết quả này. Mặc dù, nỗi đau về ô nhiễm biển vẫn còn đó trong mỗi chúng ta. Hy vọng với sự cương quyết, minh bạch, Chính phủ sẽ nhanh chóng có biện pháp tối ưu nhất để trả lại môi trường biển như hiện trạng ban đầu. Dù đây là việc làm khó khăn.
Phóng viên: Luật sư nghĩ sao về số tiền 500 triệu USD mà Formosa hứa bồi thường thiệt hại, nó có đủ để bồi thường cho những gì mà họ đã gây ra cho biển Việt Nam?
Luật sư Trần Minh Hùng: Theo tôi, tài nguyên thiên nhiên là vô giá, vô tận và không có giá nào có thể mua được. Tài nguyên biển không những đem lại nguồn thu nhập cho con người, cung cấp hải sản và nhiều nguồn thức ăn khác cho con người, mà còn là môi trường sinh thái bảo đảm sức khỏe con người, tính mạng và mang tính chất giống nòi cho con người.
Số tiền 500 triệu Formosa đền bù cho chưa thấm thía so với mất mát mà môi trường và ngư dân phải hứng chịu
Dù số tiền bồi thường có gấp nhiều lần số tiền 500 triệu USD đi chăng nữa, cũng không thể đủ và không bù đắp nổi những mất mát mà biển và người dân Việt Nam phải gánh chịu. Những chất thải độc thải ra biển không những ảnh hưởng đến thu nhập, sức khỏe, tính mạng người dân Việt Nam mà còn có thể ảnh hưởng đến cả giống nòi. Do vậy, theo tôi “tiền dù có nhiều đến đâu” cũng không thể mua hay thay thế được tài nguyên biển mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người.
Phóng viên: Formosa đã thừa nhận gây ô nhiễm, vậy mức xử phạt họ sẽ phải chịu như nào, thưa Luật sư?
Luật sư Trần Minh Hùng: Theo tôi, người đứng đầu doanh nghiệp có thể bị xử lý hình sự, hoặc phạt hành chính và buộc khắc phải phục hậu quả.
Theo Điều 14 Nghị định số 179/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, việc doanh nghiệp vi phạm các quy định về xả nước thải có chứa các thông số môi trường nguy hại vào môi trường sẽ bị phạt tiền và có thể bị đình chỉ hoạt động từ 3 – 12 tháng.
Với trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, doanh nghiệp buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm.
Theo quy định tại Điều 148 Luật Bảo vệ môi trường 2014 cũng quy định, tổ chức, cá nhân xả thải ra môi trường hoặc làm phát sinh tác động xấu đối với môi trường phải nộp phí bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành (sửa đổi, bổ sung năm 2009), những hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, nếu gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác có thể bị xử lý hình sự theo một trong các điều thuộc Chương XVII (Điều 182, 182a, 183, 188) của Bộ Luật hình sự.
Phóng viên: Với những hậu quá nghiệm trọng đã xảy ra ở biển miền Trung, “trách nhiệm” của các cơ quan quản lý như thế nào?
Luật sư Trần Minh Hùng: Hiện nay Chính phú mới công bố nguyên nhân cá chết, chứ chưa công bố cụ thể trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm về vấn đề này. Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền cần tiếp tục điều tra, xác minh cụ thể và phải làm rõ trách nhiệm của các bộ ngành liên quan. Cơ quan, đơn vị chủ quản phải chịu trách nhiệm về vấn đề này. Tùy theo phân cấp, tỉnh chịu trách nhiệm gì, cấp TƯ chịu trách nhiệm gì.
Phóng viên: Để khắc phục hậu quả, chúng ta phải làm gì?
Luật sư Trần Minh Hùng: Theo tôi, việc khắc phục sẽ gặp muôn vàn khó khăn. Ảnh hưởng ở đây không chỉ là cá chết mà còn liên quan đến hệ sinh thái môi trường biển, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người và nhiều vấn đề hệ lụy khác cần giải quyết.
Trước mắt, doanh nghiệp phải kịp thời thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong thời hạn, do người có thẩm quyền xử phạt ấn định và chịu toàn bộ chi phí này.
Tiếp đó, cần nghiên cứu và thuê đội ngũ các nhà khoa học có kinh nghiệm để tìm ra các giải pháp tốt nhất, tối ưu nhất để trả lại môi trường biển như ban đầu, đem lại môi trường sinh thái biển tự nhiên vốn có cho biển Việt Nam.
Doanh nghiệp ngay lập tức phải tạm ngưng hoạt động và khắc phục sai phạm. Và chỉ được hoạt động trở lại khi cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Cảm ơn Luật sư về cuộc trò chuyện này!
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cũng cho rằng: “Cái khó nhất hiện tại là bù đắp thiệt hại về môi trường. Và con số bồi thường như thế cũng không thấm vào đâu cả. Số tiền bồi thường phải cụ thể như nào, ví dụ như có bao nhiêu người thiệt hại, mỗi người nhận được bao nhiêu tiền?.” “Nếu như để nhà máy Fomosa tiếp tục hoạt động, các cơ quan chức năng, các nhà khoa học có đảm bảo được vấn đề môi trường không?. Chính phủ đảm bảo nếu như nhà máy tiếp tục, phải cam kết các yếu tố về môi trường”, Luật sư Đức băn khoăn. |
An Viên
——————
Thời đại (Thời sự) 01-7-2016:
https://thoidai.com.vn/500-trieu-usd-khong-the-bu-dap-duoc-mat-mat-cua-nguoi-dan-mien-trung-64776.html
(115/1.283)