1.181. Lúng túng đúng – sai: Nỗi lo phạm luật bó gối giới ngân hàng

(VNN) – Giới tài chính ngân hàng rối bời với nỗi lo phạm luật và có thể mất ngàn tỷ với những quy định mới chưa thống nhất rõ ràng giữa Bộ Luật Dân sự 2015 (có hiệu lực 1/1/2017) với Luật Ngân hàng Nhà nước 2010 và Luật các tổ chức tín dụng (TCTD) 2010.


Trần lãi suất và quyền tài sản: Hiểu sao đây?

Chỉ vài ngày nữa, Bộ Luật Dân sự 2015 sẽ có hiệu lực thi hành (1/1/2017) trong khi giới luật sư, ngân hàng và các chuyên gia kinh tế vẫn đang rối bời không biết chuyện gì sẽ xảy ra bởi những cách hiểu khác nhau về việc áp dụng các quy định cũ mới.

Hai câu chuyện được đề cập liên quan tới Bộ Luật Dân sự 2015 là: trần lãi suất và quyền tài sản.

Một điểm nổi bật trong câu chuyện vênh nhau trong cách hiểu nằm ở Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, điều khoản này quy định loại trừ việc áp dụng mức trần lãi suất vay 20% trong “trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”.

“Luật khác” ở đây được hiểu là pháp luật chuyên ngành, gồm Luật Ngân hàng Nhà nước 2010 và Luật các tổ chức tín dụng (TCTD) 2010.

Quy định về trần lãi suất được hiểu theo nhiều cách khác nhau.

Như vậy, việc áp dụng mức trần lãi suất vay 20%/năm đối với hoạt động cho vay của các TCTD đã bị loại trừ. Và, áp theo pháp luật về tín dụng, các bên trong quan hệ tín dụng là TCTD và khách hàng được tự thoả thuận về lãi suất.

Tuy nhiên, khoản 2 Điều 91 Luật các TCTD 2010 mặc dù nêu rõ lãi suất trong hoạt động cấp tín dụng của các TCTD theo cơ chế thoả thuận nhưng “theo quy định của pháp luật”. Cụm từ này vô hình trung khiến các TCTD, khách hàng có quan hệ tín dụng với TCTD và các cơ quan chức năng thực thi pháp luật lúng túng là không biết theo pháp luật về tín dụng ngân hàng (không áp dụng trần lãi suất cho vay) hay theo pháp luật dân sự (áp dụng trần lãi suất cho vay).

Trong lĩnh vực bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, một trong những vướng mắc lớn nhất hiện nay đó là chưa có cách hiểu thống nhất về việc thế chấp, cầm cố tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ cho người khác.

Trên thực tế, có TCTD đồng ý xác lập giao dịch bảo đảm này, có tổ chức không. Ngay ngành tòa án, khi giải quyết tranh chấp cũng có 2 quan điểm: Chấp nhận hoặc không chấp nhận giao dịch bảo đảm dưới dạng cầm cố, thế chấp để bảo đảm nghĩa vụ dân sự cho người khác.

Nguy cơ phạm luật, mất tiền

Soi lại Bộ Luật Dân sự 2005 có thể thấy, bộ luật này không có quy định ngoại trừ vượt trần lãi suất (150% lãi suất cơ bản) nhưng trên thực tế những năm gần đây tòa án thường chấp nhận các hợp đồng tín dụng thỏa thuận với lãi suất cao hơn, nhất là đối với loại hình vay tín chấp nhiều rủi ro.

Xử lý nợ xấu không chỉ là làm đẹp trên sổ sách.

Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp, tòa án không chấp nhận lãi suất vượt trần, khiến nhiều TCTD lúng túng với các khách hàng không trả hoặc không trả được nợ.

Với Bộ Luật Dân sự mới (2015), quy định đã mở rộng hơn, hướng tới việc áp dụng luật chuyên ngành để sát với thực tế đời sống kinh tế hơn. Nhưng điều đang tiếc là, Luật các TCTD trước đó lại quy chiếu chung chung về “quy định của pháp luật”. Điêu đó có nghĩa là, thay vì áp dụng Luật các TCTD, lại quay về với các quy định của Bộ Luật Dân sự.

Nếu không có gì thay đổi, chắc chắn từ đầu 2017 các TCTD sẽ không thể biết mình làm đúng hay sai khi có các hoạt động cho vay trong các lĩnh vực rủi ro cao và lãi suất vượt trần 20%. Ranh giới giữa đúng luật và sai luật rất mong mạnh.

Về việc xử lý tài sản đảm bảo, mỗi quan điểm sẽ dẫn tới những kết luận khác nhau và điều này có thể khiến cho khả năng giải quyết nợ xấu, xử lý tài sản thế chấp, cầm cố để đảm bảo nghĩa vụ cho người khác trở thành bài toán không có lời giải.

Quy định yêu cầu bên nhận bảo đảm khởi kiện tại tòa án nếu người đang giữ tài sản không giao tài sản bảo đảm có thể sẽ khiến ngân hàng khó khăn hơn trong việc đòi nợ. Ngàn tỷ tiền nợ đang kẹt trong các khối tài sản đảm bảo sẽ khó được xử lý, kéo theo tiến trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng bị ảnh hưởng.

Trước đó, theo đại tá Nguyễn Trọng Long, Phó cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C46) Bộ Công an, nợ xấu vẫn là một vấn đề nổi cộm và NH gặp khó khăn trong việc đòi nợ do nhiều khách hàng không hợp tác, tắt máy, thách đố, đe dọa, trong khi vẫn nhà lầu xe hơi, dong chơi dài dài. Chủ nợ bỏ DN này, lập DN khác, thậm chí vẫn có doanh thu bình thường. Và nếu tập hợp lại nhóm nợ xấu loại này có thể lên tới hàng ngàn tỷ đồng.

Theo LS. Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI trước mắt, để tránh sự hiểu lầm và áp dụng sai (từ 1/1/2017), các cơ quan chức năng như ủy ban Thường Vụ Quốc hội, Tòa án Nhân dân tối cao, Ngân hàng Nhà nước… cần có các văn bản giải thích luật, cũng như ban hành các thông tư hướng dẫn để TCTD và doanh nghiệp có căn cứ thực hiện theo.

Còn về lâu dài, theo ông Đức, Bộ Luật Dân sự 2015 vẫn cần tiếp tục sửa đổi nội dung liên quan vấn đề lãi suất trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc thỏa thuận.

  1. Bùi Quang Tín từ Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cũng cho rằng, pháp luật chuyên ngành cần quy định cụ thể và rõ ràng hơn về việc áp dụng lãi suất. Cơ quan lập pháp có thể nên bỏ đi cụm từ “theo quy định của pháp luật” tại khoản 2 Điều 91 Luật Các TCTD 2010 nhằm phù hợp hơn với các quy định tại Bộ luật Dân sự 2015.

Còn về xử lý nợ xấu, nhiều chuyên gia cho rằng cần một luật riêng hoặc nghị định riêng cho vấn đề này, tránh tình trạng nhiều vụ việc kéo dài 5-7 năm mà vẫn không thể giải quyết xong.

Trước đó, TS Võ Trí Thành cho rằng, trước một hiện tượng kỳ dị đặc biệt, thì phải dùng biện pháp kỳ dị đặc biệt, còn nếu chỉ dùng các biện pháp thông thường thì “không ăn được”. Điều đầu tiên là phải quyết liệt, không quyết liệt thì không giải quyết được vấn đề.

—————–

Vietnamnet (Tài chính) 27-12-2016:

http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/lung-tung-dung-sai-noi-lo-pham-luat-bo-goi-gioi-ngan-hang-348668.html

(103/1.253)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,759