(ĐT) – Chỉ còn vài ngày nữa (1/1/2017) Bộ Luật dân sự 2015 sẽ có hiệu lực, nhưng mới đây, trong buổi họp về một số quy định lãi suất và bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của Bộ luật Dân sự năm 2015 tổ chức tại TP.HCM, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.
Theo các chuyên gia, một trong những vấn đề quan trọng của Bộ luật Dân sự 2015 là “tạo cơ chế pháp lý đầy đủ cho việc tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân và các chủ thể trong việc áp dụng luật dân sự”.
Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005, tất cả các quan hệ dân sự chịu sự điều chỉnh của bộ luật này, nhưng lại không có quy định cụ thể xử lý mối quan hệ giữa Bộ luật Dân sự và các luật chuyên ngành. Do đó, trong thực tế, đã phát sinh vướng mắc về việc áp dụng pháp luật khi có quy định của Bộ luật Dân sự 2005 khác với quy định của các luật chuyên ngành.
Một số ý kiến cho rằng, việc áp mức lãi suất trần 20%/năm dựa trên lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố là một ý tưởng tích cực, bảo vệ người yếu thế, ngăn ngừa việc cho vay nặng lãi. Trong khi đó, những ý kiến khác lại cho rằng, sử dụng lãi suất cơ bản để điều chỉnh các quan hệ dân sự là không phù hợp, sẽ gây khó khăn cho các chủ thể khi tham gia giao dịch dân sự.
- Bùi Quang Tín, Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, đến nay, mọi người vẫn chưa hiểu một cách rõ ràng giữa việc có hay không áp dụng trần lãi suất cho vay 20%/năm đối với các tổ chức tín dụng.
Điều 468, Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định loại trừ việc áp dụng trần lãi suất vay 20%/năm “trong trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”. Luật khác ở đây được được hiểu là luật chuyên ngành.
Theo quy định tại Điều 12, Luật Ngân hàng Nhà nước 2010 và khoản 2, khoản 3, Điều 91, Luật Các tổ chức tín dụng 2010, trong điều kiện bình thường, lãi suất trong hoạt động ngân hàng sẽ thực hiện theo cơ chế tự thỏa thuận, không trần lãi suất. Chỉ trong điều kiện đặc biệt cần có sự can thiệp của Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước mới quy định cơ chế lãi suất trong quan hệ giữa tổ chức tín dụng và khách hàng. Cơ chế xác định lãi suất này có thể bao gồm trần lãi suất cho vay trong quan hệ cấp tín dụng giữa tổ chức tín dụng với khách hàng. Như vậy, Bộ luật Dân sự đã loại trừ việc áp dụng trần lãi suất vay 20%/năm đối với hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng, lúc đó, ngân hàng sẽ cho phép các bên ở trong quan hệ tín dụng là tổ chức tín dụng và khách hàng tự thỏa thuận.
Ông Tín đề xuất, pháp luật chuyên ngành cần quy định cụ thể và rõ ràng hơn về việc áp dụng lãi suất này. Cụ thể, cơ quan lập pháp nên bỏ đi cụm từ “theo quy định của pháp luật” tại khoản 2, Điều 91, Luật Các tổ chức tín dụng 2010, nhằm không mâu thuẫn với các quy định tại Bộ Luật dân sự 2015.
Thêm vào đó, theo khoản 1, Điều 476, Bộ luật Dân sự 2005, “lãi suất cho vay do các bên thỏa thuận nhưng không quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng”. Quy định này có thể được hiểu, trần lãi suất cho vay tại Bộ luật Dân sự cũng được áp dụng đối với hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng.
“Đây chính là vấn đề nan giải mà bấy lâu nay các tổ chức tín dụng vẫn không hiểu liệu hoạt động kinh doanh của mình có đúng pháp luật không? Bởi nếu theo quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành, việc cho vay của tổ chức tín dụng sẽ không được quá 150% lãi suất cơ bản, tức là không quá 13,5%/năm (Căn cứ theo lãi suất cơ bản được Ngân hàng Nhà nước công bố từ 2010) thì rất nhiều tổ chức tín dụng bị vi phạm, đặc biệt là các công ty tài chính”, TS. Bùi Quang Tín nói.
Ông Tín còn lý giải thêm, Luật Các tổ chức tín dụng 2010 lại quy định, trong điều kiện bình thường họ sẽ được thực hiện theo cơ chế tự thỏa thuận, không có trần lãi suất. Chỉ khi có diễn biến bất thường, Ngân hàng Nhà nước mới quy định cơ chế xác định lãi suất trong quan hệ giữa tổ chức tín dụng và khách hàng. Các quy định khác nhau này đã gây khó khăn và ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng, theo đó, hàng loạt hợp đồng cho vay của họ với khách hàng luôn nằm trong nguy cơ có thể bị vô hiệu do vượt trần lãi suất cho vay theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Trong khi đó, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng cho rằng, theo nguyên tắc thị trường hay nguyên tắc tự do hóa lãi suất, thì tổ chức tín dụng cần được tự quyết định, tự xác định lãi suất theo thị trường mới đảm bảo được hoạt động của nền kinh tế cũng như tổ chức tín dụng. Vì vậy, cần có xử lý hoặc sửa đổi văn bản để các tổ chức này được phép vượt trần 20%/năm.
“Lãi suất thỏa thuận đã được quy định trong Điều 91, Luật Các tổ chức tín dụng 2010, nghĩa là, lãi suất thỏa thuận không có giới hạn nào cả. Với ngân hàng thì vẫn áp dụng chính sách lãi suất từ trước đến nay, mặc dù có thể cao hơn 20%/năm, mức mà sẽ thực hiện theo Bộ luật Dân sự từ ngày 1/1/2017. Ngân hàng Nhà nước cho biết, trần lãi suất này không áp dụng cho các tổ chức tín dụng trong đó có ngân hàng và các công ty tài chính”, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nói.
Hồng Phúc
—————–
Đầu tư (Ngân hàng) 29-12-2016:
(85/1.126)