(NLĐ) – Nợ xấu dù đã được kiểm soát và đưa về dưới mức 3% nhưng việc xử lý triệt để các khoản nợ xấu tại nhiều ngân hàng thương mại lại không đơn giản
Cơ quan CSĐT Bộ Công an hiện đang tập trung điều tra mở rộng giai đoạn II vụ án Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh kiêm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng (NH) TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) và đồng phạm, xảy ra tại VNCB và một số đơn vị khác. VNBC sau đó bị NH Nhà nước mua lại với giá 0 đồng và tái cơ cấu rồi đổi tên thành NH Xây dựng (CB).
Khổ như đòi nợ xấu
Thời gian qua, tỉ lệ nợ xấu của hệ thống NH đã được kéo về dưới 3% theo yêu cầu của NH Nhà nước nhưng bản thân các NH vẫn đang phải tiếp tục trích lập dự phòng cho những khoản nợ xấu mới phát sinh, trích dự phòng cho các khoản nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và thu hồi nợ từ khách hàng…
Trong đó, việc thu hồi nợ từ khách hàng không dễ dàng. Theo các NH thương mại, nếu con nợ không có thiện chí thì NH buộc phải xử lý qua đường tố tụng, kiện ra tòa cần ít nhất 2 năm, thêm thời gian thi hành án. Rất nhiều trường hợp NH đã kiện ra tòa nhưng quá trình thi hành án thu hồi nợ rất trầy trật.
Ngày 4-7, ông Đỗ Tất Khá, Phó Tổng Giám đốc CB, cho biết NH vẫn đang tiến hành các bước tiếp theo trong quá trình xử lý nợ xấu từ thời VNCB, trong đó có hơn 3.436 tỉ đồng từ nhóm nợ Phương Trang (khoản nợ từ năm 2011 đến nay). “Phía Phương Trang đã có thiện chí trả nợ nên chúng tôi đang thỏa thuận lộ trình phù hợp” – ông Khá nói.
Trước đó, một vị lãnh đạo của CB cho biết nhóm nợ Phương Trang là một trong những nhóm nợ lớn, tồn tại từ nhiều năm nay và cực chẳng đã mới kiện ra tòa. Việc khởi kiện cũng là một bước trong quá trình xử lý nợ xấu được các NH thương mại áp dụng.
Ông Chiêm Minh Dũng, Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Sài Gòn (SCB), kể câu chuyện vài năm trước, một khách hàng cá nhân vay vốn của SCB thế chấp bằng căn nhà ở quận 1, TP HCM. Khi SCB kiện ra tòa và yêu cầu thi hành án rồi bán căn nhà cho người khác để thu hồi nợ, chủ nhà quyết không di dời.
“Đến thời điểm bàn giao nhà, chủ nhà cũ vẫn “nằm vạ” buộc NH phải nhờ chính quyền địa phương can thiệp để thi hành án. Đổi lại, SCB phải hỗ trợ chủ nhà một khoản tiền để tìm việc làm, hỗ trợ chi phí thuê nhà trọ. Xử lý nợ xấu qua con đường tố tụng không đơn giản” – ông Dũng nhận xét.
Theo ông Đỗ Tất Khá, một khách hàng bình thường vay vốn của NH nhưng không có thiện chí trả nợ đã khó, chưa nói đến những khách hàng “xấu” gặp khó khăn trong hoạt động và không muốn trả nợ. Đối với NH 0 đồng (CB là một trong 3 NH được NH Nhà nước mua lại với giá 0 đồng – PV), xử lý nợ xấu là nhiệm vụ quan trọng để thực hiện thành công đề án tái cơ cấu, nên các giải pháp cần nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ cơ quan quản lý nhằm tháo gỡ vướng mắc pháp lý.
“Cửa mở” khi mua nợ xấu theo giá thị trường
Để thúc đẩy tiến trình xử lý nợ xấu, NH Nhà nước vừa ban hành Thông tư 08/2016/TT-NHNN sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 19/2013/TT-NHNN về mua bán, xử lý nợ xấu của VAMC. Đáng chú ý, thông tư đã trao cơ chế chủ động và trao quyền nhiều hơn cho VAMC trong công tác xử lý, thu hồi nợ xấu. Những điều chỉnh này được kỳ vọng thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu của hệ thống NH nhanh hơn, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư tham gia vào thị trường mua bán nợ.
Tính đến tháng 6-2016, tổng dư nợ gốc mà VAMC đã mua được là 247.000 tỉ đồng, phát hành trái phiếu đặc biệt là 212.000 tỉ đồng. Trong đó, VAMC đã xử lý thu hồi được khoảng 32.000 tỉ đồng, các tổ chức tín dụng tiếp tục trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản đã bán cho VAMC hơn 35.000 tỉ đồng. Mới đây, với cơ chế cho phép VAMC mua nợ theo giá thị trường, dự kiến tổ chức này sẽ mua khoảng 2.000 tỉ đồng nợ xấu trong năm nay theo giá thị trường.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC, cho biết cơ sở và hành lang pháp lý đã có nên VAMC đang bắt tay vào triển khai mua nợ theo giá thị trường. Dù vậy, VAMC phải cân nhắc rất kỹ bởi nếu bán cao quá thì không ai mua, bán rẻ quá tổ chức tín dụng lại không đồng ý. Hiện VAMC đã thẩm định được 2 khoản nợ theo giá thị trường và đang tiến hành các bước tiếp theo.
“Những tài sản bảo đảm muốn bán được thì phải thu giữ được và con nợ sẵn sàng ký giấy chuyển nhượng. Nếu không thu giữ được hoặc con nợ không ký giấy đồng ý việc tiến hành bán nợ thì sẽ rất rắc rối” – ông Hùng giải thích.
Cần sớm có thị trường mua bán nợ
Theo chuyên gia NH – luật sư Trương Thanh Đức, cái khó nhất trong câu chuyện xử lý triệt để nợ xấu vẫn là bán tài sản để thu tiền tươi thóc thật chứ không phải “dồn” nợ xấu từ nơi này sang nơi khác. Thực tế, có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm đến các khoản nợ xấu nhưng thiếu hành lang pháp lý, thủ tục chưa thông thoáng nên không mua được. Quan trọng hơn, một trong những khoản nợ xấu rất lớn nằm ở các tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước nên cần sự vào cuộc của các bộ, ngành, nhà nước chứ không chỉ ngành NH.
Lãnh đạo NH TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) cho rằng chủ trương thành lập thị trường mua bán nợ đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo từ tháng 2-2013 nhưng đến nay hơn 3 năm NH Nhà nước và Bộ Tài chính vẫn chưa trình Chính phủ. Do đó, cần đẩy nhanh tiến độ ban hành nghị định về thị trường mua bán nợ và tài sản theo hướng gỡ bỏ tối đa các rào cản, tạo điều kiện thu hút các tổ chức, cá nhân có thể tham gia vào thị trường này.
THÁI PHƯƠNG
——————
Người lao động (Kinh tế) 05-7-2016:
http://nld.com.vn/kinh-te/tray-trat-xu-ly-no-xau-2016070521562305.htm
(120/1.243)