1.187. Ngành thuế ‘tìm hiểu’ đến bao giờ?

(TN) – Cơ quan quản lý, đặc biệt ngành thuế đang quá chậm chạp trước các chiêu trò lách, né thuế của các “ông trùm” Facebook, Google, Uber, Grab… tạo ra bất công trong cộng đồng doanh nghiệp Việt và để thất thoát nguồn thu không nhỏ cho ngân sách.

Ngành thuế vẫn loay hoay 'nghiên cứu' các đại gia Facebook, Google...
Ngành thuế vẫn loay hoay ‘nghiên cứu’ các đại gia Facebook, Google…

Trả lời PV Thanh Niên, ông Nguyễn Đại Trí, Phó tổng cục trưởng, người phát ngôn Tổng cục Thuế, thừa nhận cơ quan này vẫn đang tìm hiểu hoạt động của các doanh nghiệp (DN), tập đoàn lớn đa quốc gia như Facebook, Google, Uber… Ban Cải cách và hiện đại hóa của tổng cục đã được giao nhiệm vụ nghiên cứu để tham mưu cách quản lý thuế đối với các đại gia công nghệ này.

Ông Trí cho rằng, do đây là ngành nghề kinh doanh mới, các DN cung cấp dịch vụ kỹ thuật số xuyên biên giới nên việc thu thuế vô cùng khó khăn.

“Chưa nhận được hướng dẫn kê khai”

Theo ông Nguyễn Quang Tiến, Phó trưởng ban Cải cách và hiện đại hóa (Tổng cục Thuế), đối với Google, Facebook… ngành thuế đang yêu cầu đối tác trong nước của các DN này phải kê khai thuế nhà thầu (bao gồm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập DN), đặc biệt tại địa bàn Hà Nội.

Trong khi đó, chiều qua, bà Quế Anh, phụ trách mảng truyền thông của Công ty TNHH Uber VN, nói vẫn chưa nhận được hướng dẫn cách kê khai, tính thuế của Tổng cục Thuế.

Đối với các hoạt động ở nước ngoài thì khó kiểm soát, cần thời gian và sự phối hợp với nhiều quốc gia, còn hoạt động ở trong nước thì trách nhiệm của ngành thuế phải quản lý được. Những vấn đề này đã nói nhiều nhưng cơ quan quản lý để quá lâu, quá chậm

LUẬT SƯ TRƯƠNG THANH ĐỨC, Giám đốc Công ty Luật ANVI
Việc kiểm soát thuế đối với các DN cung cấp dịch vụ xuyên biên giới này như thế nào, tại sao câu chuyện các đại gia “ăn cơm VN nhưng hầu như không đóng thuế”, theo các chuyên gia, Bộ Tài chính, mà trực tiếp là ngành thuế, phải có câu trả lời thực sự thỏa đáng.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho rằng theo quy định tại Nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng có hiệu lực từ ngày 1.9.2013 thì các công ty cung cấp dịch vụ xuyên biên giới mà có lượt truy cập từ VN như Facebook, Google, Uber… đều phải tuân thủ quy định pháp luật của VN. Điều đó có nghĩa, Facebook, Google hay Uber… khi cung cấp dịch vụ, phát sinh doanh thu, lợi nhuận thì cũng phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế tại VN. “Đối với các hoạt động ở nước ngoài thì khó kiểm soát, cần thời gian và sự phối hợp với nhiều quốc gia, còn hoạt động ở trong nước thì trách nhiệm của ngành thuế phải quản lý được. Những vấn đề này đã nói nhiều nhưng cơ quan quản lý để quá lâu, quá chậm”, ông Đức nói.

Quá nhiều lỗ hổng không chịu sửa đổi

Dẫn quy định hiện hành, chuyên gia tài chính – PGS-TS Ngô Trí Long cho biết hoạt động cung cấp dịch vụ của những DN này sẽ chịu sự kiểm soát của Thông tư 134 của Bộ Tài chính quy định về thuế nhà thầu. Cụ thể, thông tư quy định trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài có thu nhập từ dịch vụ được cung cấp và “tiêu dùng ngoài VN” và trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện cung cấp dịch vụ quảng cáo, tiếp thị cho tổ chức, cá nhân VN “mà các dịch vụ được thực hiện ở nước ngoài” thì phải chịu thuế nhà thầu.

Tuy nhiên, theo quy định, để kê khai, nộp thuế nhà thầu thì DN phải có cơ sở thường trú (ví dụ như văn phòng đại diện hoặc chi nhánh) tại VN và phải áp dụng chế độ kế toán tại VN. Song đến nay, cả Facebook và Google đều chưa có chi nhánh chính thức nên có thể hiểu, những đơn vị này cũng không áp dụng chuẩn mực kế toán tại VN.

Theo tìm hiểu của PV, Facebook hiện chỉ lựa chọn một đơn vị để trở thành đại diện truyền thông chính thức tại VN mà không có văn phòng đại diện. Trong khi đó, Google chưa có cơ quan pháp nhân hay chi nhánh, đại diện nào mà chỉ có hệ thống nhân viên đang hoạt động, làm việc cho Google tại VN. Thực tế này, theo PGS-TS Ngô Trí Long, không chỉ kiểm soát thuế thu nhập DN đối với các công ty này còn nhiều bất cập, mà ngay cả thuế thu nhập cá nhân đối với hệ thống nhân viên làm việc cho Facebook, Google… cũng đang là “lỗ hổng”. Một số lượng không nhỏ nhân viên làm việc cho các “ông lớn” này, với mức thu nhập được trả cao gấp 2 – 3 lần so với công ty tại VN, song họ có đóng thuế thu nhập cá nhân hay không vẫn là dấu hỏi.

Cũng theo quy định tại Nghị định 72, những công ty cung cấp dịch vụ xuyên biên giới không bị bắt buộc phải thành lập văn phòng đại diện tại VN. Theo các DN công nghệ trong nước, đây tiếp tục là lỗ hổng để cho các công ty này có thêm điều kiện để “lách thuế”.

Thêm một điểm đáng chú ý, hiện cũng chưa có quy định rõ ràng thế nào là “tiêu dùng ngoài VN” hay “dịch vụ quảng cáo được thực hiện ở nước ngoài”, dẫn đến rất khó để áp thuế nhà thầu cho các DN cung cấp dịch vụ xuyên biên giới này, gây thất thu một khoản thuế khổng lồ, khi mà doanh thu quảng cáo của những ông lớn này tại VN lên tới hàng trăm triệu USD. “Đó là các lỗ hổng về cơ chế, chính sách đã được kiến nghị rất nhiều và rất lâu rồi nhưng không hiểu sao đến giờ ngành thuế vẫn chưa tiếp thu nghiên cứu, sửa đổi”, ông Long bình luận.

Thất thu thuế chuyển nhượng vốn, bản quyền, thương hiệu

Ngày 5.7, tại buổi sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng 6 tháng cuối năm 2016, Cục Thuế TP.HCM cho biết hoạt động chuyển nhượng vốn, bản quyền, thương hiệu diễn ra hết sức phức tạp với nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi gây thất thu thuế. Cụ thể, các DN thỏa thuận với nhau bằng hợp đồng, sau đó làm các thủ tục thay đổi tên các thành viên trong giấy đăng ký kinh doanh. Do pháp luật chưa quy định cơ quan cấp phép chỉ làm thủ tục thay đổi thành viên góp vốn khi tổ chức, cá nhân đã hoàn thành nghĩa vụ thuế, chưa có cơ chế phối hợp giữa cơ quan thuế và cơ quan cấp phép nên chưa thu được đầy đủ các khoản thuế phát sinh từ hoạt động chuyển nhượng vốn này. Có không ít hợp đồng khai giá bán bằng giá vốn, không phát sinh thu nhập nên không phải nộp thuế, hoặc chỉ khai giá bán nhỉnh hơn một chút so với giá vốn, lợi nhuận thấp thì tiền thuế đóng thấp mặc dù giá trị giao dịch rất lớn. DN thực hiện chuyển nhượng nhưng không khai báo thu nhập phát sinh cũng là trường hợp phổ biến. Thất thu thuế còn do việc chuyển nhượng diễn ra lòng vòng khi DN thành lập nhiều công ty, nhiều chi nhánh, thay đổi nhiều địa điểm kinh doanh nên cơ quan thuế khó quản lý…

Thanh Xuân

Anh Vũ

——————

Thanh niên (Kinh doanh) 06-7-2016:

http://thanhnien.vn/kinh-doanh/nganh-thue-tim-hieu-den-bao-gio-720394.html

 (235/1.274)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,780