(ĐT) – Đang có những ý kiến rất khác nhau về quản lý tiền ảo, tiền điện tử, thậm chí còn có sự nhầm lẫn giữa hai khái niệm này.
Tiền hay hàng?
Bộ Tư pháp vừa tổ chức lấy kiến các bộ, ngành về Đề án “Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tiền ảo, tiền điện tử”. Các ý kiến cho thấy, ngay cả các cơ quan chức năng cũng đang hết sức lúng túng với bản chất của tiền ảo.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, trước khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về tiền ảo, cần phải xác định tiền ảo là gì. Nếu xác định tiền ảo có quyền tài sản thì không thể cấm, vấn đề đặt ra là được phép giao dịch và thanh toán đến đâu. Còn nếu đã công nhận là “tiền” thì dù ảo cũng có chức năng thanh toán.
Đây cũng là vấn đề mà nhiều cơ quan chức năng đang lúng túng. Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cho hay, gọi là tiền ảo, song phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) không công nhận là tiền, Bộ Công thương lại không công nhận là hàng. Chính vì vậy, cơ quan này cũng đang lúng túng trong việc xử lý.
Không chỉ ở Việt Nam, mà tiền ảo đang gây tranh cãi lớn trên toàn thế giới. Một số quốc gia đã chấp nhận thanh toán với một số đồng tiền ảo (như Bitcoin), song đa số quốc gia vẫn rất dè chừng và không chấp nhận tiền ảo là phương tiện thanh toán. Ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, tiền ảo đều được biến tướng thành một loại hình kinh doanh đa cấp mang tính lừa đảo, khiến cả cơ quan quản lý lẫn người dân hết sức lo ngại.
Mặc dù vậy, không thể phủ nhận rằng, các loại tiền ảo, tiền điện tử rất có thể là một xu thế khó tránh trong cuộc cách mạng công nghệ số. Đơn cử, đồng Bitcoin dù không được Ngân hàng Nhà nước công nhận, song trên thế giới, đồng tiền này đã được nhiều quốc gia, tập đoàn danh tiếng chấp nhận. Tổng giá trị vốn hóa toàn cầu của Bitcoin đã lên tới trên 10 tỷ USD. Vì vậy, việc đưa ra hành lang pháp lý về tiền ảo để ngăn chặn các hành vi lợi dụng công nghệ để lừa đảo, đồng thời bảo đảm quyền kinh doanh và sở hữu tài sản hợp pháp của người dân là rất cần thiết.
Tiền ảo ở Việt Nam đang trong tình trạng “vô thừa nhận”
ngân hàng Nhà nước khẳng định tiền ảo không phải là tiền; Bộ Công thương không coi tiền ảo là hàng hóa; Bộ Tư pháp, Bộ Công an không thừa nhận tiền ảo là tài sản.
Các chuyên gia tài chính cho rằng, trước mắt, Việt Nam sẽ chưa coi tiền ảo là tiền. Tuy nhiên, có thể coi đây là loại hàng hóa đặc biệt, được phép kinh doanh có điều kiện, phải chịu sự giám sát chặt chẽ.
Liên quan vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu chỉ đạo, cần phải làm rõ để tránh nhầm lẫn giữa “thật” với “ảo”. Cũng theo lãnh đạo Bộ Tư pháp, việc thừa nhận tiền ảo, đưa tiền ảo vào các văn bản quy phạm pháp luật là “thừa nhận để kiểm soát”, chứ không phải thừa nhận để khuyến khích phát triển.
Phân biệt tiền ảo và tiền điện tử
Bên cạnh tiền ảo, tiền điện tử cũng đang phát triển rất mạnh mẽ thời gian qua. Nhiều quốc gia cũng đã đưa ra quy định về tiền điện tử. Ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho hay, cơ quan này cũng sẽ sớm ban hành văn bản quy phạm pháp luật về tiền điện tử. Hiện tại, NHNN cũng đã chấp nhận một số loại tiền điện tử là phương tiện thanh toán (ví điện tử).
“Tiền điện tử đang tồn tại trước mặt chúng ta, nên chúng ta không thể né tránh. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang soạn thảo Nghị định về tiền điện tử”, ông Bùi Quang Tiên cho biết.
Mặc dù vậy, hiện nay, nhiều ý kiến cũng đang lẫn lộn giữa tiền điện tử được công nhận (các ứng dụng sử dụng công nghệ trong thanh toán điện tử) với tiền ảo. Chính vì vậy, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, nên nghiên cứu riêng về tiền ảo và tiền điện tử để có những quy định phù hợp.
Được biết, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp phối hợp cùng Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước và một số bộ, ngành liên quan xây dựng Dự thảo Nghị định về tiền ảo (dự kiến sẽ hoàn tất vào tháng 12/2017) và Dự thảo Nghị định về tài sản ảo (hoàn tất vào tháng 3/2018).
Tâm Hà
—————–
Đầu tư (Ngân hàng) 19-01-2017:
http://baodautu.vn/lung-tung-voi-tien-ao-d57745.html
(91/889)