1.189. “Siết” cơn lốc tiền ảo

(TBKD) – Với mức lãi khủng, tiền ảo đang làm mưa làm gió trên thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một khung pháp lý chính thức để quản lý xử lý đối với các loại tiền ảo.

Có thể nói người Việt không còn lạ với tiền ảo, hàng loạt đồng tiền điện tử như Bitcoin, Ilcoin, Onecoin, Octacoin, Swisscoin, Gem coin… được du nhập vào Việt Nam từ lâu nhưng đến nay Bộ Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước vẫn đang lấy kiến các bộ, ngành về Đề án hoàn thiện khung pháp lý về quản lý loại hình kinh doanh này.

Hiểu thế nào cho đúng?

Hiện đang có sự mâu thuẫn trong cách xác định bản chất tiền ảo. Trong khi NHNN cho rằng đây không phải là tiền thì Bộ Công Thương khẳng định không thể xem là hàng, còn Bộ Tư pháp lại gọi là tiền ảo.

Chính sự không thống nhất trong cách gọi và chưa có văn bản pháp lý quản lý hình thức kinh doanh này nên hiện nay tiền ảo đang làm mưa làm gió trên thị trường Việt Nam dưới hình thức như một mô hình kinh doanh đa cấp mang tính lừa đảo, khiến cả cơ quan quản lý lẫn người dân hết sức lo ngại.

Thực tế, thời gian qua, đã có nhiều vụ lừa đảo hàng chục tỷ đồng vì tiền ảo đa cấp Bitcoin. Các đối tượng lừa đảo huy động tiền của người dân với mức hoa hồng hấp dẫn khi “lôi kéo” thêm được khách hàng tham gia, để họ tham gia vào mô hình giao dịch tiền ảo đa cấp với tên gọi “ngân hàng cộng đồng Bitcoin”.

Trên thế giới, loại hình kinh doanh tiền ảo, tiền điện tử đã trở thành xu thế trong cuộc cách mạng công nghệ số. Hiện đồng Bitcoin được nhiều quốc gia, tập đoàn danh tiếng chấp nhận. Tổng giá trị vốn hóa toàn cầu của Bitcoin đã lên tới trên 10 tỷ USD.

Thế nhưng, trên thực tế, không phải quốc gia nào cũng chấp nhận thanh toán đồng tiền này. Trung Quốc, Iceland… cấm ngân hàng xử lý các giao dịch Bitcoin, thậm chí Trung Quốc còn chặn đứng hoạt động trao đổi từ nhân dân tệ sang Bitcoin.

Trong khi đó, tại Việt Nam NHNN vẫn chưa xác định rõ Bitcoin và các đồng tiền ảo khác là hàng hóa hay dịch vụ nên chưa thể quản lý được.

Liên quan đến vấn đề này, một số ý kiến cho rằng có thể coi đây là loại hàng hóa đặc biệt, được phép kinh doanh có điều kiện, phải chịu sự giám sát chặt chẽ.

“Siết” cơn lốc tiền ảo

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), cho rằng trước khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về tiền ảo, cần phải xác định tiền ảo là gì. Nếu xác định tiền ảo có quyền tài sản thì không thể cấm, vấn đề đặt ra là được phép giao dịch và thanh toán đến đâu. Còn nếu đã công nhận là “tiền” thì dù ảo cũng có chức năng thanh toán.

Theo các chuyên gia, tiền điện tử, tiền ảo, cũng đang ngày càng phát triển ở Việt Nam. Vì vậy, việc đưa ra hành lang pháp lý về tiền ảo để ngăn chặn các hành vi lợi dụng công nghệ để lừa đảo, đồng thời bảo đảm quyền kinh doanh và sở hữu tài sản hợp pháp của người dân là rất cần thiết.

Chỉ chấp nhận tiền điện tử

Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính cũng cho rằng, trước mắt, các cơ quan quản lý phải thống nhất được bản chất của tiền ảo, tiền điện tử thì mới có cơ sở để ban hành các hành lang pháp lý quản lý.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, kể cả việc thừa nhận tiền ảo, đưa tiền ảo vào các văn bản quy phạm pháp luật thì cũng là “thừa nhận để kiểm soát”, chứ không phải thừa nhận để khuyến khích phát triển.

Hiện nay, Việt Nam không cho phép dùng đồng tiền ảo. NHNN từng có thông báo khẳng định Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.

Do vậy, NHNN khuyến cáo việc sở hữu, mua bán, sử dụng tiền ảo như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ.

Ngoài ra, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin cũng đã khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên thực hiện các giao dịch liên quan đến các loại tiền ảo này, mà thay vào đó, người dân nên sử dụng tiền điện tử đã được NHNN chấp nhận một số loại tiền điện tử là phương tiện thanh toán (ví điện tử).

Ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết cơ quan này cũng sẽ sớm ban hành văn bản quy phạm pháp luật về tiền điện tử.

“Tiền điện tử đang tồn tại trước mặt chúng ta, nên chúng ta không thể né tránh. Hiện nay, NHNN đang soạn thảo Nghị định về tiền điện tử”, ông Tiên cho biết.

Mặc dù vậy, hiện nay, nhiều ý kiến cũng đang lẫn lộn giữa tiền điện tử được công nhận (các ứng dụng sử dụng công nghệ trong thanh toán điện tử) với tiền ảo.

Chính vì vậy, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng nên nghiên cứu riêng về tiền ảo và tiền điện tử để có những quy định phù hợp. Ngoài ra, phía Bộ Tư pháp cũng cho biết, đã hoàn tất việc lấy ý kiến để ban hành các quy định về quản lý tiền ảo, tài sản ảo, tiền điện tử.

Trong khi cơ quan quản lý chưa thống nhất được bản chất của tiền ảo, chưa có hành lang pháp lý để quản lý và xử lý tiền ảo đã tạo cơ hội để trục lợi của một số băng nhóm, buôn bán hàng hóa trái phép, rửa tiền, chuyển ngân lậu…

Huyền Anh

—————–

Thời báo Kinh doanh (Tiền tệ) 20-01-2017:

http://thoibaokinhdoanh.vn/Tien-te-45/Siet–con-loc-tien-ao-29294.html

(91/1.092)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.392. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao. (TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.910. Giải pháp nào để người dân "bình tĩnh"...

Giải pháp nào để người dân "bình tĩnh" với vàng? (CAND) - Dù liên...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 232,040