1.191. Kiên quyết làm rõ khuất tất thành lập Công ty hàng không SkyViet

(THCL) – Vụ việc thành lập Công ty CP hàng không SkyViet thông qua việc chuyển đổi Công ty dịch vụ Vasco, một công ty con của Vietnam Airlines và đối tác góp vốn nhà đầu tư chiến lược là Ngân hàng Techcombank gây nhiều tranh cãi gần đây đã và đang ngày càng lộ rõ nhiều khuất tất khi công văn mới đây gửi Bộ Giao thông Vận tải của Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu làm rõ nhiều nội dung đã cho thấy nhiều quy trình thủ tục thành lập DN có nhiều điểm rất bất thường.

Theo thông tin tại Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và hồ sơ đăng ký DN tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh thì Công ty CP Skyviet đã được Sở Kế hoạch & Đầu tư TP Hồ Chí Minh cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số 0313687528 ngày 10/3/2016 với vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Ba cổ đông sáng lập Công ty gồm có Tổng Công ty hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines góp vốn đăng ký 153 tỷ đồng, chiếm 51% vốn điều lệ, Công ty TNHH MTV quản lý Kỹ thương, 1 công ty con của Ngân hàng Techcombank, với vốn góp 144 tỷ đồng chiếm 48% vốn điều lệ, và thành viên thứ ba là Công ty CP phát triển Techcomdeveloper với vốn góp 3 tỷ đồng, chiếm 1% vốn điều lệ. Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM khẳng định theo hồ sơ đăng ký DN thì Công ty Cp hàng không SkyViet là DN do 3 cổ đông sáng lập trên đăng ký thành lập mới, chứ không phải là DN được thành lập trên cơ sở bị chia tách hợp nhất, được chuyển đổi từ DN khác thuộc Vietnam Airlines.

Điều bất thường nhất và cần đặt câu hỏi lớn ở đây là cho đến thời điểm này, khi Công ty CP hàng không Skyviet đã nhận được giấy chứng nhận đăng ký thành lập DN, thậm chí đã dự định đi vào hoạt động từ 1/4/2016 theo thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông của Bộ Giao thông Vận tải, thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư với trách nhiệm là cơ quan tham gia ý kiến với Bộ quản lý ngành về việc góp vốn, nắm giữ tăng và giảm vốn đầu tư vào DN khác của tập đoàn kinh tế và tổng công ty sau cổ phần hóa theo các quy định pháp lý nhà nước lại không hề nhận được đề nghị tham gia ý kiến về việc thành lập DN này. Lần ngược và xâu chuỗi lại các bước trước đó có thể thấy rõ sự nôn nóng một cách khác thường của Bộ Giao thông Vận tải trong việc đẩy nhanh thành lập đơn vị này khi chưa hề có sự tham gia ý kiến của các Bộ ngành liên quan và thậm chí chưa được Chính phủ đồng ý chính thức. Cách làm trái khoáy này đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt của công luận, và VPCP đã phải có công văn xin ý kiến của các Bộ (Tư pháp, Tài chính, Quốc phòng, Kế hoạch & Đầu tư) liên quan đến đề xuất này của Bộ GTVT.

Bên cạnh đó, việc xác định giá trị vốn góp cũng có nhiều nghi vấn khó hiểu khi quy trình thẩm định giá trị được thực hiện đối với phần vốn góp của Vietnam Airline vào DN này đã thực hiện không đúng với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn 1567/TTg-CN ngày 22/9/2008. Theo đó Thủ tướng chỉ đạo cho phép Vietnam Airline thuê tư vấn định giá Vasco như một DN thông thường và chỉ định VietAir (sau khi thành lập) mua lại Vasco theo giá trị đã được tổ chức tư vấn độc lập xác định. Song việc xác định vốn góp Vietnam Airlines trên thực tế lại được tự đơn vị này tính toán trên cơ sở xác định giá trị tài sản góp vốn bao gồm tài sản hiện hữu do Vasco đang quản lý và khai thác, kho phụ tùng vật tư ATR 72-500 và động cơ dự phòng máy bay ATR 72. Cách làm này là khá lạ lùng, không theo đúng quy trình cổ phần hóa Dn theo luật định bởi VNA không công bố rộng rãi, thuê tư vấn định giá, đồng thời không có các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược mà tự ý lựa chọn đối tác chiến lược là Ngân hàng Techcombank. Theo các chuyên gia, điều này rất dễ dẫn tới việc định giá tài sản nhà nước tại DN thấp hơn giá trị để mang đi góp vốn, rất có khả năng có mục tiêu lợi ích nhóm có thể làm thất thoát tài sản nhà nước.

Đây cũng là lý do tại văn bản số 4828/BKHĐT-ĐKKD ngày 22/6/2016 của Bộ KH&ĐT cho ý kiến về việc cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung cho Công ty CP Hàng không SKYVIET, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải yêu cầu Bộ GTVT làm rõ nhiều vấn đề quan trọng. Trong đó có phương pháp xác định giá trị tài sản góp vốn, đảm bảo phù hợp với những phương pháp đã sử dụng khi xác định tài sản tương tự khi cổ phần hoá Vietnam Airlines để không làm thiệt hại lợi ích của Vietnam mà thực chất là của nhà nước do vốn chủ sở hữu nhà nước tại đây vẫn chiếm phần lớn. Hai là, làm rõ căn cứ pháp lý để quyết định việc góp vốn thành lập công ty cổ phần của Vietnam Airlines mà không thực hiện theo quy định tại Nghị định số 99/2012/NĐ-CP. Ngoài ra, Bộ KHĐT cũng yêu cầu làm rõ nội dung và lý do liên quan đến việc thay đổi tên DN thành Công ty CP Hàng không SkyViet từ tên gọi dự kiến của Công ty thành lập mới là Công ty Cổ phần Hàng không Vasco (Vasco) theo công văn số 352 của Bộ GTVT phê duyệt chủ trương VNA tham gia vốn góp thành lập Công ty CP Hàng không Vasco và công văn số 3489 của Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả tái cơ cấu VNA trong việc thành lập Công ty Cổ phần hàng không Vasco theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo ông Nguyễn Đình Cung,Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, không thể có chuyện tài sản nhà nước giảm bớt hoặc mất đi trong CPH DNNN, cần phải xác minh rõ quy trình rút vốn ra khỏi DNNN theo đúng trình tự thẩm định của pháp luật cũng như hiệu quả, khả năng đầu tư của nguồn vốn này khi đầu tư vào bất cứ một dự án/DN nào, nếu chi tiêu thì chi tiêu vào đâu, làm gì cũng phải xác định được rõ ràng, minh bạch để kiểm soát được vốn chủ sở hữu nhà nước, tránh tình trạng vì lợi ích nhóm dẫn tới thất thoát tài sản vốn nhà nước. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng khẳng định cơ sở pháp lý bán tài sản công phải có nguyên tắc, tuân theo quy định pháp luật chứ không như bán tài sản tư. Đặc biệt, việc bán tài sản nhà nước tại DNNN thông qua CPH bán đi một phần, bên cạnh sự kiểm soát của nhà nước, đúng ra còn phải có tiếng nói quyết định và giám sát của cơ quan Quốc hội, chứ không thể chỉ riêng quyết định của cơ quan Chính phủ, vì tài sản công theo luật là của toàn dân, quốc hội phải xem xét cho bán đến đâu, như thế nào.

Còn theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI căn cứ theo Luật Doanh nghiệp 2014, nếu phát hiện trường hợp thành lập SkyViet từ việc chuyển đổi Vasco là trái luật thì Sở Kế hoạch & Đầu tư TP Hồ Chí Minh sẽ phải xem xét việc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đã cấp cho DN này. Tuy nhiên, Sở này mới đây cho biết đến nay chưa có cơ sở xác định SkyViet thuộc trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký DN. Với nhiều dấu hiệu bất thường và đáng nghi vấn trong việc thành lập Skyviet như đã nêu trên, đã đến lúc cơ quan cấp phép thành lập DN rất cần có động thái xác minh lại hồ sơ, cụ thể là phối hợp với cơ quan công an xác minh khả năng hành vi giả mạo hồ sơ theo quy định tại Luật Doanh nghiệp để có cơ sở xác định sự tuân thủ luật pháp trong việc thành lập DN này, đồng thời nếu phát hiện sai phạm thì có cơ sở chính thức để thu hồi giấy phép đúng theo luật định

Mới đây, Chính phủ đã chính thức vào cuộc khi Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình có ý kiến chỉ đạo làm rõ phản ánh của báo chí về việc có dấu hiệu cố ý làm trái quy định của pháp luật trong việc thành lập Công ty CP Hàng không Skyviet của Vietnam Airlines. Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ KH&ĐT kiểm tra, làm rõ phản ánh của báo chí liên quan đến việc Vietnam Airlines chuyển Công ty Bay dịch vụ Hàng không thành Công ty CP và góp vốn để thành lập Công ty CP Hàng không Skyviet, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/8/2016. Đặc biệt, Văn phòng Tổng Bí thư, Văn phòng Trung ương Đảng cũng đã có văn bản yêu cầu Văn phòng Chính phủ xem xét, chỉ đạo làm rõ, báo cáo Văn Phòng Tổng bí thư và trả lời để công luận được rõ về vụ việc này./

Việt An
——————

Thương hiệu & Công luận (Pháp luật) 08-7-2016:

http://thuonghieucongluan.com.vn/phap-luat/phap-luat/28298-kien-quyet-lam-ro-khuat-tat-thanh-lap-cong-ty-hang-khong-skyviet.html

(200/1723)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,779