(DT) – Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ vừa qua, một điều khiến một số lãnh đạo các bộ và chuyên gia kinh tế dự họp ngạc nhiên là Bộ Công Thương đã trình một văn bản do ông Vũ Huy Hoàng, khi còn là Bộ trưởng Công Thương ký. Chiều nay (7/2), Bộ Công Thương đã giải thích về câu chuyện này.
Văn bản trình Chính phủ của Bộ Công Thương vẫn dùng văn bản có chữ ký của ông Vũ Huy Hoàng gây tranh cãi
Cụ thể, theo Bộ Công Thương, thực hiện Chương trình công tác của Chính phủ năm 2015, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng Dự thảo Nghị định về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại. Hồ sơ Nghị định đầy đủ đã được trình Chính phủ vào ngày 14/12/2015 theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Sau khi hồ sơ Nghị định được trình lên Chính phủ, Bộ Công Thương đã tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành hoàn thiện Dự thảo Nghị định theo ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ và ý kiến các thành viên Chính phủ. Cụ thể, ngày 30/11/2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký văn bản số 119/BC-BCT báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các Thành viên Chính phủ.
Trên cơ sở báo cáo này của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo Bộ Công Thương báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1 năm 2017 về vấn đề còn có ý kiến khác nhau sau khi đã xin ý kiến Thành viên Chính phủ, liên quan đến danh mục hàng hóa, dịch vụ, địa bàn phục vụ quốc phòng, an ninh.
“Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, để phục vụ phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1 năm 2017, bên cạnh bộ hồ sơ của dự thảo Nghị định đã được trình Chính phủ từ cuối năm 2015, Bộ Công Thương đã bổ sung thêm một Báo cáo riêng được đóng dấu treo cùng văn bản số 119/BC-BCT nêu trên để giải trình về các nội dung liên quan trong đó có các vấn đề còn có ý kiến khác nhau giữa các Thành viên Chính phủ”, Bộ Công Thương giải thích
Theo Bộ Công Thương, tại phiên họp Chính phủ này, Chính phủ đã thảo luận và đi đến thống nhất ý kiến với giải trình của Bộ Công Thương.
“Như vậy, Bộ Công Thương đã hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị định trình Chính phủ theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã có văn bản báo cáo về dự thảo Nghị định và đã thực hiện việc báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1 năm 2017 theo đúng quy chế làm việc của Chính phủ”, bộ phận truyền thông của Bộ Công Thương giải thích thêm về sự cố trên.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, việc Bộ Công Thương sử dụng tờ trình từ năm 2015 do ông Vũ Huy Hoàng ký là hơi… “cẩu thả”. Theo ông Đức, nếu nội dung của tờ trình giữ nguyên thì cũng cần nói rõ rằng: Tờ trình này Bộ đã trình từ năm 2015 theo trình tự.
“Khi ông Vũ Huy Hoàng bị cách chức, cũng như bị xóa tư cách nguyên bộ trưởng, bị Quốc hội phê phán nghiêm khắc, thì việc dùng văn bản đó là hết sức thiếu tế nhị, không coi trọng các hình thức kỷ luật của Quốc hội, của Đảng và Chính phủ”, ông Đức nói.
Theo luật sư này, lãnh đạo Bộ Công Thương lẽ ra phải giao cho cán bộ, nhân viên có đánh máy lại văn bản này, đồng thời trình Bộ trưởng Trần Tuấn Anh xem xét, cập nhật những diễn biến mới. Chứ nếu lấy nguyên văn bản từ năm 2015 để trình Chính phủ thì không được.
M.Q
—————–
Dân trí (Kinh doanh) 07-02-2017:
(119/742)