1.197. Sẽ bồi thường cho pháp nhân bị xử oan

(ĐTCK) – Dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước sửa đổi, đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, đã đề cập đến quyền khôi phục uy tín, song vẫn chưa có quy định về bồi thường thiệt hại về uy tín, thương hiệu, phạm trù khó định lượng nhưng lại tổn hại sâu sắc tới doanh nghiệp.

Cơ quan soạn thảo đã cân nhắc đưa phần thiệt hại uy tín, thương hiệu tính bồi thường cho pháp nhân

Cơ quan soạn thảo đã cân nhắc đưa phần thiệt hại uy tín, thương hiệu tính bồi thường cho pháp nhân

Lượng hóa thiệt hại bồi thường

Tại Dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước sửa đổi, lần đầu tiên, khái niệm pháp nhân thương mại được đề cập đến. Trường hợp pháp nhân thương mại bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án mà cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định không thực hiện hành vi phạm tội thuộc trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Lần sửa đổi này cũng quy định thêm và lượng hóa một số thiệt hại được bồi thường mà luật hiện hành chưa quy định. Đối với pháp nhân thương mại bị xét xử oan sai, dự thảo Luật quy định khá chi tiết khoản bồi thường thiệt hại (Điều 27, 28), như thiệt hại không thực hiện được hợp đồng dân sự, kinh tế, thiệt hại do thu nhập thực tế mất đi.

Cách tính thiệt hại do không thực hiện được hợp đồng là tiền phạt theo mức phạt đã thỏa thuận trong các giao dịch đó. Khoản tiền phạt có lãi thì phải hoàn trả cả khoản lãi hợp pháp. Còn thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút được xác định trên cơ sở thu nhập trung bình của 2 năm liền kề trước đó. Căn cứ là dựa trên báo cáo tài chính hợp nhất. Nếu không có báo cáo tài chính, pháp nhân có thể chứng minh bằng các tài liệu, chứng cứ hợp pháp theo quy định của pháp luật. Với pháp nhân được thành lập chưa đủ 2 năm, việc tính thiệt hại trên cơ sở thu nhập bình quân trong thời gian hoạt động thực tế của pháp nhân đó. 

Cần xem xét bồi thường thiệt hại uy tín

Điều 32 của Dự thảo cũng nhắc đến quyền khôi phục uy tín, song chưa có quy định nào đề cập đến bồi thường thiệt hại về uy tín, thương hiệu, phạm trù khó định lượng nhưng lại tổn hại sâu sắc tới doanh nghiệp.

Nhìn nhận vấn đề này, luật sư Vũ Ngọc Chi (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, dự thảo Luật Bồi thường trách nhiệm Nhà nước (sửa đổi) đã đề cập đến việc bồi thường pháp nhân, song chỉ dừng ở mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu. Như vậy, quy định này vừa thiếu lại vừa chưa đáp ứng được tính đồng bộ trong áp dụng pháp luật. Sở dĩ nếu chỉ khôi phục lại tình trạng ban đầu thì sẽ không thể bù đắp được những tổn thất của doanh nghiệp như mất bạn hàng, mất uy tín trên thương trường, cơ hội hợp tác làm ăn với đối tác do oan sai.

“Có chăng sự khôi phục của các cơ quan nhà nước là đính chính, cải chính công khai… hay gì đi nữa thì cũng không khôi phục lại được các yếu tố nêu trên”, ông Chi nói thêm.

Luật sư Vũ Ngọc Chi cũng dẫn giải, việc bồi thường đối với cá nhân đã được Bộ luật Dân sự quy định rõ ràng, có ngay căn cứ khi áp dụng. Trong khi đó, đối với thiệt hại của pháp nhân, Bộ luật Dân sự chưa quy định rõ là căn cứ vào đâu và mức bồi thường là bao nhiêu. Chưa kể, thiệt hại uy tín của doanh nghiệp trong thực tế thường rất lớn, nhưng khó có thể chứng minh bằng những bằng chứng cụ thể khi yêu cầu bồi thường. Nghĩa vụ chứng minh thiệt hại lại thuộc về nguyên đơn ngay khi nộp đơn khởi kiện.

Theo ông Chi, nếu không xem xét đến các yếu tố này thì quy định bồi thường cho pháp nhân có cũng như không, do khi có thiệt hại mà không có căn cứ thì đơn yêu cầu sẽ được trả lại cho doanh nghiệp ngay khi doanh nghiệp đến nộp đơn. Câu chuyện bồi thường sẽ dừng lại ở mức độ văn bản, mà không áp dụng được vào thực tế. Để đảm bảo được sự đền bù công bằng, đầy đủ, rõ ràng, nhanh chóng và chính xác, cần thiết cụ thể hoá bằng quy định của pháp luật.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, đánh giá, luật mới quy định mức tối đa bồi thường cho cá nhân, chưa có quy định bồi thường cho pháp nhân.

“Theo tôi, cần quy định mức tối đa, chẳng hạn không quá 10 lần mức bồi thường với cá nhân, hoặc một căn cứ nào đó như không quá 1% vốn điều lệ, để xem xét bồi thường cho pháp nhân”, luật sư Đức nói.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Trần Việt Hưng, Phó cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước, Bộ Tư pháp cho hay, cơ quan soạn thảo đã cân nhắc đưa phần thiệt hại uy tín, thương hiệu tính bồi thường cho pháp nhân.

Hiện Bộ Tư pháp đang khẩn trương hoàn thành Dự thảo Luật để sớm trình Quốc hội thông qua.

Hà Linh

——————

Đầu tư Chứng khoán (Pháp luật) 13-7-2016:

http://tinnhanhchungkhoan.vn/phap-luat/se-boi-thuong-cho-phap-nhan-bi-xu-oan-158030.html

(79/959)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,779