(VFP) – Tới đây, nợ xấu sẽ được tính đúng, tính đủ, đồng thời, những ngân hàng có số lượng nợ xấu lớn mà không tích cực xử lý sẽ bị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) “tuýt còi”.
Chấm dứt mập mờ nợ xấu
Theo quy định của NHNN, 10 tỷ USD nợ xấu mà các ngân hàng bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) được coi là nợ ngoại bảng. Chính vì vậy, ngoại trừ Vietcombank (đã xử lý hết nợ tại VAMC), số liệu nợ xấu của hầu hết các ngân hàng hiện nay đều là “ảo”. Tuy nhiên, việc thống kê nợ của các ngân hàng thời gian tới có thể sẽ thay đổi.
Theo nguồn tin của Báo Đầu tư, tới đây, các ngân hàng sẽ phải báo cáo số liệu nợ xấu thực (bao gồm cả nợ ngoại bảng đã bán cho VAMC). Như vậy, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng sẽ có nguy cơ tăng gấp đôi. Trong chỉ thị mới ban hành đầu năm, NHNN cũng cảnh báo sẽ kiên quyết xử lý những tổ chức tín dụng có nợ xấu lớn không tích cực xử lý.
Nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2017 là tái cơ cấu và xử lý nợ xấu. Ảnh: Chí Cường |
Đây cũng là lý do thời gian qua, hàng loạt ngân hàng rốt ráo đẩy mạnh công tác xử lý nợ, đặc biệt là xử lý nợ xấu đã bán cho VAMC. Được biết, các ngân hàng bán nợ cho VAMC chủ yếu tập trung trong năm 2014 – 2015. Năm 2016, số nợ mà các ngân hàng bán cho VAMC không nhiều (hơn 22.000 tỷ đồng), nhiều ngân hàng còn lên kế hoạch mua lại nợ xấu đã bán cho VAMC.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho hay, năm 2016, VietinBank đã xử lý triệt để gần 10.000 tỷ đồng nợ xấu. Năm 2017, VietinBank sẽ tập trung xử lý nợ xấu và mua lại nợ bán cho VAMC bằng nguồn lực của Ngân hàng.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định, nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2017 là tái cơ cấu và xử lý nợ xấu. Theo yêu cầu của Thống đốc NHNN, năm 2017, các ngân hàng phải xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu (nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý được, nợ cơ cấu lại, nợ khó đòi, các khoản lãi và phí phải thu phải thoái nhưng chưa thoái…) từng quý trong năm 2017 và thường xuyên báo cáo NHNN.
Riêng với VAMC, nhiệm vụ đặt ra trong năm 2017 là phải rà soát, phân loại, đánh giá lại các khách hàng vay, tài sản bảo đảm và các khoản nợ đã mua để xác định khả năng thu hồi nợ và có giải pháp xử lý phù hợp. Bên cạnh đó, VAMC phải triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp mua, bán, xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường, áp dụng các biện pháp giảm thiểu rủi ro trong việc mua bán nợ theo cơ chế thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước tham gia mua, xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm.
Sắp có nhiều đột phá mới
Hy vọng lớn nhất của các ngân hàng trong xử lý nợ xấu là tháng 5/2017 tới đây, Chính phủ sẽ trình Quốc hội luật mới hỗ trợ tái cơ cấu và xử lý nợ xấu.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, luật mới sẽ có ba nội dung chính.
Thứ nhất, sẽ đưa ra hành lang pháp lý cụ thể đối với các ngân hàng tham gia hỗ trợ, tái cơ cấu hệ thống.
Thứ hai, luật cũng sẽ giải quyết các vướng mắc trong xử lý nợ xấu hiện nay, đặc biệt là các vướng mắc về thu giữ, xử lý tài sản đảm bảo nhằm bảo vệ quyền lợi người cho vay. NHNN cũng đã có văn bản gửi Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao về những tồn tại, vướng mắc trong xử lý nợ xấu hiện nay để các đơn vị phối hợp, có hướng xử lý thống nhất.
Thứ ba, luật sẽ quy định khắt khe, chặt chẽ hơn các quy định liên quan đến sở hữu cổ phần, cổ phiếu để hạn chế tình trạng sở hữu cổ phần ngân hàng cao hơn quy định, sử dụng ngân hàng để phục vụ lợi ích của mình. Các quy định, quy chế về an toàn sẽ được tăng cường và đưa vào trong luật.
Bên cạnh xây dựng luật, NHNN cũng đang trình Chính phủ về việc thành lập Ban chỉ đạo tái cơ cấu hệ thống ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu, do đích thân Thủ tướng làm Trưởng ban.
Ông Nguyễn Văn Thắng, cho rằng, những động thái trên sẽ giúp cho việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại thuận lợi hơn trong năm 2017.
Trong khi đó, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI kiến nghị, bộ luật riêng về xử lý nợ xấu cần nhanh chóng ban hành, nếu không, nợ xấu có thể kéo dài thêm hàng chục năm nữa.
—————–
VFPress (Ngân hàng) 11-2-2017:
http://vfpress.vn/tai-chinh/tin-dung-co-the-chung-lai-trong-quy-i-428399.html
(46/942)