(VNE) – Hoạt động nhập khẩu mặt hàng thuốc lá điếu, xì gà (trừ hàng miễn thuế) có thể sẽ do Nhà nước nắm giữ độc quyền, theo dự thảo Nghị định đang được trình Chính phủ.
Bản dự thảo mới nhất của Nghị định về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền Nhà nước trong hoạt động thương mại vừa được Bộ Công Thương trình tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 1/2017 diễn ra hồi đầu tháng 2.
Cơ quan soạn thảo cho rằng hiện là thời điểm “khả thi và cấp bách” để ban hành Nghị định hướng dẫn quy định về độc quyền Nhà nước. Bộ lập luận, những hàng hóa, dịch vụ quy định độc quyền tại dự thảo Nghị định sẽ góp phần khắc phục khoảng trống pháp lý, cũng như đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh khi minh bạch rõ phạm vi độc quyền Nhà nước cũng như các quyền, nghĩa vụ của các doanh nghiệp có liên quan…
Theo dự thảo, độc quyền Nhà nước trong hoạt động thương mại là hoạt động chỉ do cơ quan Nhà nước có quyền thực hiện hoặc các doanh nghiệp Nhà nước được giao thực hiện.
Nhà nước có thể giữ độc quyền nhập khẩu thuốc lá điếu, xì gà. Ảnh: MOIT |
So với các bản trước, dự thảo trình Chính phủ lần này đã loại bỏ một số loại hàng hóa, dịch vụ ra khỏi đối tượng Nhà nước độc quyền, như bản đồ phục vụ an ninh quốc phòng và rừng đầu nguồn, phòng hộ và đặc dụng.
Các loại hàng hoá khác Nhà nước sẽ độc quyền xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, sản xuất vàng miếng, phát hành xổ số kiến thiết, nhập khẩu thuốc lá điếu, xì gà (trừ hàng miễn thuế)…
Có thêm 4 loại hàng hóa, dịch vụ sẽ do Nhà nước nắm giữ độc quyền gồm: sản xuất, mua bán, xuất – nhập khẩu pháo hoa, các dịch vụ liên quan đến pháo hoa; phát hành tem bưu chính Việt Nam; mạng bưu chính công cộng và dịch vụ công ích trong hoạt động xuất bản báo chí.
Như vậy, sau khi sửa đổi, bổ sung dự thảo lần cuối trình Chính phủ gồm 20 loại hàng hóa, dịch vụ, địa bàn mà Nhà nước sẽ độc quyền trong lĩnh vực thương mại, tăng 4 mặt hàng, dịch vụ so với dự thảo gần nhất.
Đây không phải là lần đầu tiên danh mục hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thương mại Nhà nước nắm giữ độc quyền được đề cập đến. Từ năm 2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định 59 về danh mục về hàng hóa, dịch vụ cấm, hạn chế và có điều kiện. Dù tên gọi khác nhưng việc hạn chế cũng như yêu cầu điều kiện đối với các thành phần kinh tế khác khi tham gia do đó được hiểu như đây là “vùng cấm” đối với doanh nghiệp ngoài Nhà nước.
Tuy nhiên từ năm 2006 đến nay các cơ quan Nhà nước ban hành văn bản cũng không dựa vào Nghị định 59 để xác định các biện pháp quản lý tương ứng đối với các hàng hóa, dịch vụ…
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI nhận định nội dung của dự thảo Nghị định có thể nhầm lẫn giữa quy định về độc quyền và điều kiện kinh doanh.
Trước đây, khi chưa có quy định về điều kiện kinh doanh, chưa quản lý được hoạt động của các ngành thì việc có một quy định pháp lý ràng buộc các hoạt động này là hợp lý. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh với sự xuất hiện của những quy định mới về quyền tự do kinh doanh của Hiến pháp năm 2013, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp… thì những quy định về độc quyền đã không còn thực sự phù hợp.
“Cần phải hiểu tinh thần của độc quyền Nhà nước không phải là một thứ đặc quyền mà là trách nhiệm trong một số lĩnh vực cần thiết như an ninh, quốc phòng hoặc để chống việc tư nhân độc quyền làm ảnh hưởng xấu đến thị trường. Còn những cái khác thì buông ra cho thị trường tự hoạt động và quản lý bằng các quy định đã có sẵn. Lưu ý là không phải buông ngay nhưng thả dần và quản chặt”, ông Đức nêu quan điểm. Vì thế, theo vị luật sư này, một số mặt hàng, dịch vụ được quy định trong dự thảo Nghị định này như vật liệu nổ, pháo hoa… hoặc một số loại hình kinh doanh khác như kinh doanh xổ số, thuốc lá… thì chỉ nên quy định điều kiện kinh doanh.
20 loại hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền Nhà nước trong hoạt động thương mại 1. Hàng hóa, dịch vụ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh (sẽ do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quy định chi tiết) |
Anh Min
—————–
VNEpress (Kinh doanh) 11-02-2017:
(263/1.145)