1.205. Công bố kết quả kiểm tra các Cty kinh doanh đa cấp: Phải xử lý tận gốc vấn đề

(KTĐT) – Trong tuần qua, kết quả kiểm tra các công ty kinh doanh đa cấp lần lượt được công bố. Tới đây, những kết quả tương tự cũng sẽ được công khai đến người dân.

Kiểm tra đâu sai phạm đấy. Và trước đó, một loạt các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức kinh doanh đa cấp đã khiến loại hình kinh doanh này trở thành nỗi bất an đối với nhiều người dân. Điều quan trọng hiện nay không chỉ là giải quyết hậu quả mà những công ty kinh doanh đa cấp biến tướng gây ra, mà còn phải có thêm những chế tài để quản lý hiệu quả hơn hoạt động này.

Giám đốc Công ty luật ANVI Luật sư Trương Thanh Đức: 

Nên đưa ra những dấu hiệu cảnh báo sớm hơn 

Từ tháng 7/2015, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã phát hiện một số dấu hiệu ban đầu cho thấy Công ty Liên kết Việt vi phạm quy định của Nghị định 42. Tuy nhiên, đến tháng 11/2015, Cục Quản lý cạnh tranh mới ban hành quyết định xử phạt Công ty 570 triệu đồng với nhiều sai phạm, trong đó có việc đưa thông tin gian dối và gây nhầm lẫn cho khách hàng về chất lượng, công dụng của sản phẩm… 

Cá nhân tôi cho rằng, Cục Quản lý cạnh tranh nên đưa ra những cảnh báo sớm hơn, ngay tại thời điểm phát hiện Công ty vi phạm chứ không chờ đến gần nửa năm sau mới có quyết định xử phạt. Thậm chí, khi phát hiện ra sai phạm, cơ quan này còn nhập nhèm, giấu diếm dẫn đến hậu quả nặng nề hơn. Đến nay, không chỉ hàng trăm mà hàng nghìn người nợ nần, trắng tay vì đa cấp, không chỉ một công ty mà nhiều công ty vi phạm, có phần lỗi lớn từ công tác quản lý của Bộ Công Thương.


Luật sư Hoàng Thị Khánh Linh (Đoàn Luật sư Hà Nội): 

Bán hàng đa cấp bất chính có thể bị xử lý hình sự 

Hiện nay, để có thể phân biệt được DN bán hàng đa cấp (BHĐC) chân chính hay biến tướng rất khó với đa số người dân, nhất là những người chưa hiểu rõ về mô hình kinh doanh này. Những hành vi BHĐC bất chính gây ra những thiệt hại rất lớn cho xã hội, cho gia đình những người tham gia và hậu quả khó khắc phục, vì vậy cần có những giải pháp để chống lại hành vi này. 

Thứ nhất, khi các DN xin Giấy phép kinh doanh đa cấp, cần thẩm định hồ sơ kỹ lưỡng, tránh những công ty có năng lực yếu, chủ yếu dùng giấy phép để hút tiền vào hệ thống. Thứ hai, cơ quan quản lý cần tăng cường công tác hậu kiểm, khi phát hiện ra những dấu hiệu sai phạm cần có hoạt động thanh, kiểm tra và cảnh báo sớm. Thứ ba, về phía cơ quan truyền thông, Hiệp hội BHĐC Việt Nam cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lĩnh vực này để người dân hiểu rõ và không bị lợi dụng từ các hành vi, hiện tượng bất chính, từ đó phát huy vai trò kiểm soát của quần chúng Nhân dân. 

Nếu có lý do để cho rằng DN đa cấp có dấu hiệu lừa đảo hoặc vi phạm pháp luật hình sự, người tham gia BHĐC cần trình báo ngay với cơ quan chức năng để được bảo vệ. Hoặc có thể nộp đơn đến cơ quan tòa án có thẩm quyền để khởi kiện và yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật trên cơ sở hợp đồng ký kết giữa các bên. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác thanh, kiểm tra các DN hoạt động trong lĩnh vực này. Cần xem xét bổ sung hoặc sửa đổi Nghị định về quản lý hoạt động BHĐC nhằm nâng chế tài xử phạt để răn đe. Thậm chí, có thể xử lý trách nhiệm hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm.


Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại Nguyễn Văn Nam: 

Không chỉ dừng lại ở việc rút giấy phép kinh doanh 

Để xảy ra tình trạng biến tướng trong hoạt động của các công ty đa cấp, các cơ quan quản lý, trong đó có ngành công thương “không thể vô can”. Thật khó để biện minh cho việc để công ty đa cấp lừa đảo hàng chục nghìn người trong cả năm trời mà không được ngăn chặn, xử lý kịp thời. Tôi không tin là cơ quan quản lý không biết, vì theo quy định, họ là người cấp phép, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các công ty này. Do vậy, cần phải xem các cơ quan quản lý đã thực sự làm đúng vai trò của mình hay chưa. Qua việc công bố các sai phạm của một số công ty đa cấp vừa qua, thậm chí trước đó đã có những công ty hoạt động lừa đảo dưới hình thức này đã bị khởi tố gần đây cho thấy trong một thời gian dài, cơ quan được giao nhiệm vụ đã buông lỏng quản lý. Mặc dù cũng đã tiến hành xử phạt như trường hợp Công ty Liên Kết Việt nhưng vẫn để tồn tại thì rõ ràng chỉ là phạt để cho qua. Vì thế, những biến tướng của DN kinh doanh đa cấp đã trở thành nỗi bức xúc trong dư luận và người dân. Chính vì vậy, cùng với việc công bố kết quả kiểm tra, dư luận và người dân cũng theo dõi tới đây việc xử lý những sai phạm này như thế nào. Vấn đề bức thiết đặt ra lúc này là phải rà soát toàn bộ hoạt động BHĐC trên cả nước để kịp thời phát hiện sai phạm, khi phát hiện có dấu hiệu phạm tội thì phải xử lý nghiêm chứ không chỉ dừng lại ở việc rút giấy phép kinh doanh. Đồng thời, phải xử lý tận gốc vấn đề: Xảy ra tình trạng đó là do đâu? Có phải do năng lực quản lý, hay do lơi là trách nhiệm? Có sự móc ngoặc, trục lợi nào không khi để các công ty đa cấp lừa đảo người dân hay không? Điều này không chỉ tăng tính răn đe, tạo dựng lại môi trường kinh doanh lành mạnh mà còn giúp trấn an người dân và dư luận.


Ông Nguyễn Văn Tần (phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội): 

Có trách nhiệm không nhỏ của cơ quan quản lý 

Vừa qua, Đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHĐC đã phanh phui hàng loạt sai phạm tại Công ty TNHH Nhượng quyền Thương mại Thăng Long. Trong khi đó, tôi là nạn nhân của DN này, đã gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng, nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến. 

Cách đây hơn một năm, vì được giới thiệu số tiền hoa hồng quá lớn khi tham gia các gói sản phẩm nên tôi đã mua 3 mã hàng của Công ty. Bỏ ra số tiền 341 triệu đồng, tôi mới chỉ được lấy 6 hộp thực phẩm chức năng Thymozin, mỗi hộp có 50 viên như viên thuốc nhưng có giá hơn 1 triệu đồng, số hàng còn lại vẫn ở kho của Công ty. Sau 3 tháng không nhận được số tiền hoa hồng như hứa hẹn, tôi đã có đơn đề nghị thanh lý hợp đồng, yêu cầu lấy lại tiền nhưng không được Công ty chấp thuận. 

Điều đáng nói ở đây, bên cạnh những sai phạm của Công ty, cũng có trách nhiệm của các cơ quan quản lý. Là người dân bình thường nên khi thấy DN được cơ quan chức năng cấp giấy phép đầy đủ; các hội nghị bán hàng được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc gia quy mô, hoành tráng với hàng nghìn người tham dự; đồng thời, nhà phân phối tư vấn mô hình bán hàng từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng nên mới có giá thành rẻ, tôi làm sao không tin?

Nhóm PV ghi

——————

Kinh tế & Đô thị (Kinh tế) 18-7-2016:

https://kinhtedothi.vn/cong-bo-ket-qua-kiem-tra-cac-cty-kinh-doanh-da-capphai-xu-ly-tan-goc-van-de.html

(213/1.441)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,780