1.207. Báo cáo đánh giá tác động môi trường: “Méo mó, có hơn không”

(DĐDN) – Mặc dù là người trực tiếp thừa ủy quyền Bộ trưởng Bộ TN-MT Mai Ái Trực ký quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án Fomosa, năm 2008. Tuy nhiên, TS Nguyễn Khắc Kinh – nguyên Vụ trưởng Vụ thẩm định và đánh giá tác động môi trường, Chủ tịch Hội Đánh giá tác động môi trường VN cho rằng, chưa ưng ý với bất kỳ báo cáo ĐTM nào, kể cả dự án Fomosa.

Mặc dù là người trực tiếp thừa ủy quyền Bộ trưởng Bộ TN-MT Mai Ái Trực ký quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án Fomosa, năm 2008. Tuy nhiên, TS Nguyễn Khắc Kinh – nguyên Vụ trưởng Vụ thẩm định và đánh giá tác động môi trường, Chủ tịch Hội Đánh giá tác động môi trường VN cho rằng, chưa ưng ý với bất kỳ báo cáo ĐTM nào, kể cả dự án Fomosa.

Theo TS Nguyễn Khắc Kinh, gần như cả sự nghiệp của ông liên quan đến thẩm định và ĐTM. Nhưng đến lúc này ông vẫn nhận xét, các báo cáo ĐTM của VN chỉ mang tính méo mó, có hơn không.

– Tại sao chưa ưng ý với báo cáo ĐTM dự án Fomosa mà ông vẫn ký quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM, thưa ông?

Đây là một báo cáo rất sơ sài và tôi cũng không được tham gia hội đồng thẩm định. Tất nhiên đến khi thừa ủy quyền Bộ trưởng ký quyết định thì tôi có đọc, nhưng nếu được ngồi vào hội đồng thẩm định thì sẽ có rất nhiều chuyện để chất vấn, để mổ xẻ. Còn vì sao tôi ký thì bản thân tôi đánh giá tất cả các báo cáo ĐTM đều không đạt và chỉ mang tính đủ điều kiện cho dự án đầu tư.

Trên thế giới, báo cáo ĐTM chỉ mang tính dự báo và phục vụ chủ đầu tư xem có nên đầu tư dự án đó hay không. Nhưng ngặt một nỗi, tất cả mọi người, mọi cơ quan quản lý của VN lại trông đợi quá nhiều vào báo cáo ĐTM. Các cơ quan quản lý nhà nước hầu như lấy báo cáo ĐTM làm căn cứ để theo dõi, giám sát, và quản lý về môi trường đối với cả vòng đời của dự án.

Quy trình về quản lý và giám sát ĐTM phải được làm thường xuyên và liên tục, mới có thể tránh được khủng hoảng về môi trường như Fomosa

– Chất lượng báo cáo ĐTM của chúng ta yếu do đâu, thưa ông?

Chất lượng báo cáo ĐTM của chúng ta yếu bởi hai căn cứ cơ bản. Thứ nhất, các báo cáo ĐTM của chúng ta rất thiếu thông tin. Vì chủ trương khuyến khích đầu tư nên rất nhiều thông tin cơ bản của dự án đều có thể dễ dàng bỏ qua. Thứ hai, phương pháp lập báo cáo rất kém. Chỉ cần nói về mức đầu tư cho các báo cáo ĐTM cũng có thể thấy, chúng ta rất coi nhẹ những báo cáo này. Ngoài ra còn vấn đề về năng lực con người từ đơn vị tư vấn đến hội đồng thẩm định của nhiều dự án còn nhiều hạn chế.

Các chuyên gia Canada khi trao đổi với tôi đã đưa ra một so sánh. Nếu đầu tư báo cáo ĐTM cho một dự án như Thủy điện Hòa Bình hay Thủy điện Sông Tranh, họ phải mất khoảng 5 năm và chi phí khoảng 5 triệu USD. Nhưng báo cáo ĐTM công phu như vậy chỉ đánh giá tác động về môi trường. Trong khi đó, chúng ta chỉ mất vài tháng và đầu tư 700 – 800 triệu đồng mà lại ôm đồm quá nhiều mục tiêu. Báo cáo ĐTM của chúng ta ngoài đánh giá tác động môi trường còn đánh giá tác động về con người, sức khỏe và rủi ro. Đây là những báo cáo mà họ làm riêng rẽ, đặc biệt đánh giá rủi ro họ làm rất kỹ lưỡng, còn chúng ta thì bỏ qua.

– Như ông nói, báo cáo ĐTM chỉ mang tính dự báo. Vậy các cơ quan quản lý phải căn cứ vào đâu để kiểm tra giám sát về bảo vệ môi trường đối với các dự án, thưa ông?

Trước tiên, lập báo cáo ĐTM thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư. Họ có thể tự làm hoặc thuê đơn vị tư vấn thực hiện. Sau đó, họ phải gửi lên cơ quan chức năng để thẩm định qua một hội đồng. Hội đồng thẩm định sẽ nghiên cứu, xem xét nếu thấy bất hợp lý ở đâu thì yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện rồi gửi lại để thông qua và phê duyệt.

Khi lập báo cáo ĐTM để chuẩn bị đầu tư thì các thông tin liên quan đến dự án chỉ mang tính dự kiến, dự định. Thực tế, báo cáo ĐTM của chúng ta chỉ như một thủ tục để cấp phép đầu tư. Trong quá trình triển khai, chủ đầu tư sẽ bổ sung, sửa đổi rất nhiều hạng mục, có thể cả về công nghệ, quy mô và vị trí… Đơn cử như dự án Fomosa, họ đã điều chỉnh hầu như mọi hạng mục đầu tư. Do đó, nếu đúng quy trình, các báo cáo ĐTM phải sửa đổi bổ sung liên tục đến khi dư án đi vào hoạt động. Đây là cả một quy trình về quản lý, giám sát và hoàn thiện báo cáo ĐTM.

Dự án đi vào hoạt động thì một quy trình về quản lý giám sát ĐTM phải được triển khai. Lúc này cơ quan quản lý nhà nước phải căn cứ vào hiện trạng của dự án và những kết quả kiểm toán môi trường thường xuyên của dự án để giám sát. Tuy nhiên, bất cập ở chỗ, các cơ quan quản lý hầu như chỉ căn cứ vào các báo cáo ĐTM khi nộp hồ sơ cấp phép dự án để giám sát.

– Sau sự cố Fomosa, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều chỉ đạo phải rà soát lại tất cả các quy định, quy chuẩn, các dự án có nguy cơ gây tác hại tiêu cực cho môi trường. Thành viên của UBTVQH, đề nghị Chính phủ kiểm tra tất cả các bản báo cáo ĐTM của các dự án chúng ta nghi gây ô nhiễm môi trường. Với tư cách là một chuyên gia về ĐTM, theo ông, việc rà soát này phải tiến hành ra sao?

Khủng hoảng về môi trường do dự án Fomosa gây ra khiến dự luận bức xúc nên ai cũng muốn phải xem xét lại tất cả các dự án có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Theo tôi, đây là vấn đề lỗi hệ thống. Nếu nói phải rà soát các báo cáo ĐTM thì tất cả đều có vấn đề. Còn việc rà soát được tất cả các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thì lấy ai và tiềm lực bao nhiêu cho đủ để làm.

Thay đổi lớn nhất lúc này chính là tư duy quản lý về môi trường. Từ đó, hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường phải được sửa đổi. Không thể “khoán trắng” cho chủ đầu tư về vấn đề bảo vệ môi trường như hiện nay. Quy trình về quản lý và giám sát ĐTM phải được làm thường xuyên và liên tục. Những DN có nguy cơ cao về gây ô nhiễm môi trường phải thường xuyên báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước. Đây là căn cứ để cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, giám sát.

– Xin cảm ơn ông!

Bá Tú thực hiện

Ông Đỗ Hoài Nam – Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ)Không vì giảm thủ tục mà rút bớt khâu kiểm duyệt công nghệ cần thiết

Theo Luật đầu tư, với các dự án đầu tư nước ngoài các khâu tiền kiểm được giảm bớt, chỉ tăng cường hậu kiểm. Đặc biệt, các dự án cần phải thẩm định về mặt công nghệ, theo quy định hiện nay chỉ còn là những dự án đầu tư các công nghệ sản xuất mà thuộc danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao. Còn lại việc cấp đăng ký đầu tư hoặc thông báo đầu tư (nghĩa là nhà đầu tư chỉ cần gửi hồ sơ và sau một thời gian nhất định thì đương nhiên được cấp phép đầu tư) thì theo quy định hiện hành.

Vì vậy, chúng tôi đã nhiều lần và tiếp tục kiến nghị về việc phải tăng cường thẩm định công nghệ ở giai đoạn xem xét đầu tư, bởi khi xây dựng xong nhà máy, công nghệ không phù hợp thì không thể bê nhà máy đi nơi khác được.

LS Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC:Lỗ hổng pháp lý nhìn từ ĐTM vụ Fomosa

Rõ ràng vụ việc đã đưa ra một hồi chuông báo động về ĐTM, đặc biệt là khâu giám sát hoạt động của những dự án lớn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Vào lúc này, nếu chúng ta chỉ tiến hành rà soát lại các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm thì chỉ là chữa cháy phần ngọn, giúp dư luận nguội bớt. Cái lớn hơn và cũng khó rà soát hơn đó là lỗi hệ thống.

Tất cả các khâu trong ĐTM đều có vấn đề, từ quy định pháp luật chồng chéo (Luật Đầu tư với Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định 29…) đến cách thẩm định, giám sát. Tại sao để tình trạng copy các ĐTM diễn ra tràn lan? Lỗi này thuộc về ai? Lỗ hổng pháp lý về giám sát trong hoạt động của các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường là hoàn toàn hiện hữu.

Ông Phạm Quang Tú – nguyên viện trưởng Viện tư vấn phát triển (CODE):Báo cáo ĐTM chỉ là vật trang trí làm đẹp hồ sơ

Các báo cáo ĐTM tại Việt Nam thường được chủ đầu tư thuê các đơn vị tư vấn thực hiện. Thường các chủ đầu tư đưa ra một mức kinh phí khá vừa phải để thực hiện mang tính đủ thủ tục cấp phép đầu tư mà ít chú ý đến chất lượng. Do đó, với mức kinh phí khiêm tốn, các đơn vị tư vấn “copy” các kết quả của các dự sang nhau khá phổ biến.

Khi báo cáo ĐTM đã mang tính thủ tục hành chính thì việc dùng chi phí không chính thức cho qua thủ tục cũng là điều dễ hiểu. Cuối cùng, chất lượng của các báo cáo ĐTM sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Nhiều chủ đầu tư chỉ coi báo cáo ĐTM như những vât trang trí làm đẹp hồ sơ.

H.Sang, B.Tú ghi

——————

Diễn đàn Doanh nghiệp (Vấn đề hôm nay) 19-7-2016:

http://enternews.vn/bao-cao-danh-gia-tac-dong-moi-truong-meo-mo-co-hon-khong.html

(183/1.813)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,780