1.208. Đại án Phạm Công Danh: Bà Hứa Thị Phấn có vô can?

(GT) – Bà Hứa Thị Phấn là ai và có trách nhiệm gì trong đại án Phạm Công Danh và đồng phạm?
Đại án Phạm Công Danh: Bà Hứa Thị Phấn có vô can? 1
Bà Phấn (thứ nhất từ trái qua) xuất hiện tại phiên tòa xử đại án Phạm Công Danh theo lệnh triệu tập

Dù Ngân hàng Đại Tín đã rơi vào tình trạng “bê bết” nhưng Phạm Công Danh vẫn cố mua với giá hàng nghìn tỷ đồng, cùng các khoản vay nợ của bà Hứa Thị Phấn… Bà Phấn là ai, có trách nhiệm gì trong đại án này?

Cố mua bằng được ngân hàng thua lỗ giá cao

Theo hợp đồng chuyển giao giữa bà Hứa Thị Phấn và ông Danh ký ngày 9/10/2012, bà Phấn chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của mình tại Ngân hàng Đại Tín với mệnh giá gốc tương đương tổng số tiền hơn 2.521 tỷ đồng; chuyển giao toàn bộ tài sản thế chấp đảm bảo cho các khoản vay tại Ngân hàng Đại Tín cho ông Danh; chuyển nhượng toàn bộ cổ phần mà bà Phấn đang là chủ sở hữu tại Công ty Cổ phần Bảo hiểm Hùng Vương với giá 27 tỷ đồng, toàn bộ cổ phần do bên A là chủ sở hữu tại Công ty Cổ phần Chứng khoán Đại Việt là 85 tỷ đồng;

Chuyển giao toàn bộ nghĩa vụ trả nợ, các khoản tài chính mà bà Phấn đã đầu tư tại Ngân hàng Đại Tín; Chuyển giao toàn bộ quyền với tư cách cổ đông tại Ngân hàng Đại Tín, trong đó bao gồm quyền tiến hành yêu cầu họp đại hội cổ đông, HĐQT và các quyền lợi khác; Chuyển giao trách nhiệm đối với các khoản tài chính đã tạm ứng từ tổ chức Công đoàn thuộc Ngân hàng Đại Tín, trong đó số tiền đã tạm ứng của bà Phấn đối với khoản tiền từ tổ chức Công đoàn là 135 tỷ đồng.

Nhiều người thắc mắc, tại sao ông Danh không chỉ mua cổ phần của Ngân hàng Đại Tín mà phải mua cả nghĩa vụ trả nợ mà bà Phấn đang vay mượn tại chính ngân hàng này là khoảng 3.582 tỷ đồng. Và trong hợp đồng chuyển nhượng trên, ông Danh còn phải mua cả khoản nợ của bà Phấn đã ứng trước của Công đoàn là 135 nghìn tỷ đồng.

Theo kết luận Thanh tra của NHNN, đến tháng 7/2012, Ngân hàng Đại Tín đã bị lỗ 6.000 tỷ đồng và bị âm 2.854 tỷ đồng. Nghĩa là đến thời điểm này Ngân hàng Đại Tín không chỉ bị mất vốn điều lệ mà còn bị âm hàng nghìn tỉ đồng, trong đó có tiền huy động tiền gửi của dân. Câu hỏi đặt ra là chủ cũ của Ngân hàng Đại Tín có trách nhiệm gì khi để xảy ra thua lỗ nặng? Và những cơ quan giám sát lúc đó ở đâu mà không ngăn cản phi vụ mua bán này?

Thỏa thuận nghĩa vụ trả nợ không qua HĐQT

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, vấn đề chuyển nhượng, mua bán cổ phần là bình thường. Giá trị cổ phần, cổ phiếu bao nhiêu là do định giá và thỏa thuận giữa hai bên. Có thể giá chỉ bằng 1% giá trị thật, nhưng có khi giá bán cao gấp 100 lần cũng không sai, trừ khi giao dịch vượt quá giới hạn theo quy định.

Nhưng trong trường hợp này, việc chuyển giao toàn bộ nghĩa vụ trả nợ, các khoản tài chính mà nhóm bà Phấn đã đầu tư tại Ngân hàng Đại Tín với tổng số tiền khoảng 3.582 tỷ đồng có dấu hiệu sai quy định. Việc thỏa thuận nghĩa vụ trả nợ giữa hai cổ đông, hay cơ quan pháp nhân nào đi nữa vẫn phải thông qua HĐQT. Nếu khi họp đại hội cổ đông, việc mua bán được thông qua thì mới coi là hợp lệ.

Tính đến cuối tháng 4/2012, nhóm khách hàng lớn gồm 29 người đang vay tại ngân hàng này lên tới khoảng 3.582 tỷ đồng. Đây là khoản tiền vay mà bà Phấn đã chuyển nhượng lại cho ông Danh và ông Danh có nghĩa vụ phải trả nợ gốc, lãi và các khoản phát sinh. Điều đáng nói là, những người thế chấp tài sản vay vốn trong nhóm nợ khoảng 3.582 tỷ đồng cho bà Phấn, trong đó có cả lái xe, thư ký, trợ lý… đến con, cháu và các cán bộ phòng tín dụng, người ít cũng hơn 100 tỷ, người nhiều vay tới 346 tỷ đồng.

Câu hỏi đặt ra là số tiền ngân hàng cho nhóm bà Phấn vay là khoảng 3.582 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ hoạt động của Ngân hàng Đại Tín lại thấp hơn có đúng quy định? Hành vi cho vay nêu trên của lãnh đạo Ngân hàng Đại Tín có dấu hiệu phạm tội, nhưng vì sao đến nay bà Phấn vẫn ung dung tự tại?

Một ngày chưa công bố xong cáo trạng

Ngày 20/7, TAND TP HCM bước sang ngày xét xử thứ hai vụ án gây thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng do Phạm Công Danh chủ mưu và 35 bị cáo khác có liên quan. Đến cuối ngày vẫn chưa công bố xong cáo trạng…Chiều 20/7, trong khi VKS đang công bố cáo trạng, thấy Phạm Công Danh có dấu hiệu mệt mỏi, nên chủ tọa đã cho bị cáo này được phép vào bên trong nghỉ ngơi. Trong suốt quá trình vụ án xét xử, luôn có xe cấp cứu và nhiều nhân viên y tế trực hỗ trợ Danh, vì sức khỏe bị cáo này không được tốt.

Yên Trang – Sao Mai

——————

Giao thông (Điều tra) 21-7-2016:

http://www.baogiaothong.vn/dai-an-pham-cong-danh-ba-hua-thi-phan-co-vo-can-d159857.html

(73/989)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,780