1.209. Thu giữ tài sản bảo đảm: Thế nào là hợp pháp?

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI đồng thời là chuyên gia uy tín trong lĩnh vực tư vấn, phản biện chính sách tài chính cho rằng: Quyền thu giữ tài sản bảo đảm được pháp luật cho phép song thường trái ý muốn của chủ sở hữu và người nắm giữ tài sản bảo đảm. Do đó, việc không nhận được sự đồng tình, hợp tác, thậm chí còn chống đối, phản ứng dữ dội của người đang giữ tài sản bảo đảm thường xảy ra.

Dưới đây là phân tích của luật sư Trương Thanh Đức xung quanh vấn đề đang gây nhiều tranh cãi này:

PV: Thưa luật sư, trước hết xin ông cho biết pháp luật quy định như thế nào về việc thu giữ tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng?

Luật sư Trương Thanh Đức: Điều 336 về “Xử lý tài sản cầm cố” và Điều 355 về “Xử lý tài sản thế chấp” của Bộ luật Dân sự năm 2005 cũng như khoản 1, Điều 63 về “Thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý”, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29-12-2006 của Chính phủ về “Giao dịch bảo đảm” đã quy định cụ thể như sau:

Bên giữ tài sản bảo đảm phải giao tài sản đó cho người xử lý tài sản theo thông báo của người này; nếu hết thời hạn ấn định trong thông báo mà bên giữ tài sản bảo đảm không giao tài sản thì người xử lý tài sản có quyền thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý hoặc yêu cầu Toà án giải quyết.

Người xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp này chính là bên nhận bảo đảm, mà điển hình nhất là các tổ chức tín dụng nhận thế chấp tài sản để cho vay vốn.

Luật sư Trương Thanh Đức.

PV: Quyền thu giữ tài sản của các tổ chức tín dụng là hợp pháp, tuy nhiên, quá trình thu giữ tài sản bảo đảm, tổ chức tín dụng được phép làm những gì và trách nhiệm của tổ chức tín dụng như thế nào, thưa luật sư?

Luật sư Trương Thanh Đức: Các quy định pháp luật nêu trên đã quy định hai trách nhiệm của các tổ chức tín dụng khi thực hiện việc thu giữ để xử lý tài sản bảo đảm. Thứ nhất, phải thông báo trước cho người giữ tài sản về việc áp dụng biện pháp thu giữ tài sản bảo đảm trong một thời hạn hợp lý. Thời hạn hợp lý sẽ phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể, nhưng thông thường thì tối thiểu là khoảng 5 – 7 ngày. Văn bản thông báo thu giữ tài sản phải ghi rõ lý do, thời gian thực hiện việc thu giữ tài sản bảo đảm, quyền và nghĩa vụ của các bên.

Thứ hai, các tổ chức tín dụng không được áp dụng các biện pháp vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm.

Yêu cầu hành xử không được trái với quy định của pháp luật (hay trái với điều cấm của pháp luật) và không trái với đạo đức xã hội là một trong những nguyên tắc cơ bản đối với các quan hệ dân sự nói chung. Nghị định số 163/2006/NĐ-CP cũng như pháp luật không giải thích cụ thế thế nào là các biện pháp trái quy định pháp luật và trái đạo đức xã hội.

Tuy nhiên, có thể hiểu, các tổ chức tín dụng được quyền thực hiện các biện pháp sau: Được trực tiếp hoặc ủy quyền cho người khác tiến hành việc thu giữ tài sản bảo đảm; được thu thập, phân tích, đối chiếu các thông tin liên quan đến tài sản bảo đảm; được yêu cầu chủ sở hữu và người giữ tài sản bảo đảm cung cấp thông tin, thực hiện việc bảo quản, bàn giao, thu giữ tài sản bảo đảm;

Được đề nghị chính quyền địa phương, cơ quan công an và các tổ chức, cá nhân liên quan hỗ trợ, giúp đỡ để thực hiện việc thu giữ tài sản bảo đảm; được yết thị thông báo tại nơi có tài sản bảo đảm; được thông báo cho các tổ chức, cá nhân hữu quan và đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng về việc thu giữ tài sản; được sử dụng các biện pháp để di chuyển tài sản bảo đảm đến nơi khác; được kê biên, phong tỏa, niêm phong để áp đặt quyền quản lý, trông giữ, bảo vệ tài sản bảo đảm;…

Nếu các tổ chức tín dụng sử dụng các biện pháp sau đây thì sẽ bị coi là vi phạm điều cấm của pháp luật và trái đạo đức xã hội: Thực hiện những hành vi lừa gạt, sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực đối với người giữ tài sản bảo đảm; thực hiện các hoạt động, hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự, quyền tự do cá nhân, quyền tài sản và các quyền dân sự khác của người giữ tài sản và tổ chức, cá nhân khác liên quan.

PV: Thực tế hoạt động thu giữ tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng thời gian qua cho thấy khi các tổ chức này thực hiện quyền của mình hợp pháp, đúng pháp luật song vẫn bị dư luận phản ứng trái chiều, người nắm giữ tài sản chống đối, không hợp tác. Xin luật sư cho biết, trong trường hợp này, tổ chức tín dụng cần làm gì để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình?

Luật sư Trương Thanh Đức: Công chúng và người có nghĩa vụ phản ứng là do nhiều khi chưa hiểu rõ quy định của pháp luật về quyền của chủ nợ có bảo đảm. Hoạt động thu giữ tài sản bảo đảm là một hoạt động hợp pháp, được pháp luật cho phép, nhưng lại thường trái ý muốn của chủ sở hữu và người nắm giữ tài sản bảo đảm. Do đó, trên thực tế có thể xảy ra nhiều trường hợp các tổ chức tín dụng không nhận được được đồng tình, hợp tác, thậm chí còn chống đối, phản ứng dữ dội của người đang giữ tài sản bảo đảm.

Để giải quyết tình trạng này, khoản 5, Điều 63 của Nghị định 163/2006/NĐ-CP đã quy định rõ: “Trong quá trình tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm, nếu bên giữ tài sản bảo đảm có dấu hiệu chống đối, cản trở, gây mất an ninh, trật tự nơi công cộng hoặc có hành vi vi phạm pháp luật khác thì người xử lý tài sản bảo đảm có quyền yêu cầu Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và cơ quan Công an nơi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để giữ gìn an ninh, trật tự, bảo đảm cho người xử lý tài sản thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm.

Các tổ chức tín dụng thực hiện quyền của mình thường vấp phải sự chống đối của “con nợ”.

Khoản 2, Điều 14 về “Trách nhiệm thi hành” Thông tư liên tịch số 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN ngày 06-6-2014 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam “Hướng dẫn một số vấn đề về xử lý tài sản bảo đảm” cũng đã quy định: “Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan Công an và các cơ quan, tổ chức khác có liên quan trong phạm vi quản lý của mình tích cực phối hợp, hỗ trợ bên nhận bảo đảm thực hiện việc thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm và nghiêm túc quán triệt, thi hành Thông tư này.”

Người có trách nhiệm giao tài sản bảo đảm cho các tổ chức tín dụng mà chống đối, không bàn giao tài sản là vi phạm pháp luật và thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm.

Khi đó, bên bảo đảm hoặc người thứ ba giữ tài sản bảo đảm phải chịu các chi phí hợp lý, cần thiết cho việc thu giữ tài sản bảo đảm; trong trường hợp không giao tài sản để xử lý hoặc có hành vi cản trở việc thu giữ hợp pháp tài sản bảo đảm mà gây thiệt hại cho bên nhận bảo đảm thì phải bồi thường theo quy định tại khoản 4, Điều 63 của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP. Nếu họ có những hành vi gây mất trật tự trị an hay xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của nhân viên các tổ chức tín dụng hay người khác, thì tùy theo mức độ vi phạm còn có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường dân sự, bị xử phạt vi phạm hành chính và chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

PV: Tổ chức tín dụng sau khi thu giữ tài sản bảo đảm một cách hợp pháp thì có được quyền chủ động bán tài sản để thu nợ không, thưa luật sư?

Luật sư Trương Thanh Đức: Việc bán tài sản bảo đảm là một trong những quyền quan trọng nhất của các tổ chức tín dụng nhận tài sản bảo đảm. Việc này được thực hiện theo quy định của pháp luật và thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm. Về nguyên tắc, tổ chức tín dụng được quyền chủ động bán tài sản bảo đảm mà không phụ thuộc vào việc đã hay chưa thu giữ được tài sản bảo đảm.

Do vậy, nếu đã thu giữ được tài sản bảo đảm, thì tổ chức tín dụng đương nhiên có quyền bán tài sản để thu hồi nợ. Khi đó, việc bán tài sản sẽ được thực hiện một cách dễ dàng, đơn giản hơn nhiều so với trường hợp chưa thu giữ được tài sản bảo đảm.

PV: Xin cảm ơn luật sư!

Hà An (thực hiện)

——————

Công an Nhân dân (Thông tin pháp luật) 21-7-2016:

http://cand.com.vn/Thong-tin-phap-luat/Thu-giu-tai-san-bao-dam-The-nao-la-hop-phap-401062/

(1.813/1.813)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,780