(TN) – Việc cấp khống 800 sản phẩm nuôi trồng thủy đã khiến hàng triệu người nông dân nuôi trồng thủy sản trên cả nước đang thấp thỏm lo âu, liệu sản phẩm chăn nuôi họ đang dùng có an toàn.
Theo quy định, các sản phẩm là thức ăn trong nuôi trồng thủy sản và các sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản, trước khi bán ra thị trường phải được Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản – thuộc Tổng cục Thủy sản xem xét, kiểm định và cấp giấy phép chất lượng và phải được Tổng cục Thủy sản cấp phép cho lưu hành. Thế nhưng, từ năm 2013 – 2015, hơn 800 sản phẩm “không tên, không nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng” đã nghiễm nhiên được “đặt tên” và đàng hoàng có tên trong danh sách với một khoản chi bèo bọt: 5 triệu đồng/ sản phẩm.
Ông Dương Văn Cường – Phó Chánh văn phòng Tổng cục Thủy sản cho biết, năm 2013, ông Bùi Đức Quý – Giám đốc trung tâm lúc bấy giờ đã câu kết với các cán bộ cấp dưới là: Ông Nguyễn Huy Bàn, bà Đỗ Thị Hà, ông Phạm Hồng Quân, bà Vũ Thị Thu, bà Nguyễn Thị Hà, ông Nguyễn Văn Dũng và ông Lê Tuấn Anh (lúc đó là Phó phòng Hành chính quản trị – Tổng cục Thủy sản) làm giả công văn và ban hành công văn trái luật để đưa tên các sản phẩm không đủ tiêu chuẩn vào bản phụ lục sản phẩm đã được cấp phép lưu hành. Dựa trên các văn bản gốc được lưu trữ tại Văn phòng Tổng cục Thủy sản, các cá nhân này đã làm sai lệch nội dung, phụ lục (tăng thêm số lượng sản phẩm) với các thủ đoạn như sau: Cắt ghép, sửa phụ lục với mục đích đưa thêm sản phẩm chưa được khảo nghiệm vào lưu hành; chèn số, cắt dán chữ ký của lãnh đạo tổng cục để thay đổi nội dung văn bản gốc.
Cấp khống thức ăn thủy sản, giờ nông dân biết tin vào ai
Kết quả xác minh cho thấy, có 3 văn bản khống số 758, 1526 và 1789 cấp phép lưu hành cho hơn 800 sản phẩm, gồm 668 sản phẩm sử dụng trong cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản và 140 sản phẩm thức ăn thủy sản không đảm bảo chất lượng đã được lưu hành trên thị trường và gây nênbao hệ lụy lâu dài.
Không bao che các vi phạm của cán bộ
Theo ông Dương Văn Cường, ngay sau khi tiếp nhận thông tin trên qua đường khiếu nại, tố cáo, ngày 17/4/2015, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đã chỉ đạo Vụ Pháp chế – Thanh tra phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập ngay đoàn xác minh đơn khiếu nại, tố cáo với một số đối tượng liên quan đang công tác tại Văn phòng Tổng cục Thủy sản, Vụ Nuôi trồng thủy sản và Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản để xử lý vụ việc.
Các thành viên trong tổ xác minh đã nhanh chóng thu thập chứng cứ và hoàn thành báo cáo. Ngày 5/6/2015, Tổng cục Thủy sản đã ra Kết luận số 1413/TCTS-PCTTr, nêu rõ giải trình của các đối tượng có liên quan đến vụ việc, cách thức thực hiện hành vi vi phạm; khẳng định hành vi vi phạm của các cán bộ này; giao nhiệm vụ cho các đơn vị trực thuộc tham mưu Tổng cục tiến hành xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật, thực hiện các biện pháp cần thiết để khắc phục và giải quyết hậu quả của vụ việc. Trong quá trình giải quyết vụ việc, Tổng cục Thủy sản thường xuyên báo cáo lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tiến độ kiểm xa, xử lý và chủ động phối hợp ngay từ đầu với cơ quan an ninh (A86).
Ông Dương Văn Cường khẳng định: “Quan điểm của lãnh đạo Tổng cục là xác minh khách quan ngay từ đầu và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, đặc biệt không bao che vi phạm của cán bộ”.
“Chúng tôi khẳng định các văn bản gốc đang được lưu giữ tại Văn phòng Tổng cục là hoàn toàn chuẩn xác, được ban hành đúng quy định. Nhưng chính các văn bản gốc được phát hành ra lại bị một số cán bộ cố ý ghép thêm phụ lục để đưa thêm một số sản phẩm vào lưu hành không đúng quy định”, ông Cường cho biết thêm.
Sau khi có kết luận giải quyết khiếu nại, tố cáo, Tổng cục Thủy sản đã cách chức và khai trừ khỏi đảng ông Bùi Đức Quý là Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản tại thời điểm đó ; buộc thôi việc và khai trừ khỏi đảng ông Lê Tuấn Anh, lúc đó là Phó trưởng phòng Hành chính của Tổng cục. Đồng thời, buộc thôi việc 5 viên chức và cảnh cáo một viên chức khác của Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản.
“Đây là những hình thức kỷ luật cao nhất đối với công chức, viên chức theo quy định hiện hành và tổ chức Đảng trong phạm vi thẩm quyền của Tổng cục Thủy sản” – ông Cường nhấn mạnh.
Tổng cục Thủy sản tiếp tục ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp xử lý các sản phẩm đưa vào danh mục không đúng quy định; tổ chức các đoàn thanh tra đột xuất tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sản phẩm trong diện bị thu hồi để thống kê, niêm phong, giám sát sản phẩm và tìm hướng giải quyết.
Mặt khác, công bố công khai số điện thoại của cán bộ có trách nhiệm giải đáp các thắc mắc và hướng dẫn xử lý các sản phẩm bị thu hồi trên trang thông tin điện tử.
Dư luận cho rằng, ngành Thủy sản cần rà soát, đánh giá thiệt hại do vụ việc này gây ra và cần phải xem xét xử lý trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân gây ra vụ việc này.
Có thể bị khởi tố hình sự
Theo người phát ngôn Tổng cục Thủy sản, hiện tại, Thanh tra Bộ NN&PTNT đang thụ lý vụ việc.
“Việc có khởi tố hình sự hay không sẽ do cơ quan bảo vệ pháp luật quyết định. Trách nhiệm của Tổng cục Thủy sản là triển khai ngay việc xử lý tố cáo và cung cấp thông tin ngay từ đầu cho cơ quan an ninh”, ông Cường cho biết.
Trong khi đó, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho rằng, dấu hiệu hình sự ở vụ việc trên với tội làm giả giấy tờ, chữ ký, con dấu của cơ quan quản lý nhà nước thì đã rõ. Tuy nhiên, cần làm rõ thêm ở các nội dung khác có hay không, như cố ý làm trái, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, thậm chí là nhận tiền hối lộ…
Với tính chất cấp khống trên 800 sản phẩm, số tiền bất chính bị thu hồi hơn 1 tỷ đồng… Rõ ràng là có vấn đề, cần khởi tố vụ án để xử lý hình sự. Còn mức nặng hay nhẹ cần đi vào tính chất cụ thể. “Tuy nhiên, với số lượng sản phẩm cấp khống, tính chất như thế, không thể nói là nhẹ được”- luật sư Đức nói.
Vị luật sư này cũng cho rằng, về mặt hành chính, Tổng cục Thủy sản đã xử lý. Tuy nhiên, về mặt hình sự, phải khởi động một quy trình riêng. Nếu đã có dấu hiệu rồi thì yêu cầu khởi tố vụ án, khởi tố bị can, xem xét tội gì. “Còn về luật, không cần ông Tổng cục Thủy sản có đơn từ, cơ quan nào yêu cầu công an, mà có phản ánh trên báo chí, thì cơ quan điều tra có trách nhiệm xem xét để khởi tố vụ án rồi”- luật sư Đức nói.
Luật sư Quách Thành Lực, Cty Luật Hà Nội Tinh Hoa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cũng cho rằng, việc hơn 800 sản phẩm của hơn 70 doanh nghiệp được đóng dấu kiểm định khống, bỏ qua khâu kiểm nghiệm, vừa được phát hiện tại Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) có dấu hiệu vi phạm luật hình sự.
Theo ông Lực, pháp luật đã quy định trình tự chặt chẽ để một sản phẩm hàng hóa đủ điều kiện lưu thông trên thị thường. Vi phạm, bỏ qua hoặc làm giả một khâu nào đó quy trình này, đặc biệt là bỏ qua khâu khảo kiểm nghiệm sản phẩm là hành vi vi phạm luật nghiêm trọng. Đây là hành vi lừa dối cơ quan quản lý, lừa dối người tiêu dùng, làm người dân giảm lòng tin vào giá trị giấy phép lưu hành sản phẩm của cơ quan nhà nước, không tin vào chất lượng các sản phẩm lưu thông ngoài thị trường…
Theo luật sư Lực, hành vi làm khống công văn của Tổng cục Thủy sản để đưa những sản phẩm không qua kiểm nghiệm, không đủ điều kiện lưu hành vào danh mục sản phẩm được phép lưu hành có dấu hiệu của “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Theo Điều 267 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức…, nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Trong trường hợp các cá nhân là người có chức vụ, quyền hạn thì hành vi làm giả, làm sai lệch nội dung giấy tờ tài liệu là hành vi “Giả mạo trong công tác”, quy định tại Điều 284 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người có hành vi nói trên bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
Nông dân bức xúc và mất phương hướng
Sau khi thông tin về việc cấp chứng nhận khống cho trên 800 sản phẩm của 72 doanh nghiệp sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản được công khai đã khiến hàng triệu người nông dân nuôi trồng thủy sản trên cả nước thấp thỏm lo âu, liệu sản phẩm chăn nuôi họ đang dùng có an toàn?
Theo một hộ nuôi tôm bức xúc nói, nông dân không thể biết hàng hóa nuôi tôm gồm chất gì, hàm lượng bao nhiêu, chỉ nghe người bán hướng dẫn và ghi trên bao bì. Cơ quan nhà nước quản lý chất lượng lại cấp khống cho sản phẩm có khác nhà phá hoại của dân nuôi tôm.
“Trời ơi, đến mức này thì chúng tôi biết tin vào đâu? Khi mua bán, chúng tôi nhìn vào giấy từ chứng nhận chất lượng hàng hóa nhưng khi giấy tờ bị cấp khống có trời mà biết!”- ông .N (xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu) thốt lên. Hộ ông .N vừa nuôi tôm vừa mua bán thuốc thú y và nuôi trồng thủy sản. Gia đình ông hiện đã và đang chuẩn bị thả nuôi 56 ao tôm công nghiệp.
Ông N.V.L, ở ấp Tân Biên, xã Tân Hưng (Cái Nước, Cà Mau) bức xúc: “Nông dân không thể biết hàng hóa nuôi tôm gồm chất gì, hàm lượng bao nhiêu, chỉ nghe người bán hướng dẫn và ghi trên bao bì. Cơ quan nhà nước quản lý chất lượng lại cấp khống cho sản phẩm có khác nhà phá hoại của dân nuôi tôm?”. Gần đây ông Mến tập tành nuôi tôm quảng canh cải tiến nhưng liên tục bị “gãy” dẫn đến nợ nần.
Hiện nay, tại các tỉnh ĐBSCL, diện tích nuôi trồng thủy sản trên 800.000 ha, trong đó 690.000 ha nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra là các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao. Hàng chục ngàn hộ dân nuôi trồng thủy sản đứng ngồi không yên vì thuốc thú y- vật tư thủy sản bị chính cơ quan quản lý chứng nhận khống chất lượng.
Ông C.V.H, một “Vua tôm” ở Bạc Liêu lo lắng: Những doanh nghiệp sản xuất thức ăn, vật tư nuôi thủy sản kém chất lượng, giả dối thu lời khủng cho riêng họ nhưng người nuôi thủy sản thiệt hại khủng khiếp, không thể thống kê được. Hàng triệu người dân ở ĐBSCL thất mùa sẽ ra sao khi ngành thủy sản thành kinh tế mũi nhọn của nhiều tỉnh trong khu vực.
Phương Liên
——————
Tin nhanh VN (Kinh doanh) 23-7-2016:
(246/2.224)