(TT) – Theo hướng dẫn mới của Ngân hàng Nhà nước, chỉ có pháp nhân hoặc cá nhân mới được vay vốn ngân hàng. Trong khi đó hộ kinh doanh, tổ hợp tác vì không phải pháp nhân nên đang lo bị… tắc vốn.
Hộ gia đình, tổ hợp tác sẽ không được vay vốn với tư cách tổ chức từ ngày 15-3 khiến nhiều người lo lắng. Trong ảnh: khách giao dịch tại một ngân hàng ở TP.HCM – Ảnh: T.T.D. |
Theo quy định, từ ngày 15-3-2017 đại diện hộ kinh doanh không được ký vay vốn tại các ngân hàng (NH) đang khiến không ít chủ hộ buôn bán, kinh doanh lo lắng. Tuy nhiên, các NH trấn an sẽ không có nhiều thay đổi.
Tổ hợp tác, hộ kinh doanh lo ngại
Theo chị Nguyễn Kim Yến – chủ tiệm nước giải khát Thanh Yến (Q.Tân Bình, TP.HCM), chị rất ngại phải chuyển đổi mô hình kinh doanh hiện nay “vì nhu cầu gia đình chỉ muốn làm ăn kinh doanh nhỏ, có đồng ra đồng vào”.
Thừa nhận vẫn có nhu cầu vay vốn, nhưng chị Yến nói rằng số vốn chị cần không quá lớn đến mức phải thành lập doanh nghiệp.
“Nếu tôi vay 100 triệu đồng mà phải ra NH, rồi không biết phải đáp ứng được thủ tục gì hay phải cầm giấy tờ nhà thì ngại quá” – chị Yến nói.
Ông Nguyễn Minh Chiến – tổ hợp tác nuôi cá lồng xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) – cho biết khá bất ngờ với quy định từ ngày 15-3 tổ hợp tác sẽ không được đứng tên vay vốn NH nữa.
Việc một cá nhân phải đứng ra vay vốn cho tổ hợp tác, ông Chiến cho rằng chắc chắn không ai dám.
“Vì rủi ro thua lỗ thì người ký hợp đồng vay sẽ chịu trách nhiệm. Ép tổ hợp tác thành doanh nghiệp cũng khó khi kinh nghiệm về làm sổ sách, kế toán… của các thành viên không nhiều” – ông Chiến lo ngại.
Nói về điều này, ông Đoàn Thái Sơn – vụ trưởng Vụ Pháp chế, NH Nhà nước – cho rằng giải pháp tốt nhất là có thể những cá nhân tham gia dự án sản xuất của tổ chức này cùng đứng ra vay. Đơn cử là tổ hợp tác có 4 người thì phải cả 4 người đứng ra vay vốn.
Như vậy, các cá nhân sẽ cùng gánh vác trách nhiệm và việc quy trách nhiệm trả nợ khoản vay cũng dễ hơn.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng việc này sẽ khiến tăng thời gian thẩm định, không loại trừ tăng chi phí và khiến các NH ngại cho vay nếu khoản vay nhỏ…
Chỉ thay đổi về thủ tục
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một số NH cho rằng việc cho vay theo hộ cá nhân sẽ có một số điều chỉnh nhỏ về mặt thủ tục, cụ thể tên đề nghị vay vốn chuyển từ hộ gia đình thành tên cá nhân đứng tên vay.
Theo các NH, những hồ sơ đứng tên hộ gia đình vay trước đây chưa đến hạn sẽ không phải ký lại vì thông tư 39 không quy định hồi tố. Về lãi suất vay, theo các NH, không khác nhiều giữa hộ kinh doanh và cá nhân, dao động 8,5-9%/năm.
Đại diện Sacombank cho biết theo quy định trước đây, NH được cho vay với “tổ chức” và “cá nhân”, còn theo quy định mới thì NH được cho vay với cá nhân và pháp nhân, như vậy “tổ chức” phải là “pháp nhân”.
Tuy nhiên, theo vị đại diện NH này, quy định mới không ảnh hưởng đến việc cho vay, có chăng chỉ ảnh hưởng đến thủ tục vay và mỗi NH sẽ điều chỉnh sao cho phù hợp với quy định của NH Nhà nước.
Một cán bộ tín dụng của Agribank Hà Nội đánh giá quy định mới sẽ không ảnh hưởng nhiều nếu đối tượng vay vốn là doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh có 1 người làm chủ.
Tuy nhiên tổ hợp tác, hộ kinh doanh nhiều thành phần (nói chung là tổ chức) sẽ bị tác động, bởi chỉ cá nhân được đứng ra vay.
Mà vay với tư cách cá nhân thì điều lệ của tổ chức này sẽ phải sửa đổi để quy định như ai đứng ra vay, trách nhiệm trả nợ như thế nào… hoặc các tổ chức sẽ phải thành lập doanh nghiệp để vay với tư cách pháp nhân.
“Thật tình phía NH cũng thấy lúng túng và đang xem hướng tư vấn cho khách sao cho vốn không bị tắc. Hiện số lượng tổ hợp tác, hộ gia đình vay vốn không quá lớn, nhưng họ đang giải quyết việc làm và tạo thu nhập cho rất nhiều lao động” – cán bộ Agribank nói.
Sẽ tập huấn cho các ngân hàng
Trao đổi với Tuổi Trẻ về nguyên nhân của quy định mới, ông Đoàn Thái Sơn giải thích Bộ luật dân sự 2015 quy định chủ thể tham gia quan hệ dân sự là pháp nhân và cá nhân.
Do đó, từ ngày 15-3 thông tư 39 của NH Nhà nước cũng phải quy định khách hàng vay vốn là pháp nhân và cá nhân.
Ông Sơn nói thêm nếu duy trì quy định cũ là NH vẫn cho vay đối với tổ hợp tác, hộ kinh doanh thì… rủi ro cho NH và cả nền kinh tế, vì rất khó quy trách nhiệm cho các tổ chức này khi không trả nợ đúng hạn. Vì tổ hợp tác, hộ kinh doanh… là một nhóm người.
Chính vì thế hộ kinh doanh, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân… muốn vay vốn NH phải có thành viên đứng ra vay với tư cách cá nhân.
Theo ông Sơn, dự kiến một vài ngày tới NH Nhà nước sẽ tập huấn cho các NH thương mại về nội dung mới để đảm bảo hoạt động cho vay vẫn bình thường, không có ách tắc vốn.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Minh – phó giám đốc NH Nhà nước TP – cho biết vừa có văn bản yêu cầu các NH trên địa bàn phải xây dựng quy chế, quy trình cho vay cũng như các quy định nội bộ theo quy định của thông tư 39.
Các NH cũng phải tham gia các đợt tập huấn của NH Nhà nước cũng như tổ chức triển khai tập huấn trong toàn bộ hệ thống.
“Đây là một chính sách lớn, phạm vi điều chỉnh rộng liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của chính tổ chức tín dụng và ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế. Vì vậy các tổ chức tín dụng cần đặc biệt quan tâm tổ chức triển khai thực hiện tốt thông tư này” – ông Minh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hoàng Minh (phó giám đốc NHNN TP.HCM): Yêu cầu ngân hàng đơn giản thủ tục cho vay Để thực hiện quy định mới, NH Nhà nước TP yêu cầu các tổ chức tín dụng cần quan tâm thực hiện đầy đủ các quy định về đơn giản thủ tục cho vay, đảm bảo minh bạch trong hoạt động cho vay, bảo đảm an toàn và hiệu quả hoạt động tín dụng cũng như bảo vệ quyền lợi của khách hàng vay. Ngoài ra, các NH cũng phải công khai hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung; cung cấp cho khách hàng đầy đủ thông tin trước khi xác lập thỏa thuận cho vay… Các NH cũng phải thực hiện chế độ báo cáo sau khi triển khai thực hiện thông tư trước ngày 15-4 cho NH Nhà nước. |
Nên linh động cho tổ HTX, hộ kinh doanh Theo ông Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty luật ANVI, quy định đối tượng vay vốn chỉ có cá nhân hoặc pháp nhân là phù hợp với thông lệ chung trên thế giới. Tuy nhiên với điều kiện của VN hiện nay, theo ý kiến của một số chuyên gia, nên linh động và tạo cơ chế về thuế và kênh tín dụng riêng để hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh, tổ hợp tác… để họ có thể tiếp cận vốn, tránh khả năng bị “tắc” vốn do quy định mới. Thực tế có hơn 5 triệu hộ kinh doanh, nhưng số hộ được vay vốn NH rất thấp. Hơn nữa, theo các chuyên gia, tỉ lệ nợ xấu ở những đối tượng này hầu như không có. Mặt khác, việc chuyển đổi mô hình từ hộ kinh doanh, tổ hợp tác… lên doanh nghiệp phải cần thời gian và tùy ngành nghề. |
L.THANH – A.HỒNG – T.V.NGHI
————————-
Tuổi trẻ (Kinh tế) 15-02-2017:
http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20170215/lo-tac-von-ngan-hang-vi-quy-dinh-moi/1264960.html
(35/1.507)