(KTVN) – Dự thảo danh mục 20 loại hàng hóa, dịch vụ độc quyền có thể không phù hợp với tinh thần Luật Thương mại 2005…
Xổ số hiện là một ngành kinh doanh độc quyền của Nhà nước.
Như VnEconomy đã đưa tin, dự thảo nghị định về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền Nhà nước trong hoạt động thương mại mà Bộ Công Thương vừa trình Chính phủ cho ý kiến, kèm danh mục 20 loại hàng hóa, dịch vụ sẽ do Nhà nước độc quyền trong hoạt động thương mại.
Danh mục này đang gây tranh cãi với việc không quy định rõ độc quyền Nhà nước sẽ kéo dài bao lâu, theo tinh thần của Luật Thương mại năm 2005.
Độc quyền đến bao giờ?
Trao đổi với VnEconomy, ông Nguyễn Minh Đức từ Ban Pháp chế – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu, Luật Thương mại năm 2005 đã quy định: “Nhà nước thực hiện độc quyền Nhà nước có thời hạn về hoạt động thương mại đối với một số hàng hóa, dịch vụ hoặc tại một số địa bàn để bảo đảm lợi ích quốc gia. Chính phủ quy định cụ thể danh mục hàng hóa, dịch vụ, địa bàn độc quyền Nhà nước”.
Tuy nhiên, do dự thảo nghị định nói trên không xác định thời hạn cho độc quyền, nên có thể bị hiểu rằng 20 loại hàng hóa, dịch vụ này là độc quyền không xác định thời hạn. Điều này, theo ông Đức, là chưa phù hợp với Luật Thương mại 2005.
Danh mục 20 loại hàng hóa, dịch vụ độc quyền của dự thảo dựa trên ba tiêu chí: (1) các thành phần kinh tế khác không có nhu cầu tham gia; (2) các thành phần kinh tế không có khả năng tham gia; và (3) Nhà nước cần phải độc quyền liên quan đến quốc phòng, an ninh, bảo đảm lợi ích quốc gia.
Tuy nhiên, ông Đức cho rằng các tiêu chí này chưa thực sự thuyết phục.
Chẳng hạn, Vietlott kinh doanh xổ số là một doanh nghiệp Nhà nước. Nhưng vẫn có một số ý kiến nghi ngờ sự trung thực của Vietlott trong việc trao thưởng. Đến độ cơ quan công an phải cử cán bộ giám sát việc quay số và trao thưởng, đơn vị kiểm toán độc lập cũng phải giám sát. Như vậy, việc doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp Nhà nước cung ứng dịch vụ không quan trọng, mà quan trọng là cơ chế kiểm tra, giám sát.
Hay như ngành ngân hàng, một ngân hàng thông qua nghiệp vụ của mình, có thể tác động đến lượng cung tiền, không khác gì việc cung vàng miếng ra thị trường. Nhưng Việt Nam vẫn cho phép thành lập ngân hàng tư nhân, chỉ có điều là toàn bộ việc thành lập cũng như vận hành của ngân hàng tư nhân được kiểm soát chặt chẽ bằng luật.
“Trong giai đoạn trước mắt, Nhà nước chưa kịp hoàn thiện thể chế và thiết chế để quản lý với một số thị trường nhất định, thì có thể hạn chế tư nhân đầu tư. Nhưng làm việc này thì phải xác định rõ thời hạn cho việc xây dựng pháp luật và cơ quan quản lý, và đến thời điểm đó thì phải cho tư nhân tham gia. Không nên đưa ra một quy định cấm tư nhân tham gia vô thời hạn như vậy”, ông Đức nói.
Ông cũng đề xuất loại bỏ các ngành nghề được đưa vào danh mục với lý do tư nhân không thể hoặc không muốn tham gia, chỉ giữ lại những ngành nghề mà sự tham gia của tư nhân có thể nảy sinh tác động tiêu cực, nhưng đi kèm với đó là nên xác định rõ thời hạn để Nhà nước chuẩn bị cơ chế quản lý phù hợp. Hết thời hạn đó thì nên để cho tư nhân tham gia.
LS. Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cũng nêu quan điểm, nên đưa ra thời hạn cho các lĩnh vực độc quyền. Các lĩnh vực độc quyền đã được áp dụng trong suốt 12 năm qua theo Luật Thương mại, vì vậy đã đến lúc xem lại và giảm thiểu việc độc quyền này, để thực sự phát triển theo hướng nền kinh tế thị trường.
Theo TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược cho rằng, nhiều nước trên thế giới cũng cấm tư nhân tham gia lĩnh vực liên quan đến an ninh quốc phòng. Song một số nước vẫn mở cửa, chẳng hạn như Mỹ. Theo ông Đức, dự thảo nghị định nói trên cần chỉ rõ thời hạn cho độc quyền ở các loại hàng hóa, dịch vụ, hết thời hạn thì phải mở cửa cho tư nhân.
Bộ khẳng định không tăng độc quyền
Trước những ý kiến trái chiều, Bộ Công Thương đã chính thức lên tiếng về quan điểm xây dựng dự thảo.
Bộ Công Thương cho biết, việc xây dựng nghị định này đã được Thủ tướng giao cho Bộ Công Thương từ 27/1/2015. Danh mục không mở rộng và không tăng thêm các lĩnh vực độc quyền đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, phù hợp với các cam kết quốc tế hiện hành của Việt Nam.
Tại thời điểm cuối năm 2015, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các bộ ngành, danh mục dự kiến có 19 loại hàng hoá. Tuy nhiên, sau khi tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, danh mục dự kiến đã được bổ sung thêm mặt hàng vàng nguyên liệu, với hoạt động thương mại độc quyền tương ứng là “xuất khẩu và nhập khẩu để sản xuất vàng miếng”, nâng tổng số hàng hóa, dịch vụ tại danh mục lên thành 20.
Bộ Công Thương khẳng định, toàn bộ các mặt hàng độc quyền đều đảm bảo yếu tố thuộc các lĩnh vực, địa bàn thiết yếu mà Nhà nước cần phải giữ độc quyền, liên quan đến an ninh – quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng hoặc các thành phần kinh tế khác không muốn hay không có khả năng tham gia.
Đặc biệt, Bộ Công Thương nhấn mạnh, danh mục có thể được điều chỉnh giảm, khi luật và pháp lệnh có liên quan cho phép bãi bỏ lĩnh vực độc quyền, hoặc có đề xuất bỏ của các bộ và cơ quan liên quan, khi có đề nghị bằng văn bản thể hiện nhu cầu và khả năng tham gia của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế vào các lĩnh vực trên.
Việc ban hành danh mục được Bộ Công Thương nhận định là góp phần cụ thể hoá chủ trương của Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý thống nhất cho việc bảo lưu quyền của Việt Nam trong các cuộc đàm phán quốc tế về mở cửa thị trường, qua đó tăng cường tính minh bạch cũng như tính hiệu quả của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
“Việc ban hành danh mục sẽ giúp hệ thống hóa và minh bạch hóa tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ, địa bàn độc quyền Nhà nước trong hoạt động thương mại phù hợp với cam kết quốc tế, các chính sách và quy định hiện hành, đồng thời là cơ sở để các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như các chủ thể khác trong xã hội thực hiện chức năng giám sát công khai việc độc quyền”, Bộ Công Thương nêu.
BẠCH DƯƠNG
—————————
Thời báo Kinh tế Việt Nam (Thời sự) 16-02-2017:
(80/1.342)