(XD) – Theo LS Nguyễn Đắc Thực: Việc lật kèo này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của hoạt động bảo lãnh ngân hàng nói chung và hoạt động bảo lãnh của VIB nói riêng.Nhiều doanh nghiệp sẽ không còn tin vào bảo lãnh của ngân hàng nữa.
Như đã nêu ở các bài viết trước, lấy lý do không xuất trình được Thư bảo lãnh gốc Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam- Chi nhánh Hà Nội (VIB Hà Nội) đã “lật kèo” bảo lãnh thanh toán đối với bên nhận bảo lãnh là Công ty CP Gang thép Thái Nguyên với tổng số tiền bảo lãnh theo yêu cầu của doanh nghiệp này là 80 tỷ đồng.
Về phần mình, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên(TISCO) cho rằng Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam- Chi nhánh Hà Nộiđã ‘lập lờ đánh lận con đen’, lợi dụng thông lệ của ngành ngân hàng để thoái thác trách nhiệm bảo lãnh của mình. Theo đó, công ty này khẳng định đã trình Thư bảo lãnh gốc của TBL 326 và TBL 342 lên VIB Hà Nội trong thời hạn 2 TBL này có hiệu lực.
“Sáng ngày 04/01/2012, tức là vẫn còn 2 ngày trước khi TBL 326 hết hiệu lực, TISCO đã trực tiếp gửi Công văn số 05/GTTN-KTTC kèm theo toàn bộ hồ sơ chứng minh, đồng thời xuất trình 2 Thư bảo lãnh gốc. Ngay trong buổi chiều làm việc giữa các bên, VIB Hà Nội vẫn không có thắc mắc gì”.
Công ty CP Gang thép Thái Nguyên cho rằng cho rằng Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam- Chi nhánh Hà Nộiđã vi phạm Luật Thương Mại 2005 (Khoản 1 Điều 295 quy định bên có trách nhiệm phải có văn bản thông báo ngay cho bên kia về việc mình được miễn trách nhiệm).
“Sau khi nhận hồ sơ yêu cầu thanh toán của TISCO, hai bên đã có cả quá trình trao đổi làm việc nhiều lần, nhưng đến tận gần 6 tháng sau đó cho rằng Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam- Chi nhánh Hà Nộimới đưa ra lý do cho rằng TISCO chưa xuất trình bản gốc Thư bảo lãnh để từ chối trách nhiệm bảo lãnh là một hành vi bội tín, không phù hợp với thông lệ kinh doanh giữa Ngân hàng và doanh nghiệp”- đại diện Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, nói.
Theo nhiều luật sư, chuyên gia tài chính- ngân hàng, việc Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam- Chi nhánh Hà Nội lấy lý do Công ty CP Gang thép Thái Nguyên không xuất trình được Thư bảo lãnh gốc khi có nhu cầu hưởng bảo lãnh là hành động ‘không đẹp’, bởi trong thời đại công nghệ số, mọi bút toán kế toán – tài chính đều được số hóa, bởi vậy ngoài những giấy tờ như trên còn rất nhiều căn cứ chính thức khác để xác minh.
“Tương tự tình huống này, trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn, thiên tai lũ lụt, doanh nghiệp bị mất Thư bảo lãnh thì họ cũng mất trắng hàng chục tỉ đồng hay sao?!”, một chuyên gia trong ngành tài chính- ngân hàng chia sẻ.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC): Về nguyên tắc, bảo lãnh của ngân hàng là vô điều kiện và không hủy ngang. Yêu cầu bên nhận bảo lãnh phải xuất trình bản gốc thư bảo lãnh là không hợp lý, vì không hề có tác dụng chứng minh điều gì cả. Đã cam kết bảo lãnh, khi bảo lãnh đến hạn thì lập tức nghĩa vụ xuất hiện khi được yêu cầu mà không phụ thuộc vào việc xuất trình thư bảo lãnh. Thư bảo lãnh, đơn giản chỉ là một dấu hiệu để nhận biết nhanh là có quan hệ bảo lãnh.
“Tóm lại, nếu có cam kết bảo lãnh thật sự thì phải thực hiện hoàn toàn không phụ thuộc vào việc có hay không xuất trình thư bảo lãnh”- Luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh.
Phân tích về vụ việc này, Luật sư Nguyễn Đắc Thực- Công ty luật TNHH Minh Thư (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội)- cho rằng: Dưới góc độ pháp lý, việc Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam- Chi nhánh Hà Nội từ chối bảo lãnh thanh toán với lý do bên nhận bảo lãnh không cung cấp chứng thư bảo lãnh gốc là chưa phù hợp theo quy định của pháp luật. Trong trường này, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam- Chi nhánh Hà Nộilà Người bảo lãnh, do đó Ngân hàng là bên phát hành thư bảo lãnh, trong đó quy định nếu bên được bảo lãnh không thanh toán thì Bên nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu bên bảo lãnh thanh toán trong thời hạn bảo lãnh.
Đối chiếu theo thông tin phía Công ty CP Gang thép Thái Nguyên cung cấp thì phía công ty này đã có thông báo về việc yêu cầu ngân hàng thanh toán cho các khoản nợ của Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Hà Nam trong thời hạn bảo lãnh (“Ngày 06/12/2011, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên có công văn số 1248 yêu cầu VIB Hà Nội thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đối với 2 Thư bảo lãnh TBL275 và TBL277 với tổng số tiền 80 tỷ đồng”).
Như vậy, rõ ràng Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đã thực hiện đúng quyền của Người nhận bảo lãnh, nhưng đáp lại thì phía VIB Hà Nội lại ” lật kèo” khi không chấp nhận thanh toán cho TISCO.
Việc Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam- Chi nhánh Hà Nội viện lý do Công ty CP Gang thép Thái Nguyên thoả thuận gia hạn nợ là không đúng, bởi ngày 27/06/2012 giữa Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, VIB Hà Nội và Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Hà Nam đã có buổi làm việc 3 bên, theo đó các bên xác định nếu đến ngày 30/6/2012 mà Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Hà Namkhông thanh toán thì phía VIB Hà Nội phải thực hiện bảo lãnh thanh toán cho các khoản nợ của công ty này.
“Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam- Chi nhánh Hà Nộiđã “chơi” không đẹp. Việc lật kèo này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của hoạt động bảo lãnh ngân hàng nói chung và hoạt động bảo lãnh của VIB nói riêng. Nhiều doanh nghiệp sẽ không còn tin vào việc bảo lãnh của ngân hàng nữa.Tuy nhiên, bảo vệ bản án là việc TISCO cần làm trong thời điểm này!”- Luật sư Nguyễn Đắc Thực khuyến cáo.
Thái Nguyên Nhân
——————
Xây dựng (Kinh tế) 27-7-2016:
(151/1.181)