1.220. Không phải “quen miệng”

(ĐBND) – Hơn 11 năm kể từ khi Luật Thương mại 2005 có hiệu lực thi hành, đến nay, Bộ Công thương mới chính thức soạn thảo được dự thảo Nghị định về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền Nhà nước trong hoạt động thương mại. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng của cơ quan soạn thảo về việc xác lập “cơ sở pháp lý rõ ràng và thống nhất đầu tiên về độc quyền nhà nước”, dự thảo Nghị định ngay khi được trình Chính phủ đã vấp phải sự phản ứng gay gắt từ phía các chuyên gia pháp lý và chuyên gia kinh tế.

Chưa bàn đến việc 20 ngành, nghề trong danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện độc quyền Nhà nước được trình kèm theo dự thảo Nghị định đã chính xác, chuẩn chỉ hay chưa mà ngay từ hình thức văn bản đã quá nhiều băn khoăn. Luật sư Trương Thanh Đức, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam đã phải dùng đến hai chữ “vi hiến” khi đề cập đến nhiều nội dung của dự thảo Nghị định này. Bởi lẽ, từ Hiến pháp năm 1992 đến nay, đặc biệt là với bản Hiến pháp 2013, đạo luật gốc của hệ thống pháp luật nước ta đã không còn đề cập đến 4 chữ “độc quyền nhà nước”.

Mặc dù vẫn khẳng định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo nhưng Hiến pháp 2013 đồng thời cũng nêu rõ: Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật; Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước. Hiến pháp 2013 cũng lần đầu tiên ghi nhận quyền tự do kinh doanh của người dân trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm là quyền hiến định.

2 đạo luật về hoạt động sản xuất, kinh doanh được ban hành ngay sau Hiến pháp 2013 là Luật Đầu tư 2014 và Luật Doanh nghiệp 2014 cũng thể hiện nhất quán, xuyên suốt quan điểm Nhà nước bảo đảm bình đẳng trước pháp luật của các doanh nghiệp, không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế. Những ngành, nghề nào cấm doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hoặc phải có điều kiện mới được sản xuất, kinh doanh thì cũng đã được quy định rõ trong Luật Đầu tư 2014 và Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư. Còn theo Bộ luật Dân sự 2015 thì từ năm nay trở đi, quyền dân sự của cá nhân và pháp nhân chỉ bị hạn chế theo quy định của luật thay vì nghị định, thông tư như trước đây.

Thậm chí, nếu so ngay với điều luật gốc mà dự thảo Nghị định này căn cứ để quy định chi tiết là Khoản 4, Điều 4, Luật Thương mại năm 2005 thì dự thảo Nghị định cũng đã không bảo đảm đúng tinh thần của Luật. Cụ thể là, luật quy định Nhà nước thực hiện độc quyền Nhà nước có thời hạn về hoạt động thương mại đối với một số hàng hóa, dịch vụ tại một số địa bàn để bảo đảm lợi ích quốc gia. Nhưng dự thảo Nghị định lại không xác định thời hạn độc quyền. Như vậy cũng có nghĩa là, từ “độc quyền có thời hạn” của Luật Thương mại đến dự thảo Nghị định đã trở thành “độc quyền vô thời hạn” chăng?

Vậy thì căn cứ vào đâu để cơ quan quản lý nhà nước đưa ra một dự thảo Nghị định để quy định về cái gọi là “độc quyền nhà nước”?

Không chỉ có vấn đề về mặt pháp lý, dự thảo Nghị định này còn được Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung đánh giá là phản thị trường, cản trở cạnh tranh và đi ngược với xu thế cải cách. Điều này càng trở nên phản cảm hơn nữa trong bối cảnh Chính phủ đã rất nỗ lực kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, lành mạnh, khuyến khích khởi nghiệp, sáng tạo…

Câu hỏi đặt ra là, tại sao, Bộ Công thương lại đưa ra một dự thảo Nghị định như vậy? 4 chữ “độc quyền nhà nước” nếu chỉ thuần túy là cách dùng từ kiểu “quen miệng” thì còn may. Nhưng đọc nội dung Nghị định thì hóa ra không phải. Tư duy quản lý, ban phát, xin – cho của cơ quan quản lý nhà nước vẫn còn mạnh lắm!

An Nhiên

—————————

Đại biểu nhân dân (Góc nhìn) 16-02-2017:

http://www.daibieunhandan.vn/ONA_BDT/NewsPrint.aspx?newsId=385885

(76/839)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,768