1.220. Tiền điện tử, vùng rủi ro không được không thừa nhận

(ĐTCK) Cả doanh nghiệp và khách hàng đều cần cân nhắc kỹ trước khi tham gia vào cung ứng hoặc sử dụng các dịch vụ liên quan đến tiền ảo, tiền điện tử.

Trong những ngày qua, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ án đặt phòng du lịch trên mạng với số lượng bị hại lên tới hơn 11.000 người. Vụ án có đề cập đến tiền ảo, khoản tiền được ghi nhận trong ví điện tử của mỗi khách hàng sau khi tham gia vào mạng lưới.

Cụ thể, sau lần đầu tiên mua gói đặt phòng khách sạn 4 ngày 3 đêm cho hai người tại các khách sạn hoặc resort từ 3 đến 5 sao ở nhiều quốc gia với giá 340 USD, khách hàng được xem là đã tham gia hệ thống, được cấp tài khoản để kinh doanh. Tiếp đó, mọi chuyện giống như các hệ thống đa cấp khác, lôi kéo thêm càng nhiều khách hàng, mức trả thường ngày càng tăng. Thay vì nộp tiền, nhận thưởng bằng tiền mặt thông thường như ở các hãng đa cấp khác thì ở đây, tiền được tích vào tài khoản trên mạng và chỉ khi lôi kéo được khách hàng mới nộp tiền thật vào thì mới được hưởng lợi.

Trong quá trình tranh luận tại tòa, giữa các luật sư và đại diện cơ quan công tố đã tranh cãi về việc sử dụng khái niệm “tiền ảo” liệu có đúng, hay phải gọi là “tiền điện tử” mới đúng. Cơ quan công tố cho rằng, tiền thưởng thực chất là tiền ảo trả vào ví điện tử, việc trả tiền thật thực chất do người Việt Nam trả với hình thức thu tiền của người sau trả cho người trước.

Tuy nhiên, trong các quy định luật pháp hiện hành của Việt Nam không có ghi nhận hay định nghĩa về tiền ảo, tiền điện tử… Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã từng ra thông báo về tiền ảo nhấn mạnh rằng, theo các quy định của pháp luật hiện hành về tiền tệ và ngân hàng, các loại tiền ảo (tương tự bitcoin) không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Thậm chí, Ngân hàng Nhà nước còn yêu cầu các ngân hàng không được phép sử dụng tiền ảo như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng.

“Dù là tiền ảo hay tiền điện tử đều còn rất mơ hồ. Ngân hàng Nhà nước khẳng định không phải là tiền. Bộ Công thương thì bảo không phải là hàng hóa còn Bộ Tư pháp, Bộ Công an không thừa nhận đó là tài sản. Nói tóm lại là không ai thừa nhận và cũng không ai quản lý. Không ai biết thế nào là vi phạm, thế nào là đúng sai”, Luật sư Trương Thanh Đức cho biết.

Theo ông Đức, cần phân biệt hai loại tiền ảo. Loại thứ nhất là tiền ảo như Bitcoin, hoàn toàn không có ai, cơ quan nào phát hành, kiểm soát và chịu trách nhiệm. Mặc dù trên thế giới có những giao dịch sử dụng tiền ảo bitcoin, nhưng còn rất hạn chế. Tại Việt Nam, Bộ Tư pháp có đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ về tiền ảo giao cho Đại học Luật Việt Nam chủ trì, Vụ Pháp luật kinh tế dân sự phối hợp nhưng mới ở bước khởi đầu, phải đến năm 2018 mới có kết quả.

Loại thứ hai chúng ta thường gặp hơn, đó là quy ước, thỏa thuận về vật trung gian để trao đổi mua bán (như việc chúng ta nạp tiền vào tài khoản game và mua đồ đạc trong trò chơi hay như việc chúng ta mua thẻ cào và nạp tiền điện thoại di động…). Thông thường, quy tắc sẽ do bên phát hành (các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, sản phẩm) đặt ra và khách hàng lựa chọn có tham gia hay không. Tất nhiên, ở đây có rủi ro nếu như doanh nghiệp đóng cửa, ngừng kinh doanh hoặc nạp tiền vào, nhưng không mua được sản phẩm. Nhưng đây là biện pháp để doanh nghiệp quản lý người bán hàng hơn là quản lý người mua.

Đối với các dịch vụ liên quan đến tài khoản trên mạng, bên cung cấp dịch vụ sẽ đặt ra một luật chơi thông qua tài khoản online, khách hàng chỉ cần bỏ số tiền nhất định vào tài khoản để tham gia mua hoặc bán. Khi có sự sở hữu tài sản thì tài khoản sẽ tăng giảm, liên quan đến số tiền ký quỹ. Nhưng cái gốc của luật chơi là các bên cuối cùng vẫn phải quy ra khoản tiền thật để xử lý trách nhiệm các bên tham gia.

Nhìn chung, ở Việt Nam, pháp luật không cấm, nhưng cũng không thừa nhận các loại tiền ảo. Các bên được lựa chọn các giao dịch trên nguyên tắc tự do, tự thỏa thuận, tự nguyện, tự chịu trách nhiệm, không lừa dối, ép buộc nhau. Nhưng nếu có thiệt hại xảy ra thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trở lại vụ án đa cấp du lịch, đại diện cơ quan công tố cho rằng, hậu quả vụ án là có thật. Hàng chục nghìn người đặt mua gói dịch vụ với mong muốn đi du lịch nhưng không đạt được. Một số người được đổi tiền thật, nhưng chỉ trong một số thời điểm nhất định nên lầm tưởng giá trị của tiền điện tử được bảo lãnh, nhưng sự thực là không phải. Thực tế, đây là “tiền ảo”, rút của người này đưa cho người khác và sẽ có cá nhân chịu thiệt hại.

Với quan điểm như vậy, cả doanh nghiệp lẫn khách hàng đều cần thận trọng khi tham gia vào các hình thức kinh doanh liên quan đến tiền ảo, tiền điện tử. Với doanh nghiệp, đó là rủi ro hình sự khi có thiệt hại. Với khách hàng đó là rủi ro mất tiền bởi luật pháp không thừa nhận và bảo vệ.

Bùi Trang

——————

Đầu tư Chứng khoán (Pháp luật) 27-7-2016:

http://tinnhanhchungkhoan.vn/phap-luat/tien-dien-tu-vung-rui-ro-khong-duoc-khong-thua-nhan-159394.html

(184/1.090)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.392. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao. (TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Truy quét hàng giả cuối năm.

Truy quét hàng giả cuối năm. (NLĐ) - Các cơ quan chức năng sẽ tập trung...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,985