1.223. Phải làm rõ nghi vấn gian lận phí trước khi tính mua lại Pháp Vân – Cầu Giẽ

(GDVN) – Ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, cần làm rõ nghi vấn gian lận mức phí BOT tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ trước khi tính mua lại.

Tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ được đầu tư xây dựng năm 1998, hoàn thành năm 2002 bằng vốn vay ODA. Năm 2013, tuyến đường trên được chấp thuận đầu tư cải tạo thành đường cao tốc. Hình thức đầu tư theo hợp đồng BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao), dự án hoàn thành giai đoạn 1 và bắt đầu thu phí từ tháng 10/2015.

Mặc dù đưa vào khai thác đến nay chưa lâu nhưng việc thu phí trên tuyến đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ bộc lộ nhiều bất cập khiến người dân bức xúc.

Theo phản ánh, từ Pháp Vân về đến Ninh Bình chưa đầy 80km nhưng có đến 2 trạm thu phí. Trong đó điểm thu phí từ Pháp Vân về Đại Xuyên chưa đến 30km.

Báo cáo của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho thấy, sau hơn 4 năm đưa trạm thu phí Đại Xuyên vào khai thác đã xảy ra 146 vụ ùn tắc, chủ yếu vào những ngày lễ, thứ bảy, chủ nhật. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2016, đã xảy ra 70 vụ ùn tắc phương tiện. Các vụ ùn tắc tại trạm thu phí kéo dài từ 0,3 – 3km.

Trạm thu phí BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ – ảnh: H.Lực

VEC cũng cho rằng, vị trí của trạm thu phí Đại Xuyên không hợp lý khi được đặt trên chính tuyến điểm giữa của tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ – Ninh Bình. Đây là vị trí gây mất mỹ quan, tạo nút thắt trên đường cao tốc; là nguyên nhân chính gây ra các vụ ùn tắc giao thông của tuyến đường cao tốc trong thời gian qua.

Theo đó, VEC đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải dỡ bỏ trạm thu phí này.

Mới đây nhất, kết quả kiểm tra của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho thấy, mức thu phí các ngày có giám sát của các trạm thu phí BOT trên tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ cao hơn gần 600 triệu đồng so với con số báo cáo của đơn vị thu phí.

Việc kiểm tra này xuất phát từ nghi vấn thất thoát thu phí trước đó khi 1 trong 3 liên danh đầu tư dự án dự án BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ tố chủ chủ đầu tư gian lận mức thu phí.

Theo đánh giá, con số chênh lệch mức thu phí BOT tại tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ rất rõ, gây thiệt hại cho nhà nước và người dân.

Trước thực tế này, vừa qua có nhiều ý kiến đề xuất Chính phủ dùng khoản tiền còn dư tại các dự án giao thông khác để mua lại dự án BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ, qua đó giảm gánh nặng phí cho người dân.

Cụ thể, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ sử dụng để nâng cấp Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên hiện còn dư hơn 14.000 tỷ đồng.

“Tuyến đường Pháp Vân – Cao Bồ (Ninh Bình) nằm song song nhằm hỗ trợ Quốc lộ 1A và có thể xem là tuyến Quốc lộ 1 A mới. Vậy nên việc bố trí vốn dư thừa từ dự án án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên để trả cho nhà đầu tư, bỏ trạm thu phí bất cập là một phương án cần được tính đến.

Việc này hoàn toàn hợp lý vì trong hợp đồng BOT có điều khoản cho phép thực hiện, đồng thời giúp giải tỏa các bức xúc lâu nay của người dân”, Ths Đinh Ngọc Lân nêu ý kiến đề xuất trên Vietnamnet.

Bày tỏ quan điểm trước đề xuất này, ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết: “Trước khi tính đến việc có mua lại hay không mua lại dự án BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ, dư luận đang yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước phải làm rõ có hay không việc gian lận mức thu phí trên tuyến đường”.

Theo ông Bùi Danh Liên trước hết Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải làm rõ hai việc: Tại sao có sự chênh lệch mức thu phí lớn giữa con số doanh nghiệp báo cáo và con số kiểm tra thực tế.

“Mức chênh lệch lớn đến gần 600 triệu đồng/ngày, như vậy nếu tính từ thời gian doanh nghiệp được thu phí đến nay thì sự chênh lệch giữa con số thu và con số báo cáo lên đến hàng chục tỷ đồng. Vậy tại sao có con số chênh lệch này? Chênh lệch này do đâu? Rơi vào túi ai phải làm rõ”, ông Liên cho biết.

Thứ hai, sau khi làm rõ nếu đúng có sự chênh lệch và có việc doanh nghiệp gian lận phải xử lý doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm giám sát để xảy ra việc gian lận này.

“Phải làm rõ hai vấn đề trên trước khi tính đến việc có mua lại dự án hay không”, ông Liên nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, LS.Trương Thanh Đức – Chuyên gia tham vấn thẩm tra các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Văn phòng Chính phủ đặt câu hỏi: Mua dự án BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ, còn các dự án BOT khác thì sao? Tại sao lại mua lại tuyến BOT này khi mà dự án đang còn nhiều nghi vấn chưa được làm rõ.

Theo LS Đức, vấn đề chính là cần làm rõ mức thu phí của dự án và lật ngược lại về tổng mức đầu tư của dự án, suất đầu tư mỗi hạng mục của dự án. Tiếp đó là làm rõ mức thu phí hiện nay.

LS Trương Thanh Đức cho rằng, việc tính toán mua lại dự án BOT không khó và chúng ta đã từng làm. Tuy nhiên với dự án BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ vừa thu phí, vừa thi công nên nếu mua lại dự án cần phải làm rõ mức thu phí trước đây bởi số tiền này có liên quan đến việc giá mua lại. 

Mai Anh

——————

Giáo dục (Kinh tế) 29-7-2016:

http://giaoduc.net.vn/Kinh-te/Phai-lam-ro-nghi-van-gian-lan-phi-truoc-khi-tinh-mua-lai-Phap-Van–Cau-Gie-post169755.gd

 (183/1.139)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,780