(ĐTCK) – Góp ý cho dự thảo Thông tư sẽ khó tránh cảnh “thầy bói xem voi”.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng. Các thành viên thị trường đang băn khoăn với không ít quy định, hoặc hướng dẫn của dự thảo.
Hiện Chính phủ chưa ban hành Nghị định về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng. Đồng thời, theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, dự thảo Nghị định trên qua một số lần lấy ý kiến đóng góp vẫn còn nhiều điểm bất cập, gây tranh cãi.
Như vậy, góp ý cho dự thảo Thông tư sẽ khó tránh cảnh “thày bói xem voi”. Tuy nhiên, một số điểm trong dự thảo Thông tư đang gây ra băn khoăn rất lớn cho cộng đồng nhà đầu tư.
Hạn chế quyền của cổ đông nhỏ lẻ
Điều 3, dự thảo Thông tư quy định: “Công ty đại chúng xây dựng Điều lệ công ty theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Nghị định số …/2017/NĐ-CP và các quy định pháp luật liên quan. Công ty đại chúng tham chiếu Điều lệ mẫu tại Phụ lục số 01 Thông tư này để xây dựng Điều lệ công ty”.
Tuy nhiên, trong Điều lệ mẫu thu hẹp quyền của cổ đông phổ thông với quy định, cổ đông phổ thông chỉ được xem xét, tra cứu và trích lục các thông tin liên quan đến cổ đông và yêu cầu sửa đổi các thông tin không chính xác.
Mặc dù có nhiều vi phạm xảy ra xuất phát từ ban lãnh đạo công ty, hoặc các cổ đông nắm quyền kiểm soát công ty, nhưng các cổ đông nhỏ trong công ty thường im lặng, hoặc rất khó để lên tiếng và ngăn chặn các hành vi này.
Chỉ có cổ đông hoặc nhóm cổ đông nắm giữ từ 5% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất sáu 6 tháng có quyền kiểm tra và nhận bản sao hoặc bản trích dẫn danh sách các cổ đông có quyền tham dự và biểu quyết tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông.
Trên thực tế, quyền được xem xét, tra cứu danh sách cổ đông là một quyền rất quan trọng đối với các cổ đông nhỏ lẻ.
Soi chiếu với Luật Doanh nghiệp, Điểm đ, Khoản 1, Điều 114 quy định, cổ đông có quyền xem xét, tra cứu, trích lục các thông tin trong danh sách cổ đông có quyền biểu quyết và yêu cầu sửa chữa các thông tin không chính xác.
Ngoài ra, Khoản 3, Điều 137, Luật Doanh nghiệp quy định: “Cổ đông có quyền kiểm tra, tra cứu, trích lục và sao danh sách cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông, yêu cầu sửa đổi những thông tin sai lệch hoặc bổ sung những thông tin không chính xác về mình trong danh sách cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông.
Người quản lý công ty phải cung cấp kịp thời thông tin sổ đăng ký cổ đông, sửa đổi, bổ sung thông tin sai lệch theo yêu cầu của cổ đông; đồng thời chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh do không cung cấp hoặc cung cấp không kịp thời, không chính xác thông tin sổ đăng ký cổ đông theo yêu cầu”.
Theo cuốn Cẩm nang quản trị doanh nghiệp của Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), quyền xem xét, tra cứu danh sách cổ đông cho phép cổ đông có cơ hội liên hệ với các cổ đông khác và kết hợp quyền biểu quyết cho các vấn đề cần có hành động tập thể.
Quyền này cho phép các cổ đông có được danh sách cổ đông của toàn công ty, để từ đó các cổ đông nhỏ lẻ có thể tập hợp lại, trao đổi thông tin và gom cổ phiếu để cùng hành động. Bởi lẽ, ban lãnh đạo các doanh nghiệp thường hay lấy cớ trì hoãn hoặc không cung cấp danh sách cổ đông nhằm hạn chế các cổ đông liên kết với nhau.
Vì thế, với Điều lệ mẫu tại dự thảo Thông tư, một thành viên của Diễn đàn codongnho.vn đặt câu hỏi, quy định như vậy chẳng khác gì thu hẹp quyền quan trọng của cổ đông và chưa đúng với tinh thần của Luật Doanh nghiệp?
Trên thực tế, tại thị trường chứng khoán Việt Nam, trong những năm vừa qua đã có nhiều trường hợp vi phạm về quản trị doanh nghiệp xảy ra trong các công ty cổ phần. Mặc dù có nhiều vi phạm xảy ra xuất phát từ ban lãnh đạo công ty, hoặc các cổ đông nắm quyền kiểm soát công ty, nhưng các cổ đông nhỏ trong công ty thường im lặng, hoặc rất khó để lên tiếng và ngăn chặn các hành vi này. Một trong các nguyên nhân chính là họ không tập hợp, liên kết được với nhau để có số lượng cổ phần đủ lớn, tạo ra tiếng nói có trọng lượng với các nhóm cổ đông lớn, hoặc ban lãnh đạo công ty.
Với những cổ đông nắm rõ luật, có khả năng vận dụng và sử dụng quyền được xem xét, tra cứu danh sách cổ đông, đã có những chiến dịch bảo vệ quyền lợi của họ thành công. Cụ thể, các nhà đầu tư liên kết với nhau để phản đối các quyết định do ban lãnh đạo doanh nghiệp đưa ra tại Đại hội đồng cổ đông, mà họ cho rằng ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông.
Chẳng hạn, tại Công ty cổ phần Everpia năm 2014, nhờ nắm được danh sách cổ đông, cổ đông Red River Holding đã gửi thư cho tất cả các cổ đông khác, vận động bỏ phiếu phản đối tỷ lệ chia cổ tức thấp tại Công ty.
Hoặc trước Đại hội đồng cổ đông Vinamilk năm 2015, có một cuộc vận động ngầm trong giới cổ đông để phản đối đề xuất của cổ đông nhà nước (SCIC).
Kết quả, 2 đề xuất của SCIC tại đại hội năm đó đã không được thông qua. Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông năm 2014, nhiều cổ đông nhỏ đã gom phiếu đủ tỷ lệ 10% theo điều lệ Công ty để đề cử bà Lê Thị Băng Tâm là thành viên Hội đồng quản trị độc lập của Vinamilk. Ngoài việc gom phiếu để đề cử, các cổ đông này còn vận động nhiều cổ đông khác bỏ phiếu cho bà Tâm.
Rõ ràng, nắm được danh sách cổ đông của công ty cho phép các cổ đông liên kết lại để tạo ra sức mạnh tập thể.
Hướng dẫn ủy quyền dễ trái luật
Điều 16 trong Điều lệ mẫu của dự thảo Thông tư hướng dẫn về đại diện theo ủy quyền như sau: Các cổ đông có quyền tham dự cuộc họp Đại hội đồng cổ đông theo quy định của pháp luật có thể ủy quyền cho cá nhân, tổ chức đại diện tham dự.
Trường hợp có nhiều hơn một người đại diện theo ủy quyền thì phải xác định cụ thể số cổ phần và số phiếu bầu được ủy quyền cho mỗi người đại diện. Việc ủy quyền cho người đại diện dự họp Đại hội đồng cổ đông phải lập thành văn bản theo mẫu của công ty và phải có chữ ký theo quy định.
Hướng dẫn trên, theo nhận xét của một số luật sư, có thể vi phạm Luật Doanh nghiệp và dẫn tới những trường hợp khó phân xử với công ty đại chúng.
Về vấn đề này, các luật sư của Công ty Luật ANVI cho biết, theo Điều 140, Luật Doanh nghiệp 2014, mỗi cổ đông chỉ được ủy quyền cho một người khác tham dự và biểu quyết tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông. Luật đóng khung như vậy, không mở cửa cho Điều lệ quy định khác, dù Điều 15 cho phép cổ đông pháp nhân có thể ủy quyền cho nhiều người đại diện phần vốn góp.
Rõ ràng, doanh nghiệp mời họp Đại hội đồng cổ đông là mời cổ đông, chứ không mời người đại diện phần vốn góp cho cổ đông.
Tuy nhiên, người đại diện phần vốn góp đương nhiên có quyền dự họp, hay phải được cổ đông lập cho một giấy ủy quyền dự họp? Trường hợp có nhiều người đại diện thì phải gom lại cho một người có quyền dự họp? Tình huống phức tạp khác là những người đại diện vốn góp đều có quyền dự họp thì mỗi người được phép ủy quyền cho một người khác?
Luật không quy định cụ thể như vậy, nhưng nếu công ty nào chấp nhận việc ủy quyền cho vài người của một cổ đông (hoặc xây dựng Điều lệ công ty theo Điều lệ mẫu trong dự thảo Thông tư), thì có hay không tình huống vô hiệu biểu quyết khi các cổ đông “cơm không lành, canh chẳng ngọt”?
Hoàng Hà
————————
Đầu tư Chứng khoán (Chứng khoán) 21-02-2017:
(58/1.610)