(HQ)- Trong khi chờ Chính phủ phê duyệt 50 nghị định về điều kiện kinh doanh (lẽ ra phải phê duyệt từ 1-7 theo Luật Đầu tư 2014), một số chuyên gia còn đưa ra quan điểm cần bãi bỏ một số điều kiện kinh doanh XK gạo đang làm méo mó thị trường trong Nghị định 109/2010/NĐ-CP.
Bỏ!
Chính phủ hiện có chủ trương hỗ trợ, ưu tiên cho DN nhỏ và vừa, thậm chí còn đang xây dựng Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa với quy định nghiêm cấm cơ quan, tổ chức “ban hành quy định phân biệt đối xử về điều kiện kinh doanh, thực hiện thủ tục hành chính, tiếp cận các nguồn lực dựa trên các tiêu chí về quy mô kinh doanh, trừ khi các quy định này được luật quy định. |
Từ hơn 200 rút xuống còn 80 DN, có lẽ đây được coi là thành công của Nghị định 109 khi “dẹp loạn” thị trường lúa gạo với sự cạnh tranh gay gắt của các DN. Tuy nhiên, từ lúc “chào đời” đến nay, Nghị định này vẫn không được sự đồng tình của DN cũng như giới chuyên gia.
Mấu chốt của Nghị định 109 là muốn được cấp giấy phép XK, DN phải đáp ứng các tiêu chí: Phải có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc; một cơ sở xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ; kho chứa, cơ sở xay, xát phải thuộc sở hữu của DN và phải nằm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thóc, gạo hàng hóa XK hoặc có cảng biển quốc tế có hoạt động XK thóc, gạo. Ngay lập tức, hàng loạt DN bị loại khỏi “cuộc chơi” do không đáp ứng được điều kiện này. Theo phản ánh của các DN, để đáp ứng được điều kiện mà Nghị định đưa ra, DN phải bỏ ra khoảng 20 đến 25 tỷ đồng đầu tư- đây là số tiền không nhỏ. Nếu không đáp ứng được, DN buộc phải rời bỏ thị trường, hoặc tìm cách sáp nhập, thầu phụ và bán lại cho DN khác có quyền XK.
Chưa hết, nhiều DN đã rơi vào tình trạng “dở khóc dở cười” khi phải hủy hợp đồng dù đã mất bao nhiêu công sức đi đàm phán. Trường hợp của Công ty CP TM SX Viễn Phú ở Cà Mau hay DN tư nhân Cỏ May ở Đồng Tháp có lẽ không còn là cá biệt. Mặc dù đã được tháo gỡ bằng cách cho thí điểm XK trong thời hạn 1 năm, hay dài hơn song thực tế này đang cho thấy bất cập, DN bị hạn chế hạn chế kinh doanh.
Ngoài ra, sự độc quyền, hạn chế cạnh tranh còn thể hiện ở quy định, DN phải đăng ký hợp đồng XK tại Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA). Với quy định này, ông Đặng Quang Vinh, thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận xét: “Quy định pháp luật này đã tạo ra một cấu trúc thị trường, một môi trường kinh doanh không bình đẳng. Ngoài chuyện tạo ra rào cản cho DN nhỏ tham gia thị trường, còn tạo ra sự bất bình đẳng giữa các DN lớn với nhau”. Ông Vinh phân tích, DN khó khăn đi kiếm hợp đồng sau đó lại phải khai báo (số lượng, giá cả, thời gian xuất) với VFA nhưng lãnh đạo cao nhất của VFA không phải ai khác chính là Tổng công ty Lương thực miền Nam và Tổng công ty Lương thực miền Bắc- đối thủ của chính DN phải khai báo. Hai tổng công ty này được trao “quyền sinh quyền sát” như một cơ quan Nhà nước, tức là cho hoặc không cho DN XK.
Bình luận thêm về Nghị định 109, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, Nghị định 109 đặt ra điều kiện về quy mô, đòi hỏi DN phải thỏa mãn điều kiện này mới được phép kinh doanh, hệ quả là làm loại bỏ DN nhỏ và vừa, DN làm ăn tốt, DN có tiềm năng. “DN lớn hay nhỏ không đồng nghĩa với tốt hay không tốt, làm ăn hiệu quả hay không hiệu quả. Ở đây có vấn đề lợi ích nhóm, nhờ lobby mà được tạo cơ chế ưu đãi, độc quyền”, ông Đức nói. Vị này kiến nghị bãi bỏ hàng điều kiện kinh doanh trong Nghị định 109 để đảm bảo bình đẳng giữa tất cả các loại hình, sở hữu và quy mô DN, không để họ mất cơ hội và quyền lợi đáng được hưởng so với DN lớn.
Để thị trường tự sàng lọc
Theo lý của Bộ Công Thương, Nghị định 109 ra đời để thiết lập hành lang pháp lý khắc phục các bất cập, hạn chế trong hoạt động kinh doanh XK gạo, sàng lọc, định hướng thương nhân đầu tư lâu dài phục vụ kinh doanh XK gạo; gắn trách nhiệm của thương nhân với việc tiêu thụ lúa gạo cho người sản xuất, góp phần khắc phục tình trạng “được mùa, rớt giá”. Ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) cũng cho rằng, không có Nghị định 109 thì DN sẽ làm ăn theo kiểu mua đứt bán đoạn, đồng thời Việt Nam không thể làm được thương hiệu gạo.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Đức khẳng định: “Câu chuyện của cơ chế độc quyền, nếu được giải thích như vậy đều đúng. Làm như vậy, cơ quan quản lý sẽ dễ quản, dễ “túm thằng có tóc”. Nhưng tư duy đó là phi thị trường, làm méo mó thị trường. Phải để DN cạnh tranh càng nhiều càng tốt. “Nhiều như vậy thì quản như thế nào”, lúc đó mới cần đến vai trò của cơ quan quản lý. Phải tạo điều kiện bình đẳng cho DN chứ không thể “lái” theo kiểu lợi ích nhóm, độc quyền”.
Trên thực tế, từ khi có Nghị định 109, tình trạng giá giảm, bị cạnh tranh gay gắt, thậm chí là DN còn trộn gạo để bán… vẫn liên tiếp xảy ra khiến cho các cơ quan quản lý liên hồi phải đưa ra cảnh báo. Một vài DN XK có quyền chi phối thị trường nên xuất hiện câu chuyện DN cứ ký hợp đồng bất kể giá thấp hay cao, sau đó họ mua lại gạo trong nước với giá thấp và giữ lại một khoản lợi nhuận nhất định cho họ. Nếu vẫn giữ tư duy này trong nền kinh tế thị trường thì DN sẽ khó sống. Vì thế, giới chuyên gia đề xuất, hãy để các DN tự cạnh tranh, để thị trường tự sàng lọc. Nền kinh tế thị trường chỉ “dung nạp” những DN làm ăn hiệu quả, kinh doanh tốt.
Phan Thu
——————
Hải quan (Kinh tế) 31-10-2016:
https://haiquanonline.com.vn/nghi-dinh-1092010nd-cp-meo-mo-thi-truong-gao-51532.html
(257/1.217)