1.229. VIAC công bố Quy tắc tố tụng trọng tài

(DĐDN) – Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức Lễ công bố Quy tắc tố tụng trọng tài VIAC 2017 từ 9h00 – 11h00 tại Hội trường 1, tòa nhà VCCI, số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.

Toàn cảnh Lễ công bố Quy tắc tố tụng trọng tài của VIAC

Tham dự Lễ công bố có ông Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC); Bà Nguyễn Thị Mai – Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp; Ông Vũ Ánh Dương – Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam; cùng các đại biểu đến từ cơ quan nhà nước, chuyên gia, hiệp hội, doanh nghiệp, luật sư…

Ông Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phát biểu khai mạc.

Phát biểu khai mạc, ông Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho biết, công cuộc cải cách kinh tế của Việt Nam đang đến hồi khẩn trương và quyết liệt. Trong nhiệm kỳ mới này, Chính phủ đã đưa ra thông điệp: Kiến tạo – Liêm chính – Hành động, và từng bước một Chính phủ đang thực hiện phương châm được thể hiện trong thông điệp này.

Theo nhìn nhận của VIAC, công cuộc cải cách kinh tế sẽ bị chậm lại nếu không có tư pháp. Ví dụ: Nghị quyết 19 của Chính phủ năm 2014 không có một đoạn nào đề cập đến cải cách tư pháp, không có vai trò của tòa án và viện kiểm soát. Sau 3 năm, ở Nghị quyết 19 năm 2017, số lượng chủ thể đã tăng lên, Nghị quyết đã đề cập Tòa án NDTC, Viện kiểm soát NDTC nhằm đẩy mạnh cải cách tư pháp.

Ông Huỳnh khẳng định: “Việc đưa thêm chủ thể vào Nghị quyết 19 năm 2017 cho thấy Chính phủ đã nhìn thấy cải cách kinh tế phải đi liền với cải cách tư pháp”.

Cũng theo ông Huỳnh, trong suốt 20 năm qua, VIAC đã luôn song hành cùng VCCI, cùng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, luật sư, cơ quan quản lý nhà nước để luôn cải thiện, hoàn thành nhiệm vụ theo tinh thần minh bạch – hoàn thiện – hiệu quả.

Trong số hàng ngàn vụ đã được xử lý, mấy trăm vụ được xét xử, VIAC tự hào bởi chưa có bất cứ một vụ nào có dấu hiệu nhũng nhiễu từ bộ máy ban thư ký VIAC hay tham nhũng từ các trọng tài viên.

“Chúng tôi rất mong các cơ quan báo chí tiếp tục theo dõi, lắng nghe và quan sát chúng tôi như chúng tôi đang hoạt động trên bàn tay cuả các bạn”. – ông Huỳnh nói.

Phần trình bày ĐẦU TIÊN về Những điểm mới của Quy tắc VIAC 2017 đến từ ông Phan Trọng Đạt, Phó Tổng Thư ký VIAC; Thành viên Viện Trọng tài London (MCIArb).

Trong bài trình bày của mình, ông Phan Trọng Đạt đã nhấn mạnh những điểm mới nổi bật trong Quy tắc, đó là Điều 6: Tranh chấp từ nhiều hợp đồng, Điều 15: Gộp nhiều vụ tranh chấp vào một vụ tranh chấp và Điều 37; Điều 37: Thủ tục rút gọn.

Ông Phan Trọng Đạt, Phó Tổng Thư ký VIAC; Thành viên Viện Trọng tài London (MCIArb)

Ông Phan Trọng Đạt cho biết Quy tắc VIAC 2017 là quy tắc trọng tài đầu tiên tại Việt Nam ra đời đáp ứng sự thay đổi của quy định pháp luật tại Nghị quyết 01/2014/HĐTP/TANDTC ngày 22 tháng 03 năm 2014 liên quan tới việc gộp các quan hệ pháp luật vào giải quyết chung trong một vụ tranh chấp.

Với các quy định hoàn toàn mới tại Điều 6 và Điều 15 Quy tắc VIAC 2017, các tranh chấp phát sinh từ nhiều quan hệ pháp luật đã có thể được gộp vào để giải quyết trong một vụ tranh chấp theo các quy định của pháp luật, giúp tiết kiệm từ 15%-37% phí trọng tài, giảm tối đa thời gian theo kiện của các bên (trước đây phải tham gia song song các vụ kiện tương tự nhau, nay chỉ cần tham gia 01 vụ kiện gộp) từ đó tiết kiệm được thêm các chi phí thuê luật sư, chi phí đi lại và các phí tổn khác cho doanh nghiệp.

“Cả hai Điều 6 và Điều 15 sẽ giúp cho doanh nghiệp có thể gộp nhiều vụ tranh chấp vào một vụ, giảm được những chi phí không cần thiết như thời gian và phí tổn cho việc theo kiện. Ví dụ trong lĩnh vực xây dựng, hợp đồng bảo hiểm, tài chính… – các lĩnh vực mà có nhiều quan hệ pháp luật đan xen nhau. Việc gộp vào một vụ giúp cho việc tìm ra bản chất pháp lý của sự việc để giải quyết” – ông Phan Trọng Đạt nhấn mạnh.

Một điểm nổi bật nữa được thể hiện ở Điều 37: Thủ tục rút gọn. Theo ông Đạt, thời gian giải quyết tranh chấp luôn là một trong những điểm sáng trong giải quyết tranh chấp tại VIAC, trong năm 2016, VIAC tiếp tục giữ vững tốc độ trung bình giải quyết tranh chấp là 153.6 ngày/vụ tranh chấp. Tại Quy tắc VIAC 2017, VIAC bổ sung Thủ tục trọng tài quyết nhanh – Thủ tục rút gọn (Expedited Procedure) tại Điều 37.

Điều khoản trọng tài mẫu áp dụng cho thủ tục rút gọn nêu rõ: “Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết bằng trọng tài tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) theo quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm này. Các bên thỏa thuận rằng tố tụng trọng tài sẽ được tiến hành theo Thủ tục rút gọn quy định tại Điều 37 của Quy tắc tố tụng trọng tài của VIAC”.

Thủ tục trọng tài rút gọn theo ông Đạt là hứa hẹn sẽ tiếp tục rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp tại VIAC, đặc biệt là đối với các vụ việc có tình tiết đơn giản; hồ sơ chứng cứ gọn nhẹ, điển hình là các tranh chấp trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, bảo hiểm, mua bán hàng hóa.

Theo Quy tắc mới Hội đồng Trọng tài gồm Trọng tài viên duy nhất; Trung tâm hoặc Hội đồng Trọng tài có thể rút ngắn bất kỳ thời hạn nào. Hội đồng Trọng tài căn cứ vào tài liệu và chứng cứ hiện có để tiến hành phiên họp giải quyết tranh chấp mà không cần sự có mặt của các bên…

“Với đội ngũ trọng tài viên là các chuyên gia hàng đầu trong hầu hết các lĩnh vực của hoạt động thương mại, và Ban Thư ký chuyên nghiệp, có nhiều kinh nghiệp trong hỗ trợ điều phối quá trình tố tụng, VIAC tự tin vận hành Thủ tục rút gọn giải quyết tranh chấp nhanh chóng mà vẫn đảm bảo chất lượng của quá trình” – ông Đạt khẳng định.

Cũng theo ông Đạt, các quy tắc tố tụng VIAC 2017 sẽ chính thức được thực hiện từ 1/3/2017.

Từ trái qua phải: Ông Vũ Ánh Dương – Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam; Ông Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC); Bà Nguyễn Thị Mai – Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp.

Trong phần THỨ HAI của lễ công bố, các chuyên gia, doanh nghiệp và luật sư đã có những trao đổi thẳng thắn về tính ứng dụng của Quy tắc VIAC 2017 trong thực tiễn giải quyết tranh chấp.

Liên quan đến tranh chấp trong lĩnh vực bảo hiểm, ông Khúc Hoàng Duy – Đại diện Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết: “Đã có những đơn vị, doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội Bảo hiểm tìm đến Trung tâm trọng tài VIAC để giải quyết tranh chấp bảo hiểm với mức thời gian tương đối ngắn. Có trường hợp chỉ mất khoảng 30 ngày. Tuy nhiên, tôi cũng được biết, để có thể giải quyết trong thời gian ngắn như vậy, doanh nghiệp bảo hiểm và khách hàng phải ngồi lại với nhau để thảo ra một thỏa thuận chi tiết về các bước trong quá trình giải quyết tranh chấp, dù là ban thư ký VIAC hỗ trợ rất nhiệt tình. Nhưng cá nhân tôi cho rằng như vậy vẫn tốn khá nhiều thời gian”.

Cũng theo ông Duy: “Sau khi nghe trình bày của ông Đạt, quy tắc mới có thủ tục rút gọn thì như vậy những vụ tranh chấp trong lĩnh vực bảo hiểm có thể áp dụng quy tắc rút gọn này mà không cần thực hiện các bước thỏa thuận như tôi vừa nói không?”.

Trả lời câu về bảo hiểm, ông Phan Trọng Đạt, Phó Tổng Thư ký VIAC; Thành viên Viện Trọng tài London (MCIArb) cho biết, với quy định tại điều 37 quy tắc mới của VIAC, chúng tôi tin sẽ giải quyết được băn khoăn của ông. Chi tiết như sau: Ở khoản 2 điều 37 quy định Hội đồng trọng tài có thể tự động thực hiện chế độ giải quyết tranh chấp thông qua các phương tiện video conference và teleconference, trừ khi có sự phản đối của một bên.

Với trường hợp một bên tham gia không có động thái hợp tác và không phản hồi giải quyết tranh chấp thì Hội đồng trọng tài vẫn tiến hành giải quyết tranh chấp theo chế độ tự động như trên.

Ông Nguyễn Đức Mạnh – Luật sư thành viên Công ty Luật TNHH Bizlink khẳng định: Những bản phán quyết của VIAC luôn được đánh giá cao bởi có sự uy tín và công tâm. Bản thân cũng là người tham gia nhiều cuộc giải quyết tranh chấp, ông Mạnh nhận thấy, quy tắc tố tụng trọng tài 2017 có nhiều điểm mới tích cực, đặc biệt là quy định tại điều 6, điều 15 và điều 37.

Ông Nguyễn Đức Mạnh – Luật sư thành viên Công ty Luật TNHH Bizlink

Cụ thể, tại điều 6 phản ánh quy định tại Nghị quyết 01/2014/HĐTP cho phép gộp nhiều vụ việc nếu phía các đơn vị xảy ra tranh chấp đồng ý hoặc quy tắc của trung tâm cho phép, tôi nhận thấy đây là điểm rất tích cực. Bởi nếu lấy ví dụ về vụ việc giữa hai doanh nhiệp xuất khẩu ký kết nhiều hợp đồng, trong đó có 5 hoặc 10 hợp đồng đều có tranh chấp.

Nếu trước đây, trong khoảng từ tháng 7/2014 tới nay, phải tách từng hợp đồng theo từng vụ việc và mỗi vụ việc lại có một hội đồng trọng tài riêng, sẽ gây mất rất nhiều thời gian và chi phí; thì với quy định tại điều 6, điều 15 quy tắc VIAC năm 2017 đã có thể giải quyết được điều này.

Về điều 37 yêu cầu thủ túc rút gọn, có quy định mới, các bên có thể giải quyết tranh chấp, không cần đến trụ sở trung tâm mà có thể thông qua video conference và teleconference và nhiều phương tiện khác, đây là điểm lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài.

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Trần Hữu Huỳnh cho biết, phương thức giải quyết qua kết nối video conference và teleconference đã được VIAC áp dụng trước đó và đang từng bước hoàn thiện giúp tiết kiệm chi phí và thời gian.

Ở một góc độ khác, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, Quy tắc tố tụng trọng tài 2017 đã giải quyết được rất nhiều vấn đề của lĩnh vực ngân hàng. Đối với hoạt động ngân hàng rất hay có người thứ 3 tham gia vào các vụ tố tụng, nếu các bên tham gia không đồng lòng thì sẽ rất khó giải quyếtn được các vụ tranh chấp thành công.

Luật sư Trương Thanh Đức

Với Điều 6, Điều 15 đã mở ra cánh cửa rộng rãi có thể đưa ra giải quyết tranh chấp trọng tài. Với việc gộp nhiều quan hệ pháp luật tranh chấp để giải quyết trong cùng một vụ kiện được thực hiện là điều rất tốt. Trước đấy việc gộp này có thể có nhưng vì chưa có quy tắc nên mọi người rất ngại thực hiện.

“Một điểm rất hay của Quy tắc mới là thêm cơ hội một lựa chọn cho đương sự. Điểm hay thể hiện là khi chọn Toà án để giải quyết thì không chọn được Toà trọng tài nhưng ngược lại khi chọn Toà trọng tài thì vẫn có thể đưa lên Toà án giải quyết. Thêm nữa, trong lĩnh vực ngân hàng của chúng tôi có rất nhiều vụ và rất phức tạp thì với sự chuyên nghiệp trong chi phí, thời gian và quy tắc cả trong và ngoài nước của Quy tắc tố tụng trọng tài 2017 đã giải quyết được nhiều vấn đề cho lĩnh vực này”. – ông Đức nhấn mạnh.

 Ông Nguyễn Quý Tỵ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, nguyên Chánh án Tòa án NDTC Hà Nội, Trọng tài viên VIAC

Ông Nguyễn Quý Tỵ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, nguyên Chánh án Tòa án NDTC Hà Nội, Trọng tài viên VIAC cho rằng, các đương sự thường thích Toà trọng tài kinh tế nhà nước.

“Hoan nghênh Trung tâm trọng tài quốc tế VIAC đã nhanh chóng sửa đổi quy tắc tố tụng trọng tài phù hợp, linh hoạt và tạo điều kiện cho các đương sự. Việc sửa đổi này là cần thiết, khi doanh nghiệp đến với Toà trọng tài ngoài mong muốn được giải quyết nhanh chóng thì cũng yêu cầu phải khách quan trong các vụ việc. Việc sủa đổi điều mới 37 là vô cùng cần thiết, đáp ứng yêu cầu của đương sự”. – ông Tỵ nói.

Luật sư Bùi Văn Thành khẳng định: “Với văn phòng luật sư chúng tôi luôn làm hết sức tạo mọi điều kiện thuận lợi và giải quyết tốt các vụ tranh chấp. Chúng tôi có nhiều lần tham gia tại Toà trọng tài, rất nhiều lần tư vấn và chỉ định cho doanh nghiệp chọn VIAC làm toà án. Thậm chí đấu tranh với luật sư nước ngoài chọn VIAC để ký các hợp đồng với nhà đầu tư nước ngoài”.

Luật sư Bùi Văn Thành

Điểm tâm đắc của luật sư Thành với Toà trọng tài là minh bạch trong công tác giải quyết các tranh chấp. Trong quá trình để giải quyết hiệu quả đã đưa ra các quy tắc tố tụng trọng tài. “Rõ ràng thủ tục rút gọn rất tốt cho doanh nghiệp. Có những doanh nghiệp ký tới mười mấy hợp đồng trong một ngày, với cùng với tính chất hợp đồng như vậy thì nếu gộp sẽ giúp rất tốt, tiết kiệm rất nhiều thời gian”. – ông Thành nói.

Tuy nhiên, ông Thành vẫn còn băn khoăn bởi trong danh sách trọng tài chưa có một trọng tài viên nào tinh thông tiếng Trung Quốc, không biết trong thời gian sắp tới có bổ sung vào hay không?

Về vấn đề này, luật sư Trần Hữu Huỳnh trả lời: Trong danh sách trọng tài viên VIAC tuy chưa có trọng tài viên quốc tịch Việt Nam nói tiếng Trung Quốc nhưng đã có trọng tài quốc tịch Trung Quốc để các bên có thêm lựa chọn.

Ông Dư Cao Kiên – Công ty luật Baker Mckenzie

Ông Dư Cao Kiên – Công ty luật Baker Mckenzie đặt câu hỏi: Bộ luật tố tụng năm 2015 trước đó cũng đã có quy định về quy tắc rút gọn như là một điểm mới có tính cải cách, đến nay bộ quy tắc tố tụng trọng tài 2017 cũng có quy định về thủ tục rút gọn tại điều 37. Vậy những luật sư như chúng tôi – những người làm việc trực tiếp trong các vụ tranh chấp có thể kỳ vọng điểm gì khác biệt hơn ở thủ tục rút gọn theo quy tắc mới của VIAC?

Trả lời vấn đền này, ông Phan Trọng Đạt cho biết, Luật tố tụng 2015 cũng có quy định về rút gọn nhưng cũng đặt ra yêu cầu là cần trải qua 3 điều kiện mới có thể áp dụng. Tuy chưa có thống kê trường hợp cụ thể, nhưng nhìn chung được đánh giá là khó, “vất vả” để có thể đáp ứng. Trong khi đó, quy tắc tố tụng 2017 của VIAC chỉ có một điều kiện để áp dụng quy tắc rút gọn là các bên thỏa thuận sử dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp của mình.

Bên cạnh đó, bộ luật tố tụng dân sự là bộ luật chung áp dụng với nhiều loại tranh chấp thuộc nhiều lĩnh vực do đó thời hạn để áp dụng thực hiện qua nhiều đơn vị liên quan còn dài; trong khi đó thủ tục rút gọn tại điều 37 quy tắc trọng tài VIAC 2017 được thiết kế riêng để giải quyết tranh chấp thương mại. Đặc biệt, các trọng tài viên của VIAC hiện nay đã sẵn sàng để tiến hành và vận dụng cơ chế rút gọn ngay thời gian tới. Nên chúng tôi tự tin rằng thủ tục rút gọn tại điều 37 quy tắc VIAC 2017 sẽ là lựa chọn hiệu quả của doanh nghiệp khi có tranh chấp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Quang cảnh Lễ công bố

Còn theo Luật sư Đào Ngọc Chuyền, trong bộ quy tắc tố tụng trọng tài năm 2017 đã đưa ra được nhiều điểm mới, điểm “sáng” trong giải quyết tranh chấp như: gộp quan hệ tranh chấp, gộp nhiều vụ tranh chấp với cùng doanh nghiệp, quy tắc rút gọn và nhiều phương thức mới đã được đưa ra và quy định bằng văn bản cụ thể.

Theo LS Chuyền, những điểm mới này cần được lan tỏa và phát huy tác dụng thông qua các đối tượng như chủ thể đến với VIAC, những người đi kiện và những người như luật sư.

LS Chuyền cũng đề nghị VIAC phối hợp với các đoàn luật sư triển khai sớm quy tắc này. Tổ chức các buổi tương tự như hôm nay để bộ quy tắc này đến được với các luật sư – những người tiếp xúc trực tiếp với các chủ thể có tranh chấp.

Cán bộ pháp chế Công ty Kiểm toán 319 đặt câu hỏi: Trong quá trình bị đơn đã ký vào cam kết pháp lý nhưng vẫn cố tình trây ì với nguyên đơn thì Toà trọng tài sẽ phải giải quyết như thế nào?

LS Trần Hữu Huỳnh cho biết: Các bên phải theo trọng tài đến cùng các pháp quết của trọng tài. Trường hợp nếu một bên không tuân thủ thì quá trình trọng tài vẫn được tiến hành. Một quá trình trọng tài diễn ra phù hợp thì phán quyết trọng tài có hiệu lực tương đương với bản án có hiệu lực của tòa.

Liên quan đến việc bị đơn trây ì, thì đây có lẽ là vấn đề mà cả hệ thống thi hành án và chính các nguyên đơn dù sử dụng phương thức trọng tài hay tòa án đều phải cân nhắc ngay từ khi quyết định khởi kiện.

Bà Nguyễn Thị Mai – Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp

Bà Nguyễn Thị Mai – Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp khẳng định: Nếu nói tới hoạt động trọng tài ở Việt Nam thì không thể không nhắc tới VIAC. Trong bối cảnh Chính phủ đang cải cách thủ tục hành chính, cải thiện đầu tư, môi trường kinh doanh thì VIAC nổi lên như là một điểm sáng và là tổ chức đáng tin cậy, minh bạch trong giải quyết các tranh chấp.

Trong 2016 không có phán quyết nào của VIAC bị huỷ. Và chính điều này đã tạo lập được niềm tin và trở thành địa chỉ đáng tin cậy cho giới kinh doanh đầu tư. Với bộ quy tắc tố tụng năm 2017 được công bố hôm nay với việc chỉ có 3 điểm mới nhưng lại rất cơ bản và mang tính đột phá rất nhiều.

“Chúng tôi cho rằng quy tắc này giống như đạo luật trong luật tố tụng và đã đưa quy tắc VIAC đang áp dụng gần với quy tắc quốc tế của Hồng Kong, ICC,… Trong bối cảnh ngày 6/2/2017 vừa qua đã có Nghị quyết 19 thì sự ra đời của Quy tắc này là sự ủng hộ rất thực tiễn và kịp thời đối với quyết sách của Chính phủ. Bản thân tôi cũng đánh giá rất cao và cũng hy vọng với những cải tiến thuận tiện như cải cách nhiều hơn, quy trình gọn hơn, với đội ngũ trọng tài viên tốt hơn thì sẽ tiếp tục thành công hơn trong thời gian tới. Qua quá trình làm việc, các toà án của Singapore, Hồng Kong… đánh giá cao đội ngũ trọng tài của VIAC và VIAC đã thể hiện vai trò có thể đương đầu giải quyết tranh chấp cả trong nước và quốc tế”. – bà Mai nhấn mạnh.

Hiền Phương – Ngọc Hằng – Hoàng Sang

—————————–

Diễn đàn Doanh nghiệp (Pháp luật) 22-02-2017:

http://enternews.vn/viac-cong-bo-quy-tac-tung-trong-tai.html

(258/3.642)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.392. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao. (TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.910. Giải pháp nào để người dân "bình tĩnh"...

Giải pháp nào để người dân "bình tĩnh" với vàng? (CAND) - Dù liên...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 232,041