1.230. Kiểm soát tài sản tư: Sẽ làm giảm nhiệt huyết của doanh nhân?

(ĐBND) – Thanh tra Chính phủ đang lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Theo đó, người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý của các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư cũng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập. Nhiều ý kiến cho rằng quy định này không phù hợp và sẽ làm giảm nhiệt huyết của cộng đồng doanh nhân.

Không nên đánh đồng

Điểm mới của Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) là đã mở rộng phạm vi điều chỉnh sang khu vực ngoài Nhà nước. Theo Điều 112 của Dự thảo, các quy định về minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập được áp dụng với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư. Cụ thể, những người giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị, thành viên Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, Trưởng ban kiểm soát, Kế toán trưởng của công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập. Doanh nghiệp phải ban hành quy định việc kê khai tài sản, thu nhập và kiểm soát tài sản, thu nhập của những người giữ các chức danh nói trên và những người giữ chức vụ quản lý khác.

Nguồn: vietq.vn

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tỏ ra lo ngại với quy định này. Ông phân tích: trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp đã được quy định tại Luật Doanh nghiệp và các luật chuyên ngành. Họ cũng chịu sự giám sát, kiểm tra của hội đồng thành viên, Hội đồng Quản trị, ban kiểm soát, đại hội đồng cổ đông… Nếu họ có sai phạm, các thể chế đó sẽ phát hiện mà không cần Nhà nước phải can thiệp. Các cơ quan thuế, thanh tra cũng sẽ thanh tra doanh nghiệp khi cần thiết. Còn về tính khả thi, quy định này sẽ làm cho đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập tăng lên, lực lượng nào sẽ kiểm tra, giám sát họ thực hiện? Đó là chưa kể, rất có thể quy định này sẽ nảy sinh tình trạng nhũng nhiễu, gây khó dễ cho người quản lý doanh nghiệp.

Theo Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hóa An Đinh Lê Chiến, hiện nay doanh nghiệp ngoài nhà nước đã được kiểm tra, kiểm soát thông qua các công cụ thuế. Chẳng hạn, doanh nghiệp phải đóng 20% thuế từ lợi nhuận thu được hoặc các cổ đông phải đóng 5% thuế từ cổ tức. Nếu trốn thuế, lãnh đạo và quản lý doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. “Như vậy, cơ chế quản lý đã rất rõ ràng, bây giờ lại đòi hỏi chúng tôi phải kê khai tài sản như cán bộ, công chức nhà nước là không phù hợp. Không nên có sự đánh đồng doanh nhân với quan chức như vậy. Nếu quy định được thông qua sẽ làm giảm nhiệt huyết của doanh nhân chúng tôi”, ông Chiến nói.

Một số đại diện doanh nghiệp phân tích, Dự thảo quy định người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập phải kê khai bổ sung khi có biến động tài sản, thu nhập tăng thêm có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên cũng chưa phù hợp. Bởi lẽ, nhiều người trong số đó tham gia thị trường chứng khoán, giá trị tài sản dao động hàng ngày, thậm chí lên tới hàng tỷ đồng và đôi khi chính người trong cuộc cũng không thể nắm rõ sự biến động tài sản đó.

Tập trung vào khu vực Nhà nước

Ban soạn thảo Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) cho biết, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với các tổ chức ngoài khu vực Nhà nước là nhằm ngăn ngừa hành vi tham nhũng, hối lộ, môi giới hối lộ…

Tuy nhiên, theo các chuyên gia về luật và đại diện doanh nghiệp, yêu cầu kê khai tài sản, thu nhập để phòng, chống tham nhũng chỉ nên tập trung vào cơ quan công quyền, trực tiếp là những người ra quyết định, chính sách công và lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp nhà nước. Luật sư Trương Thanh Đức – Trưởng Ban Tư vấn và phản biện chính sách, Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD) cho rằng, việc buộc lãnh đạo, quản lý các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư phải kê khai tài sản, thu nhập sẽ tạo ra sự phân biệt đối xử. “Nếu muốn xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, phi tham nhũng trong doanh nghiệp thì tại sao chỉ buộc những chức danh nói trên phải kê khai tài sản, thu nhập mà không áp dụng với chức danh tương tự ở các doanh nghiệp khác? Trong khi theo quy định, ở ba loại doanh nghiệp này đã phải thực hiện theo nhiều quy định riêng về công khai, chặt chẽ đối với quản trị, điều hành và chế độ thông tin, báo cáo… Do vậy, cần bỏ quy định này. Nếu có, chỉ nên công khai doanh nghiệp/chủ doanh nghiệp này nộp bao nhiêu thuế để dư luận xã hội cùng biết, tránh tình trạng doanh thu hàng nghìn tỷ nhưng nộp thuế rất ít là có vấn đề”, ông Đức lập luận.

Còn ông Đinh Lê Chiến thì cho rằng, muốn tham nhũng phải có chức quyền. Đối với doanh nhân ở các doanh nghiệp ngoài Nhà nước thì điều này rất khó xảy ra vì họ chịu sự kiểm soát, giám sát của nhiều đơn vị ngay trong chính doanh nghiệp. Do vậy, thay vì yêu cầu kê khai tài sản, thu nhập, Nhà nước cần kiểm soát họ chặt chẽ hơn trong việc thực thi các chính sách thuế, tránh tình trạng né thuế, trốn thuế.

Vũ Thủy

——————

Đại biểu Nhân dân (Kinh tế) 02-8-2016:

http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=75&NewsId=376069

(195/1.045)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,784