(DĐDN) – Xét xử trực tuyến là một trong những điểm mới nổi bật vừa được Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) công bố trong Quy tắc tố tụng trọng tài 2017, sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/3/2017.
VIAC tự hào trong hàng ngàn vụ xử lý tranh chấp chưa có bất cứ một vụ nào có dấu hiệu, hay nhận được phản ánh là có nhũng nhiễu từ bộ máy ban thư ký VIAC hay tham nhũng từ các trọng tài viên – LS Trần Hữu Huỳnh khẳng định.
Theo LS Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch VIAC, nhanh chóng, hiệu quả, ít tốn kém là những đòi hòi của cộng đồng DN trong hoạt động xét xử tranh chấp thương mại. Chính vì vậy, trong suốt 20 năm qua, VIAC đã luôn song hành cùng VCCI, cùng cộng đồng DN Việt Nam, lắng nghe ý kiến của DN, luật sư, cơ quan quản lý nhà nước để luôn cải thiện, hoàn thành nhiệm vụ theo tinh thần minh bạch – thân thiện – hiệu quả.
Sự tiên phong của Quy tắc VIAC 2017
Khi nói về những điểm mới của Quy tắc VIAC 2017 ông Phan Trọng Đạt – Phó Tổng Thư ký VIAC cho biết, đây là quy tắc trọng tài đầu tiên tại Việt Nam ra đời đáp ứng sự thay đổi của quy định pháp luật liên quan tới việc gộp các quan hệ pháp luật vào giải quyết chung trong một vụ tranh chấp.
Với các quy định hoàn toàn mới của Quy tắc VIAC 2017, Điều 6: gộp tranh chấp từ nhiều hợp đồng, Điều 15: Gộp nhiều vụ tranh chấp vào một vụ tranh chấp, các tranh chấp phát sinh từ nhiều quan hệ pháp luật đã có thể được gộp vào để giải quyết trong một vụ tranh chấp theo các quy định của pháp luật. Đây là những quy định từ trước đến nay chưa hề có trong hệ thống pháp luật liên quan đến tố tụng cả trọng tài và toà án ở Việt Nam.
Theo tính toán của VIAC, quy tắc mới sẽ giúp DN tiết kiệm từ 15%-37% phí trọng tài, giảm tối đa thời gian theo kiện của các bên từ đó tiết kiệm được thêm các chi phí thuê luật sư, chi phí đi lại và các phí tổn khác cho DN. Một điểm nổi bật nữa trong Quy tắc VIAC 2017 được thể hiện ở Điều 37: Thủ tục rút gọn. Mặc dù trong năm 2016, VIAC tiếp tục giữ vững tốc độ trung bình giải quyết tranh chấp là 153 ngày/vụ tranh chấp. Tuy nhiên, với thủ tục rút gọn tại Điều 37, thời gian giải quyết tranh chấp chắc chắn sẽ tiếp tục được giảm nhiều hơn nữa. Theo đó, việc rút gọn có thể được diễn ra ở mọi giai đoạn của quá trình giải quyết tranh chấp. Điều khoản này cũng cho phép các phiên xử có thể được giải quyết trực tuyến. Có nghĩa là các thành viên trong Hội đồng Trọng tài có thể ngồi ở Singapore, Nhật Bản, Anh… để xét xử trực tuyến một vụ việc tại Việt Nam. Thậm chí, việc xét xử có thể chỉ với 1 trọng tài viên miễn là các bên thoả thuận và chấp nhận giải quyết theo phương thức như vậy. Điều khoản trọng tài này được áp dụng khi các bên thỏa thuận rằng tố tụng trọng tài sẽ được tiến hành theo Thủ tục rút gọn quy định tại Điều 37 của Quy tắc tố tụng trọng tài của VIAC.
Khắc phục những bất cập
Quy tắc xét xử gộp nhiều tranh chấp vào một vụ việc ngoài điểm tích cực là cùng lúc giải quyết nhiều tranh chấp mà còn giải quyết những vướng mắc trong hoạt động của trong tài, thời gian qua. Theo LS Trương Thanh Đức – Giám đốc Cty Luật ANVI, trọng tài viên VIAC, Quy tắc tố tụng trọng tài 2017 đã giải quyết được rất nhiều vấn đề của lĩnh vực ngân hàng. Đối với hoạt động ngân hàng rất hay có người thứ 3 tham gia vào các vụ tố tụng. Đơn cử như hợp đồng vay thường liên quan tới hợp đồng thế chấp tài sản. Với toà án thì có thể làm giấy triệu tập người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan lên toà để giải quyết. Tuy nhiên, với trọng tài thì từ trước tới nay vẫn tắc vì nếu các bên tham gia không đồng lòng thì sẽ rất khó giải quyết được các vụ tranh chấp.
Điều 6, Điều 15 đã mở rộng cánh cửa để giải quyết các tranh chấp trọng tài liên quan đến lĩnh vực tài chính nói riêng, các tranh chấp có bên thứ ba nói chung. LS Đức cho biết, trước đấy việc gộp này có thể có nhưng vì chưa có quy tắc nên mọi người rất ngại thực hiện. Bên cạnh đó, một điểm rất mới của Quy tắc trọng tài VIAC 2017 là thêm cơ hội một lựa chọn cho đương sự. Điểm hay thể hiện là khi chọn khi chọn Toà trọng tài thì vẫn có thể đưa lên Toà án giải quyết. Thêm nữa, trong lĩnh vực ngân hàng có nhiều vụ rất phức tạp, với sự chuyên nghiệp của trọng tài viên và tiết kiệm về chi phí, thời gian sẽ giúp trọng tài có nhiều ưu thế.
Một nghiên cứu gần đây của các cơ quan tư pháp và toà án đã chỉ ra, số lượng DN quan tâm đến phương thực giải quyết tranh chấp bằng trọng tài đang tăng lên nhanh chóng. Cách đây 3 năm mới chỉ có 4% DN quan tâm đến phương thức này. Nhưng đến nay đã có 8% DN được hỏi cho rằng sẽ lựa chọn trọng tài.
Bá Tú
———————–
Diễn đàn Doanh nghiệp (Kinh doanh & Pháp luật) 24-02-2017:
http://enternews.vn/ngoi-o-singapore-xet-xu-tai-viet-nam.html
(308/1.005)