1.233. Xử lý tài sản bảo đảm: Khó khăn vẫn bủa vây

Hành lang pháp lý cho xử lý nợ xấu đang hẹp dần?

Để xử lý nợ xấu nhanh vấn đề mấu chốt là phải xử lý được tài sản bảo đảm (TSBĐ). Đó cũng là nội dung được các diễn giả tại Tọa đàm giải quyết các tranh chấp tín dụng tại toà án và xử lý TSBĐ do Hiệp hội NH Việt Nam, Tòa án Nhân dân tối cao và IFC phối hợp tổ chức cuối tuần qua.

Thực tế là hoạt động thu giữ, xử lý TSBĐ của các NH hiện gặp rất nhiều khó khăn. Luật sư Trương Thanh Đức đưa ra một thực tế đáng quan ngại: Trước nay xử lý nợ xấu nói chung, xử lý TSBĐ nói riêng không hề được hỗ trợ cả về luật, hay từ các cơ quan chức năng liên quan. Quy định ở các bộ luật về vấn đề này đều rất chung chung, khiến cho người thực hiện cảm giác không yên tâm, liệu có đúng theo quy định hay không, chưa kể có quy định đang đi ngược nguyên lý thị trường.

Hành lang pháp lý cho NH xử lý nợ xấu đang hẹp dần

Một quy định đã và đang ảnh hưởng rất nhiều đến việc thu hồi, xử lý TSBĐ của các NH đó là thay vì bảo vệ quyền chủ nợ lại đi bảo vệ quyền con nợ. Dù đã được kiến nghị sửa đổi nhiều lần trong nhiều năm nhưng tình hình chưa suy chuyển.

Hay như đối với vấn đề xử lý nợ xấu, theo vị luật sư trên, trong khi khung pháp lý chưa được hoàn thiện thì để xử lý số nợ xấu lớn như vậy cần có bộ luật hoặc đạo luật riêng để xử lý nợ xấu trong một số năm.

“Tuy vấn đề này cũng đã được đề cập đến khá nhiều từ khi VAMC được đưa vào hoạt động, nhưng nó lại tiếp tục bị quên lãng”, một diễn giả tỏ ra thất vọng về khung pháp lý cho xử lý nợ xấu.

Trao đổi với phóng viên Thời báo NH, ông Dương Thanh Minh – Phó chủ nhiệm CLB Pháp chế NH nêu ra nhiều khó khăn pháp lý của các TCTD đang gặp phải.

Ông Minh cho biết, theo quy định của pháp luật trước đây như Nghị định 178, Thông tư liên tịch 03 giữa Bộ Tư pháp và NHNN… thì TCTD có quyền chủ động trong việc thu giữ tài sản tạo điều kiện cho việc thu hồi vốn qua xử lý TSBĐ. Ngoài ra, các cơ quan chức năng hỗ trợ và thực hiện các biện pháp trong đó có cưỡng chế hành chính để thu hồi lại tài sản cho NH chủ động xử lý.

Tuy nhiên, các quy định ra đời sau lại không ủng hộ cho hoạt động thu giữ TSBĐ. Hiện nay TCTD phải chủ động thực hiện hoàn toàn việc thu giữ TSBĐ mà không có sự hỗ trợ của bất kỳ đơn vị nào khác. Nếu việc thỏa thuận với khách hàng xử lý TSBĐ khó khăn mà khung pháp lý lại không ủng hộ nữa thì chắc chắn việc giải quyết tranh chấp các hợp đồng tín dụng càng khó hơn, phức tạp hơn.

Nói như ông Minh nếu coi việc thu giữ TSBĐ là hành lang pháp lý cho NH xử lý nợ xấu thì hành lang này đang hẹp dần. Chánh tòa Tòa Kinh tế TAND TP. Hồ Chí Minh Phan Gia Quý cho biết, tỷ lệ hòa giải thành công giữa hai bên từ năm 2011 trở về trước khoảng 50%, nhưng thời điểm này chỉ được 20%.

Thiếu luật định, động sản hay bất động sản đều khó

Giáo sư Xuân Thảo Nguyễn – chuyên gia về giao dịch bảo đảm của IFC/WBG đưa ra đề xuất các TCTD nên giảm bớt tài sản thế chấp bằng bất động sản, thay vào đó là động sản.

Theo lý giải của Giáo sư thì liên quan đến đất đai, nhà cửa cũng khá nhạy cảm, nên ở Mỹ, Canada hay nhiều nước khác, họ chủ yếu dùng động sản để thế chấp khi vay. Hơn thế, do khung pháp lý ở Mỹ cũng như nhiều nước trên thế giới rất rõ ràng nên hiếm khi phải khởi kiện, các bên liên quan tôn trọng nhau và không ai muốn dắt nhau ra tòa cả.

Tuy nhiên, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, đề xuất này khó thực hiện tại Việt Nam. Bởi, ở nước ngoài người vay vốn chủ yếu không dùng tài sản thế chấp, độ tin tưởng của NH với người vay cao. Tại Mỹ, người vay có một đồng vốn họ chỉ vay thêm nhiều lắm 1 đồng nữa, nhưng ở Việt Nam thì có thể vay tới 10 đồng.

Chưa kể, độ tin cậy khách hàng vay vốn tại Việt Nam lại không cao. Nhiều tài sản thế chấp là động sản như kho hàng… mặc dù NH giám sát tương đối chặt vẫn bị khách hàng qua mặt, rút ruột tài sản thế chấp.

Do đó buộc các NH phải yêu cầu nhận thế chấp bằng bất động sản. Nếu số tiền vay lớn có thể NH phải nhận thêm cả động sản, lẫn nhà ở hình thành trong tương lai để đảm bảo khả năng thu hồi nợ cao, tránh thất thoát.

Ông Dương Thanh Minh cũng thừa nhận NH rất e ngại khi nhận thế chấp bằng động sản. Chỉ khi khách không còn tài sản nào thì NH mới chấp nhận cho thế chấp bằng động sản. Kinh nghiệm thực tiễn ở Việt Nam để nhận thế chấp bằng động sản đòi hỏi trình độ nhân sự cao mới thẩm định giá tài sản chính xác, mà chi phí thực hiện cũng cao…Vì vậy, TSBĐ của các NH vẫn là bất động sản.

Ông Minh cũng rất mong các bộ luật mới tạo hành lang pháp lý rộng hơn cho TCTD thực hiện nhận bảo đảm nợ bằng bất động sản có thể thu hồi nợ sớm, đẩy nhanh xử lý nợ xấu.

Ông Phan Gia Quý kiến nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC sớm có hướng dẫn giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng đối với các hợp đồng tín dụng có TSBĐ cho khoản vay là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Những tài sản này, bên thế chấp đang sử dụng làm nhà cho thuê thì không đưa những người thuê nhà tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án tín dụng.

Quy định của Bộ Luật Dân sự 2015 có nhiều điểm mới tiến bộ hơn, tiệm cận thông lệ quốc tế cũng như Việt Nam, nhưng nhiều chuyên gia không kỳ vọng vào sự hỗ trợ của bộ luật này đối với việc đẩy nhanh xử lý TSBĐ. Đơn cử, theo quy định tại Điều 301 tại Bộ Luật Dân sự năm 2015, trong trường hợp con nợ không bàn giao tài sản thì NH được quyền khởi kiện. Theo cách hiểu các NH, như vậy, thay vì được thực hiện các biện pháp xử lý thu hồi tài sản thì NH chỉ còn mỗi cách khởi kiện.

Chính quy định chung chung không rõ ràng như vậy, nên theo Luật sư Trương Thanh Đức sẽ có nhiều cách hiểu khác nhau dẫn đến khó thực hiện. Ông Đức cũng giải đáp băn khoăn trên, mặc dù quy định chỉ thực hiện khởi kiện khi con nợ không hợp tác, nhưng thực tế các NH vẫn được thực hiện quyền như trước đây.

Phó Chánh án TANDTC – TS. Nguyễn Thúy Hiền cũng cho rằng, để Bộ Luật Dân sự 2015 đi vào cuộc sống hiệu quả, tới đây Chính phủ nên có Nghị định hướng dẫn cụ thể hơn những quy định chưa được rõ, có sự thống nhất tránh tranh chấp không cần thiết.

Hà Thành

——————

TB Ngân hàng (Tài chính – Tiền tệ) 01-8-2016:

http://thoibaonganhang.vn/xu-ly-tai-san-bao-dam-kho-khan-van-bua-vay-51700.html

(389/1.421)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.392. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao. (TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Truy quét hàng giả cuối năm.

Truy quét hàng giả cuối năm. (NLĐ) - Các cơ quan chức năng sẽ tập trung...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,990