(ĐT) – Sau 14 tháng tiếp nhận, tổng hợp và sàng lọc các đề cử bình chọn quy định pháp luật tốt và quy định pháp luật kém, ngày 28/2, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố kết quả Cuộc bình chọn các quy định pháp luật năm 2016 với danh sách 30 quy định tốt và 30 quy định kém.
Những chính sách pháp luật ủng hộ hoạt động kinh doanh được doanh nghiệp đánh giá cao. Ảnh: Lê Tiên
Tiếp sức cải cách lập pháp
Đại diện cho Nhóm nghiên cứu của VCCI, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Ban Pháp chế thuộc VCCI cho biết, trong số 9.297 đề cử của 1.739 tổ chức, cá nhân, có 114 quy định tốt và 123 quy định kém. Sau khi tổng hợp và sàng lọc, Nhóm nghiên cứu của VCCI đã đưa ra danh sách ngắn 30 quy định được đề cử tốt và 30 quy định được đề cử kém. Danh sách ngắn được gửi tới 17 cơ quan chịu trách nhiệm chủ trì soạn thảo để lấy thêm thông tin, nhưng chỉ có 12 cơ quan có công văn phản hồi.
Trong số 30 quy định kém, tính tới tháng 12/2016, có 5 quy định đã được các bộ, ngành chủ động điều chỉnh, sửa đổi; 13 quy định đang được các bộ, ngành đưa vào chương trình xây dựng pháp luật để sửa đổi trong thời gian tới. Điều này cho thấy tác động tích cực của Cuộc bình chọn cũng như sự cầu thị, tiếp thu của các cơ quan nhà nước có liên quan.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, kết quả bình chọn đã phản ánh ý kiến và nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp, người dân cùng các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) nhận định: “Đây là một cú “tấn công” vào các quy định pháp luật nhiều rối rắm, phức tạp, mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập hiện nay của Việt Nam. Một việc nhỏ nhưng sẽ có tác động lớn đến tất cả người soạn thảo, thẩm định và ban hành văn bản pháp luật. Người ta sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn, suy nghĩ chín chắn hơn, thể hiện trân trọng hơn”.
Mặc dù đạt được những tác động tích cực như vậy, nhưng ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, kết quả của Cuộc bình chọn vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều DN và hiệp hội DN còn thụ động; Cuộc bình chọn vẫn chưa đi đến tận cùng… Sau khi bản danh sách ngắn 30 quy định tốt nhất và 30 quy định kém nhất được gửi tới các bộ, ngành, cơ quan chủ trì soạn thảo đã tạo nên sức nóng, phản ứng mạnh mẽ. Các bộ, ngành cử nhiều đoàn đến trao đổi thông tin, tạo nên một sức ép rất lớn. Trong khi đó, một số cơ quan không có phản hồi nào trước những đề cử quy định kém như Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…, mặc dù Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có tới 5 đề cử quy định kém.
Không thể bắt DN lớn mạnh bằng mệnh lệnh hành chính
Danh mục ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh, ngành nghề kinh doanh có điều kiện quy định tại Điều 6, 7 và Phụ lục 4 của Luật Đầu tư năm 2014 là 1/30 quy định pháp luật được đề cử tốt theo Báo cáo tổng hợp Cuộc bình chọn quy định pháp luật năm 2016.
Trong số 30 đề cử quy định pháp luật tốt liên quan đến đầu tư kinh doanh, Báo cáo cũng đưa ra một số quy định tiêu biểu khác của Luật Đầu tư năm 2014 và các văn bản hướng dẫn như: nhà đầu tư trong nước không phải thực hiện bất kỳ thủ tục đầu tư nào trừ trường hợp đầu tư vào các dự án phải được chấp thuận thủ tục đầu tư; nguyên tắc áp dụng điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài; nhà đầu tư nước ngoài được mua ít hơn 51% cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh không có điều kiện mà không phải thực hiện thủ tục đăng ký…
Đánh giá cao ý nghĩa và hiệu quả của Cuộc bình chọn, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật ngày càng trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Nhà nước.
Các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động của DN, nếu có nội dung phù hợp, theo ông Cung, sẽ là tiền đề cho sự phát triển của hoạt động kinh doanh và nền kinh tế. Báo cáo Cuộc bình chọn các quy định pháp luật năm 2016 sẽ là tài liệu hữu ích cho các cơ quan nhà nước, các cán bộ hoạch định chính sách, pháp luật về kinh doanh giúp cho hoạt động của DN thuận lợi, thông thoáng, sáng tạo và cạnh tranh lành mạnh. Khác với trước đây, không thể bắt DN lớn mạnh bằng mệnh lệnh hành chính, đã đến lúc người dân và DN chủ động đòi hỏi Chính phủ phải thay đổi.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM cho rằng, hiện các nhà lập pháp mới chỉ quan tâm tới tính hiệu lực, mà… quên mất tính hiệu quả. Chi phí cho việc tuân thủ một văn bản pháp luật là rất đắt đỏ. Lỗi thường gặp của các nhà lập pháp lâu nay là tư duy quản lý bằng mọi giá, nếu thấy rủi ro quá thì cấm, phạt…, mà không tính đến chi phí và lợi ích. Đã đến lúc cần phải thay đổi theo hướng quản lý bằng cách rẻ nhất và ít rủi ro nhất. Trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật, các cơ quan lập pháp cần nâng cao trách nhiệm giải trình, tham vấn và phản biện xã hội.
Trần Nam
—————————–
Đấu thầu (Đầu tư) 01-3-2017:
http://baodauthau.vn/dau-tu/cu-tan-cong-vao-cac-quy-dinh-phap-luat-roi-ram-34508.html
(97/1.096)