1.239. Lộ diện nhiều quy định pháp luật kém

(KT&ĐT) – Có đến 52% quy định pháp luật bị đánh giá ở mức kém trong tổng số 237 quy định được đề cử trong Cuộc bình chọn quy định pháp luật năm 2016 do Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố ngày 28/2.

Quy định kém nhiều hơn tốt

Khởi động từ tháng 12/2015, sau hơn một năm triển khai với sự tham gia của đông đảo đại diện các bộ, DN, hiệp hội, chuyên gia và báo chí, VCCI đã nhận được hơn 9.000 đề cử các quy định từ hơn 1.700 cá nhân và tổ chức. Sau khi sàng lọc, kết quả tổng cộng có 114 đề cử quy định tốt và 123 đề cử quy định kém.

Theo ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế VCCI, số lượng đề cử giữa 2 loại quy định tốt và kém là tương đối cân bằng (52% và 48%).

 Thông tư 20/2011/TT-BCT của Bộ Công Thương về nhập khẩu ô tô được DN đánh giá là 1 trong số 30 quy định kém từ khi ban hành.   Ảnh: Quỳnh Anh

Trong số 237 quy định được đề cử thì có 79 quy định ở cấp luật (33%), 75 quy định ở cấp nghị định (32%), 69 quy định ở cấp thông tư (29%), còn lại ở các văn bản khác (6%). Tuy nhiên, khi phân loại theo đề cử tốt và kém thì thấy sự chênh lệch rõ rệt giữa các nhóm này. Có đến 43% đề cử quy định tốt nằm ở cấp luật, trong khi tỷ lệ này ở các đề cử quy định kém chỉ là 24%. Ngược lại, ở cấp nghị định và thông tư thì tỷ lệ quy định được đề cử kém cao hơn lên đến 70% so với mức 50% quy định được đề cử tốt. Điều này cho thấy, theo cảm nhận chung của cộng đồng, chất lượng văn bản pháp luật ở cấp nghị định và thông tư có xu hướng kém hơn so với văn bản ở cấp luật. Đây có thể là một minh chứng cho nhận định “quy trình quyết định chất lượng” trong việc làm luật.
VCCI cũng tiến hành phân loại các quy định theo nội dung như: Quy định có liên quan đến thủ tục hành chính, quy định có liên quan đến điều kiện kinh doanh và đưa ra được một số thống kê ban đầu. Cụ thể, liên quan đến thủ tục hành chính: Số đề cử quy định kém là 41 (chiếm 34% toàn bộ các quy định kém được đề cử), số đề cử quy định tốt là 38% (chiếm 33% toàn bộ các quy định tốt được đề cử). Liên quan đến điều kiện kinh doanh, số đề cử quy định kém là 24 (chiếm 20% toàn bộ các quy định kém), số đề cử quy định tốt là 14 (chiếm 12% toàn bộ quy định tốt được đề cử).
Riêng với 30 quy định bị đề cử là kém, đại diện VCCI cho biết, hiện đã có 5 quy định được các bộ, ngành chủ động điều chỉnh, sửa đổi; 13 quy định đang được các bộ, ngành đưa vào chương trình xây dựng pháp luật để sửa đổi trong thời gian tới. Trong số các văn bản bị đề cử xếp loại kém, Bộ TT&TT dẫn đầu với 6 đề cử, tiếp đến là Bộ NN&PTNT, Bộ KH&ĐT…

Đừng đút chân gầm bàn khi làm luật

Theo ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI, mặc dù đây là lần đầu tiên VCCI thực hiện Cuộc bình chọn nhưng việc này đã thể hiện sự trung thực, sự ủng hộ của các DN đối với cơ quan Nhà nước trong việc ban hành những chính sách pháp luật ủng hộ hoạt động kinh doanh, cũng như kỳ vọng vào sự thay đổi pháp luật hiện hành.

Ông Nguyễn Hữu Thập – Chủ tịch Hiệp hội DNNVV tỉnh Tuyên Quang cho biết: “Chúng tôi thật sự tín nhiệm kết quả VCCI công bố ngày hôm nay. Theo cảm nhận của chúng tôi, việc ban hành quy định pháp luật vẫn có ẩn chứa lợi ích nhóm, không ít cán bộ vẫn đút chân gầm bàn khi làm luật dẫn đến nhiều văn bản ban hành chồng chéo, thông tư trái nghị định, nghị định trái luật”. Mặt khác, nhiều ý kiến DN góp ý cho cơ quan soạn thảo lại không tiếp thu, tỷ lệ tiếp thu theo tính toán của bà Vũ Đặng Hải Yến – nguyên Trưởng ban Pháp chế Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước chỉ khoảng 10 – 20%.

Đồng quan điểm, theo ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM): “Xã hội ngày nay đã quen với những hệ thống thông minh, do đó các nhà làm luật cũng phải nắm bắt xu thế này. Chúng ta chỉ nên ban hành luật khi chứng minh được lợi ích khi đề ra”. Ở góc nhìn khách quan, ông Lộc cho biết, theo quy định, tất cả văn bản pháp luật liên quan đến môi trường kinh doanh và DN trước khi ban hành đều phải lấy ý kiến tham vấn của VCCI, nhưng VCCI chỉ làm tốt việc này khi các hiệp hội và DN tích cực đóng góp ý kiến. Thời gian qua, có hiệp hội DN chưa làm tốt vai trò này.

Đại diện VCCI cũng cho biết, cùng với kết quả của cuộc bình xét lần này, VCCI mong muốn tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp của DN và hiệp hội để tổng hợp báo cáo trong cuộc gặp Thủ tướng với DN thời gian tới.

10 tiêu chí đánh giá bình chọn các quy định pháp luật: Sự cần thiết của quy định, tính hợp lý, tính thống nhất, tính khả thi, tính minh bạch, chi phí tuân thủ, quyền tự do kinh doanh, thúc đẩy cạnh tranh, kiểm soát nguy cơ nhũng nhiễu và thời điểm ban hành có hiệu lực.

VCCI nên tiến hành đánh giá các văn bản quy định pháp luật định kỳ 6 tháng/lần, duy trì như vậy sẽ bớt đi những quy định pháp luật kém chất lượng.

Viện trưởng CIEM  Nguyễn Đình Cung

Đây là một “cú tấn công” vào các quy định pháp luật nhiều rối rắm, phức tạp, mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập hiện nay. Một việc nhỏ nhưng sẽ có tác động lớn đến tất cả những người soạn thảo, thẩm định và ban hành văn bản pháp luật. Họ sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn, suy nghĩ chín chắn hơn, thể hiện thận trọng hơn.

Luật sư  Trương Thanh Đức

TRANG ANH

———————————–

Kinh tế & Đô thị (Doanh nghiệp) 01-3-2017:

http://kinhtedothi.vn/lo-dien-nhieu-quy-dinh-phap-luat-kem-281633.html

(73/1.154)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,779