1.241. Nỗ lực minh bạch môi trường kinh doanh

(ĐĐK) – Sáng 28/2, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố kết quả cuộc bình chọn các quy định pháp luật tốt nhất, tồi nhất sau hơn 1 năm tiến hành bình chọn. Doanh nghiệp hy vọng, kết quả của cuộc bình chọn sẽ là sự ghi nhận của cộng đồng doanh nghiệp đối với những nỗ lực từ các cơ quan nhà nước trong việc làm cho môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn từ những quy định tốt. Đồng thời cảnh báo về những quy định đang cản trở một cách bất hợp lý đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Nhiều quy định gây khó cho ngành Dệt may đã được dỡ bỏ. (Ảnh: TL).

Quy định về nước thải loại A đã được cải thiện

Khởi động từ ngày 22/12/2015 nhận các bình chọn, đề cử về các quy định chính sách tốt nhất và tồi nhất, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã nhận được 9.279 đề cử từ 1.739 tổ chức, cá nhân. Trong đó có khoảng 114 quy định được đề cử là tốt (48%) và 123 quy định được đề cử là tồi (52%). Đáng chú ý, các quy định được đề cử tốt chủ yếu được đề xuất từ phía cơ quan nhà nước, nhà quản lý còn các quy định bị cho là tồi, không tốt đều phần lớn được đề cử từ phía DN.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI), trong số 30 quy định kém được gửi tới các bộ, ngành liên quan lấy ý kiến, đã có 5 quy định được các bộ, ngành điều chỉnh, sửa đổi, 13 quy định đang được các bộ, ngành đưa vào chương trình xây dựng pháp luật để sửa đổi trong thời gian tới. Trong đó phải kể đến chỉ tiêu về quy định nước thải trong chăn nuôi phải đạt loại A (nước thải có thể uống được – PV).

Trước đó, ông Tuấn cho biết, quy định này đã được các DN ngành chăn nuôi, Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam bình chọn là quy định tồi. Ngay sau khi nhận được đề cử này, VCCI đã gửi ý kiến đến Bộ Tài nguyên và Môi trường và đã được cơ quan này phản hồi là sẽ tiếp thu sửa đổi. “Ngay sau đó, chúng tôi đã có cuộc tiếp xúc với Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam và được Hiệp hội này cho biết, quy định về nước thải trong chăn nuôi đạt loại A đã được thay đổi hợp lý hơn. “ Điều này cho thấy những tác động rất tích cực của cuộc bình chọn cũng như sự cầu thị và tiếp thu của các cơ quan nhà nước có liên quan” – ông Đậu Anh Tuấn nhận định.

Nói về số quy định được đề cử là quy định tồi, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, chủ yếu các quy định tồi đều do DN đề cử, đó là những quy định có ảnh hưởng lớn đến tính cạnh tranh trong kinh doanh của cộng đồng DN. Một trong những quy định được DN đề cử với số lượng khá lớn phải kể đến Thông tư 20 của Bộ Công thương về việc quy định nhập khẩu xe ô tô.

Theo ông Tuấn, nhiều DN phản ánh, quy định này đã tạo thế độc quyền cho một số DN lớn, làm giảm sức cạnh tranh của các DN, làm méo mó môi trường kinh doanh. “Quy định pháp luật về kinh doanh nên thúc đẩy cạnh tranh hoặc ít nhất không làm giảm tính cạnh tranh trên thị trường, không tạo cơ hội cho độc quyền hoặc thống lĩnh, hoặc phân biệt đối xử một cách vô lý giữa các đối thủ cạnh tranh. Các quy định tốt là những quy định không làm giảm cơ hội lựa chọn của khách hàng, không làm tăng giá và giảm hiệu quả, năng suất chung của nền kinh tế. Thông tư 20 được các DN phản ánh là đi ngược lại điều này” – ông Tuấn cho biết.

Thông tư 20 của Bộ Công thương về việc quy định nhập khẩu xe ô tô gây tranh cãi.

Chỉ nên bình chọn quy định tồi

Kết quả bình chọn là sự ghi nhận của cộng đồng doanh nghiệp đối với những nỗ lực từ các cơ quan nhà nước trong việc làm cho môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn từ những quy định tốt.

Một DN sau khi gửi hàng chục đề cử cho VCCI đã hy vọng rằng, kết quả của cuộc bình chọn sẽ là sự ghi nhận của cộng đồng DN đối với những nỗ lực từ các cơ quan nhà nước trong việc làm cho môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn từ những quy định tốt. Đồng thời cảnh báo về những quy định đang cản trở một cách bất hợp lý đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.

Đánh giá về cuộc bình chọn, Luật sư Trương Thanh Đức, thành viên Hội đồng chuyên gia nhận định: “Đây là một cú “tấn công” vào các quy định pháp luật nhiều rối rắm, phức tạp, mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập hiện nay của Việt Nam. Một việc nhỏ nhưng sẽ có tác động lớn đến tất cả người soạn thảo, thẩm định và ban hành văn bản pháp luật. Người ta sẽ cân nhắc kỹ lưỡng hơn, suy nghĩ chín chắn hơn, thể hiện thận trọng hơn”. 

Có thể thấy, dư luận hết sức đồng thuận và đánh giá cao cuộc bình chọn các quy định tốt và quy định tồi do VCCI thực hiện khảo sát. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, chỉ nên thực hiện bình chọn quy định tồi nhất để nhà làm chính sách tiếp thu và sửa đổi, còn quy định tốt thì không cần thiết phải bình chọn nữa, vì người làm chính sách là phải xây dựng những quy định, chính sách tốt, đó là vai trò, trách nhiệm của nhà quản lý, không thể khác được.

Nhấn mạnh yếu tố này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng đáng lẽ chỉ cần đề cử, bình chọn những quy định không tốt. Vì quy định tốt là việc tất nhiên, là trách nhiệm của cơ quan quản lý. “Tại sao với DN cứ bắt buộc người ta phải làm tốt trong khi nhà quản lý xây dựng chính sách thiếu hợp lý, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh của DN lại không hề hấn gì?” chuyên gia  Phạm Chi Lan đặt câu hỏi.

Bà Lan nhớ lại: “Trước đây, tôi đã từng đề xuất cần phải thanh tra, xử phạt, kỷ luật đối với những người xây dựng chính sách bất hợp lý, đưa ra quy định sai nhưng ngay lập tức tôi nhận được sự phản đối của rất nhiều người. Những quy định sai gây ra hậu quả rất lớn cho xã hội, vậy nhưng không có ai phải chịu trách nhiệm. Chính từ đó, cái sai  không được trị tận gốc. Và vì không trị được nên giờ đây chúng ta mới lãnh hậu quả đó là những hiện tượng tham nhũng, lợi ích nhóm, thực trạng độc quyền của DN lớn…”.

Nhiều ý kiến tại hội thảo cũng thể hiện sự đồng thuận với ý kiến của chuyên gia Phạm Chi Lan. Bên cạnh đó, theo bà Vũ Đặng Hải Yến, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế SCIC, không phủ nhận nhiều quy định được nhà quản lý xây dựng còn bất hợp lý, chưa thực sự tốt cho môi trường kinh doanh của DN. “Song vấn đề đặt ra là, các DN có có chủ động tham gia đóng góp ý kiến, phản biện lại những chính sách đó hay không? Hay chỉ thụ động ngồi chờ để đến khi chính sách ban hành rồi, có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích sát sườn rồi mới lên tiếng? Đây cũng là một phần trách nhiệm của DN chứ không chỉ ở cơ quan ban hành pháp luật” – bà Yến nhấn mạnh.

Minh Phương

———————————

Đại đoàn kết (Kinh tê) 01-3-2017:

http://daidoanket.vn/tin-tuc/kinh-te/no-luc-minh-bach-moi-truong-kinh-doanh-359323

(89/1.397)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,779