(TG) – Từ ngày 15/3, doanh nghiệp không còn được phép vay vốn để đảo nợ. Việc cho vay tuần hoàn chỉ áp dụng với doanh nghiệp không có nợ xấu hay còn gọi là “doanh nghiệp sạch”.
Tuy nhiên, ngay cả những doanh nghiệp FDI vốn được coi là “trường vốn” cũng đang vô cùng lo lắng trước quy định này.
“Tù binh” của nhau
NHNN đã “tuýt còi” với hoạt động vay đảo nợ. Cụ thể, Thông tư 39/2016/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 15/3 tới đã bỏ quy định về đảo nợ tại Quy chế cho vay 1627. Một trong những nội dung quan trọng khác của Thông tư 39 là bỏ quy định về đảo nợ (lấy nợ mới trả nợ cũ) tại Quy chế cho vay 1627. Tức các ngân hàng không được cho vay để trả nợ khoản nợ vay tại chính ngân hàng đó hoặc tại ngân hàng khác, trừ trường hợp cho vay để thanh toán lãi tiền vay phát sinh trong quá trình thi công xây dựng công trình, mà chi phí lãi tiền vay được tính trong dự toán xây dựng công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật; không được cho vay để trả nợ khoản nợ vay tại tổ chức tín dụng khác và trả nợ khoản vay nước ngoài, trừ trường hợp cho vay để trả nợ trước hạn khoản vay đáp ứng đầy đủ các điều kiện phục vụ hoạt động kinh doanh, thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn cho vay còn lại của khoản vay cũ và là khoản vay chưa thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Việc chấm dứt cho vay đảo nợ của NHNN được giới chuyên gia đánh giá cao, bởi khi đó chất lượng tín dụng, tình hình nợ xấu, sức khỏe ngân hàng và sức khỏe doanh nghiệp sẽ được nhìn nhận thực chất hơn, tránh tình trạng “bệnh nan y nhưng lại chỉ được cấp thuốc hạ sốt”.
Tuy vậy, tại một diễn đàn kinh tế, ông Han Dong Hee, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) cho rằng, việc cấm cho vay để đảo nợ là nhằm mục đích ngăn chặn hiện tượng gọi là “cướp Peter để trả Paul”. Các doanh nghiệp vay tiền một cách liều lĩnh và mạo hiểm có thể dẫn đến phá sản, ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế, nhưng việc cấm đảo nợ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn.
Còn việc tìm doanh nghiệp Việt Nam dính nghi án “đảo nợ” không khó, nhưng để chứng minh họ có đảo nợ hay không thì còn là một câu chuyện dài. Đơn cử, cuối năm 2016, Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) gây sốc cho thị trường khi thông báo phát hành thành công 930 tỷ đồng trái phiếu cho một tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, theo nhận định của giới phân tích, nhiều khả năng, đây là giải pháp đảo nợ được HAGL và chủ nợ (một ngân hàng thương mại) tiến hành, bởi doanh nghiệp này đang nợ các ngân hàng lên tới gần 26.000 tỷ đồng, nếu không “đảo nợ”, HAGL có thể lâm vào tình thế khó khăn, gây sức ép không chỉ với doanh nghiệp mà với cả ngân hàng.
Nhưng để chứng minh là HAGL “đảo nợ” thì chẳng chuyên gia, hay cơ quan quản lý nào dám chắc. Bởi thực tế, tình trạng ngân hàng trở thành “tù binh” của doanh nghiệp, ở trong tình cảnh bị “ép” phải cho vay đảo nợ để làm sạch sổ sách, giảm nợ xấu không phải là chuyện hiếm, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhà nước.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, việc cho vay đảo nợ (lấy nợ mới trả nợ cũ) tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, đặc biệt là nguy cơ che giấu nợ xấu. Rõ ràng, việc đảo nợ có thể giúp doanh nghiệp hồi sinh, ngân hàng né nợ xấu, song cũng tiềm ẩn rủi ro mất vốn rất lớn.
Thế nào là “doanh nghiệp sạch”?
Cấm cho vay đảo nợ nhưng Thông tư 39 lại phục hồi hoạt động cho vay tuần hoàn với điều kiện doanh nghiệp đó phải không có nợ xấu, nợ quá hạn… hay nói như cách của ông Đức là doanh nghiệp “sạch”. Nhưng thế nào là sạch, là không có nợ xấu là một câu chuyện dài.
Thông thường vay tuần hoàn là những khoản vay bổ sung vốn lưu động cho doanh nghiệp với thời hạn dưới 1 năm. Theo các chuyên gia, cho vay tuần hoàn cũng là một hình thức cho vay phổ biến theo thông lệ quốc tế. Nhìn theo góc độ tích cực, cho vay tuần hoàn giúp doanh nghiệp luôn ở trong thế chủ động điều tiết dòng tiền của mình sao cho hợp lý nhất và điều chỉnh khoản vay tùy theo sự biến động của lãi suất. Đối với ngân hàng, việc cho vay tuần hoàn giúp phát triển thêm nhiều dịch vụ gia tăng như cho vay thấu chi, cho vay thẻ tín dụng, thư tín dụng…
Tuy nhiên, cũng có quan ngại cho rằng doanh nghiệp có thể vận dụng việc vay tuần hoàn để đảo nợ bằng cách khách hàng có thể vay từ bên ngoài để hoàn trả cho ngân hàng và được ngân hàng giải ngân ngay sau đó. Điều này tương tự như việc đảo nợ, làm méo mó tình trạng nợ xấu thực sự trong hệ thống ngân hàng.
Dù vậy, các chuyên gia vẫn cho rằng cho vay tuần hoàn là cần thiết và có thể hạn chế được những trường hợp tiêu cực bằng các giải pháp kỹ thuật. Quan trọng hơn, nghiệp vụ cho vay tuần hoàn mang lại nhiều lợi ích đối với doanh nghiệp, người dân, ngân hàng và cả nền kinh tế.
Vì vậy, theo luật sư Trương Thanh Đức, chấm dứt cho vay tuần hoàn với doanh nghiệp có nợ xấu là hợp lý, bởi nếu các ngân hàng không kiểm soát nghiêm, rất khó phân biệt các khoản vay hợp lý, khoản vay nào là đảo nợ.
Về phía ngân hàng thương mại, nhiều lãnh đạo ngân hàng cho rằng, việc siết vay tuần hoàn, vay quay vòng… của NHNN để đề phòng rủi ro là cần thiết, nhưng cần nới lỏng thêm một chút.
“Hồ sơ, chứng từ vay vốn của doanh nghiệp hiện nay rất lớn. Nếu như cho phép vay tuần hoàn, doanh nghiệp chỉ cần cung cấp một lần, thay vì mỗi lần ký hợp đồng mới lại phải làm lại bộ chứng từ, rất mất thời gian.
Dù NHNN đã cho phép áp dụng cho vay tuần hoàn với các doanh nghiệp không có nợ xấu, song trong kinh doanh, ngay cả doanh nghiệp tốt cũng có khi dính nợ xấu trong khoảng thời gian ngắn, vì khó cân đối dòng tiền chính xác về mặt thời điểm.
Do đó, tôi cho rằng, NHNN nên cho phép áp dụng cho vay tuần hoàn với cả doanh nghiệp có nợ xấu ít và ngân hàng có thể quản lý được dòng tiền, để giảm “núi” thủ tục cho cả ngân hàng và doanh nghiệp”, Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần đề nghị.
———————————-
Thương gia (Quản trị) 05-3-2017:
http://thuonggiaonline.vn/cam-dao-no-khien-doanh-nghiep-kho-khan-5108.htm
(106/1.257)