1.243. Kinh doanh trên mạng cần được kiểm soát

Điều 292 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về “Tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông”. Theo đó, người nào cung cấp một trong các dịch vụ sau: kinh doanh vàng trên tài khoản; sàn giao dịch thương mại điện tử; kinh doanh đa cấp; trung gian thanh toán; trò chơi điện tử trên mạng; và các loại dịch vụ khác theo quy định của pháp luật trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mà không có giấy phép hoặc không đúng nội dung được cấp phép thì có khả năng bị truy tố hình sự.

Như vậy có thể hiểu rằng các lĩnh vực được nhắc tới trong Điều 292 đều là các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Để có thể tổ chức hoạt động kinh doanh các lĩnh vực này trên mạng, cá nhân phải được cấp phép theo quy định.

Theo phản hồi của cộng đồng khởi nghiệp, quy định như vậy là không phù hợp với cách thức kinh doanh hiện đại, đặc biệt là các dịch vụ mới, các cá nhân khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ. Điều 292 tác động rất lớn đến việc kinh doanh các dịch vụ trên mạng khi hình sự hóa nhiều hành vi vốn chỉ nên xử lý hành chính.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI đánh giá, với Điều 292 thì nguy cơ các hành vi kinh doanh bình thường bị hình sự hoá là rất cao, trong khi các hành vi này đáng ra chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính là đủ. Đơn cử như việc cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử, trò chơi điện tử… bị xử lý hình sự khi chưa hoàn tất thủ tục đăng ký là quá nặng.

Ông Tuấn phân tích, với các dịch vụ này, việc xin phép từ ban đầu là không phù hợp thực tế. Ở đây cơ quan soạn thảo luật đã không căn cứ trên phương pháp kinh doanh của các dịch vụ này. Đó là người cung cấp dịch vụ làm ra sản phẩm thử nghiệm rồi cung cấp cho người dùng và nghiên cứu phản hồi.

Sau khi thử nghiệm và thấy có triển vọng, người sáng lập mới tính đến việc đầu tư sâu hơn nhằm thương mại hóa sản phẩm. Lúc này mới là thời điểm thích hợp để thực hiện các thủ tục pháp lý, đăng ký với cơ quan chức năng.

Như vậy, yêu cầu sản phẩm phải cấp phép trước khi cung cấp ra thị trường chính là việc làm gia tăng chi phí gia nhập thị trường. Đồng thời, nếu chỉ vì cung cấp một trò chơi chưa qua xin phép mà bị xử lý hình sự thì quá nặng và gây cản trở lớn đối với cộng đồng khởi nghiệp.

Điều đáng ngại là Điều 292 còn quy định “điều khoản quét” là “các nhóm dịch vụ khác”, mà không định danh cụ thể là dịch vụ gì. Như vậy vô hình trung, quy định này cho phép các bộ, ngành có thể xếp thêm các dịch vụ khác trên mạng theo lĩnh vực kinh doanh có điều kiện mà nếu không xin phép hoạt động là phạm tội hình sự. Ví dụ các dịch vụ thư điện tử, lưu trữ, tra cứu, giải trí như xem phim, nghe nhạc…

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI đồng tình, Điều 292 đã đưa ra quy định quá nặng khi khép người cung cấp dịch vụ như sàn thương mại điện tử, trò chơi điện tử… mà chưa đăng ký kinh doanh đều có thể trở thành tội phạm. Tuy nhiên, trao đổi với Thời báo NH, ông Đức lại cho rằng để bỏ hoàn toàn Điều 292 như mong muốn của cộng đồng khởi nghiệp là khá khó khăn. Bên cạnh đó, trong một số lĩnh vực, theo ông Đức vẫn cần có sự kiểm soát để bảo vệ quyền lợi cho chính người tiêu dùng.

Đơn cử như mô hình “sàn cho – nhận” mới xuất hiện trên mạng thời gian gần đây, theo Luật sư Trương Thanh Đức, chính là biến tướng của hình thức cung cấp dịch vụ theo mô hình đa cấp trên mạng. Theo đó, người tham gia hàng tháng đóng góp vào một số tiền và sau một thời gian sẽ nhận lại số tiền đó cùng số lãi cao ngất ngưởng, lên đến 360 – 540%/năm, mà không cần làm gì.

Theo phân tích của các chuyên gia tài chính, mô hình này thực chất là lấy tiền của người vào sau để đóng trả cho người vào trước. Như vậy, các “sàn cho – nhận” thực chất là biến tướng của mô hình lừa đảo đa cấp online, tương tự mô hình hoạt động của một số đồng tiền ảo cũng như các quỹ đầu tư tài chính đã bị sập hoặc phát giác thời gian qua.

“Những hoạt động như cho vay với lãi suất mấy trăm phần trăm, không cần làm ăn gì, mà không có giấy phép thì đúng là cần xem xét khép tội kinh doanh trái phép. Hay như mô hình bán hàng đa cấp, chưa nói trên mạng mà ngay bên ngoài cũng cần cấm bán dịch vụ, vì dịch vụ rất tù mù và khó để người tiêu dùng kiểm soát được. Ở đây nhiều mô hình cung cấp dịch vụ trên mạng thì cần kiểm soát”, ông Đức cho biết.

Chốt lại, theo quan điểm của ông Đức thì nên xem xét bỏ một nửa của Điều 292. Cụ thể, “kinh doanh vàng trên tài khoản, kinh doanh đa cấp, trung gian thanh toán nên giữ lại trong Điều 292. Còn kiểm soát hoạt động sàn thương mại điện tử tôi cho rằng đã hơi nặng rồi, sang đến trò chơi điện tử cũng quản thì hơi quá đà”, ông Đức cho biết.

Khanh Đoàn

——————

TB Ngân hàng (Pháp luật) 05-8-2016:

http://thoibaonganhang.vn/kinh-doanh-tren-mang-can-duoc-kiem-soat-51911.html

(485/1.076)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.392. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao. (TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Truy quét hàng giả cuối năm.

Truy quét hàng giả cuối năm. (NLĐ) - Các cơ quan chức năng sẽ tập trung...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,993