1.245. Góp sức xây Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

(ĐTCK) – Theo dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tất cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa, không phân biệt chế độ sở hữu, ngành nghề kinh doanh, đều được hưởng các biện pháp hỗ trợ của Nhà nước.

Xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ

Tại hội thảo “Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa dưới góc nhìn của doanh nghiệp” do Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp, Bộ Tư pháp tổ chức ngày 10/3, PGS.TS Dương Đăng Huệ, Giám đốc Trung tâm Thông tin, tư vấn pháp luật và bồi dưỡng nghiệp vụ, Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp cho rằng, cần xem lại quy định về đối tượng được hưởng hỗ trợ của Nhà nước. Kinh nghiệm xây dựng luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa một số nước cho thấy, một số đối tượng không được hưởng chế độ hỗ trợ của nhà nước.

“Đây là vấn đề rất quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến tính khả thi của luật, liên quan đến việc sử dụng tài sản của Nhà nước để khuyến khích doanh nghiệp. Do đó, các nguồn tài chính này cần phải được sử dụng đúng đối tượng, không tràn lan và không thể cao bằng vì nguồn lực Nhà nước có hạn. Xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ mới đạt hiệu quả và mục đích hỗ trợ mà Nhà nước đặt ra khi ban hành luật”, PGS,TS Huệ nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Huệ đề xuất, dự thảo Luật cần làm rõ việc các cấp chính quyền địa phương có quyền thành lập các Quỹ để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa phương hay không và nên cho phép điều này.

“Việc khuyến khích phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được coi là nhiệm vụ của các cấp chính quyền địa phương và để đáp ứng nhu cầu của địa phương, đồng thời khuyến khích sự sáng tạo, chủ động cũng như xóa bỏ tư tưởng ỷ lại của các cấp chính quyền địa phương đối với Trung ương”, ông Huệ nói.

Liên quan đến hỗ trợ về tín dụng, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI nhận xét, quy định về khuyến khích ngân hàng cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa dựa trên xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp và biện pháp phù hợp khác như trong dự thảo Luật còn chung chung, chưa xác định rõ được cơ chế, biện pháp khuyến khích và tạo điều kiện để các ngân hàng đẩy mạnh cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cần làm rõ cơ chế khuyến khích này để đảm bảo quy định có tính khả thi.

Bên cạnh đó, ông Đức cho rằng, quy định không được từ chối nghĩa vụ bảo lãnh cam kết trong dự thảo Luật cần được xem xét lại.

“Chẳng hạn, liên quan đến vấn đề bảo lãnh tín dụng, nếu quy định Quỹ bảo lãnh tín dụng dựa trên tài sản bảo đảm, phương án sản xuất – kinh doanh khả thi, chứng từ có giá, xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp và biện pháp phù hợp khác thì các tổ chức tín dụng thừa sức chấp nhận cho vay, chứ không cần vòng qua Quỹ”, luật sư Đức giải thích.

Đối với nội dung hỗ trợ về thuế, nhiều ý kiến cho rằng, cần xem lại dự thảo quy định áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thấp hơn mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thông thường.

Theo quan điểm của luật sư Đức, không nên áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn vì số thuế giảm đối với mỗi doanh nghiệp là không đáng kể nhưng lại tạo ra sự bất bình đẳng và có thể dẫn đến các hành vi tiêu cực. Thay vì cách thức hỗ trợ giảm thuế này, nên dùng nguồn tiền tương đương để tập trung hỗ trợ nâng cao năng lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

… và tiêu chí doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo

Về nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp, đại diện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, ông Phạm Ngọc Thạch, Phó trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá cao các hỗ trợ đối với đối tượng này khi có nhiều nội dung, phương thức hỗ trợ được quy định trong dự thảo Luật như miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao công nghệ, hoàn thiện sản phẩm, hỗ trợ thông tin tuyên truyên, cấp bù lãi suất để hỗ trợ các ngân hàng cho vay.

Tuy nhiên, xác định doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, các tiêu chí được đưa ra như thực hiện ý tưởng “dựa trên tài sản trí tuệ, hoặc mô hình kinh doanh mới, khả năng tăng trưởng nhanh”… chỉ là những tiêu chí mang tính chất định tính. Cách quy định này khiến doanh nghiệp không rõ cơ quan nào sẽ có thẩm quyền cụ thể quyết định một doanh nghiệp là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo để được hưởng các hỗ trợ.

“Cần quy định rõ sự hỗ trợ thông qua hệ sinh thái khởi nghiệp, coi đây là đối tượng trực tiếp của các chính sách và doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo là đối tượng gián tiếp thì sẽ khắc phục được tính chung chung trong quy định và hỗ trợ được đúng tới các các đối tượng khởi nghiệp”, ông Thạch nói.

Theo vị chuyên gia này, dự thảo quy định về cấp bù lãi suất cũng cần được cân nhắc vì thực hiện quy định này có thể sẽ phát sinh nhiều thủ tục phức tạp, khiến việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn.

Mai Phương

——————————

Đầu tư Chứng khoán (Thời sự) 13-3-2017:

http://tinnhanhchungkhoan.vn/dau-tu/gop-suc-xay-luat-ho-tro-doanh-nghiep-nho-va-vua-180681.html

(339/1.031)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.392. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao. (TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.910. Giải pháp nào để người dân "bình tĩnh"...

Giải pháp nào để người dân "bình tĩnh" với vàng? (CAND) - Dù liên...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 232,042